(5 điểm):Cảm nhận về nhân...
Câu hỏi: (5 điểm):Cảm nhận về nhân vật trữ tình Em trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.
- “Sóng” là bài thơ tình đặc sắc được Xuân Quỳnh sáng tác nhân chuyến đi thực tế về vùng biển Diêm Điền. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng: tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thuỷ, vượt lên mọi giới hạn của đời người nhưng cũng chất chứa nhiều day dứt, lo âu.
2/ Phân tích:
Sóng và Em song hành với nhau trong suốt chiều dài bài thơ cùng thể hiện những trạng thái cảm xúc, những khao khát mãnh liệt trong tâm hồn em.
- Em băn khoăn thức nhận về tâm hồn mình và về khát vọng tình yêu của mình (Khổ 1):
+ Những trạng thái tâm lí phong phú, đa dạng, luôn chứa đựng những biến động, thao thức thất thường, vừa nồng nàn, táo bạo, tha thiết, vừa tỉnh táo, đắm say "Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ..."
+ Trong tình yêu, "em" không cam chịu, nhẫn nhục mà luôn chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt, đồng cảm, bao dung "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể"
- Em trăn trở cắt nghĩa, lý giải về tình yêu của mình (Khổ 2, 3): Tình yêu luôn thường trực, "Bồi hồi trong ngực trẻ" nhưng chính em cũng không trả lời được "Khi nào ta yêu nhau?".
- Em giãi bày nỗi nhớ tha thiết trong tình yêu:
+ Thể hiện gián tiếp qua hình tượng "sóng". "Sóng" được miêu tả trong nhiều không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, trong sự dàn trải của thời gian "ngày - đêm" nhưng lúc nào cũng triền miên trong nỗi nhớ bờ đến "không ngủ được". Sóng thức bởi tình yêu và nỗi nhớ luôn thức mãi!
+ Tình yêu của "Em" chân thành, sâu sắc, mãnh liệt, thủy chung: Nỗi nhớ được đo bằng không gian và thời gian; nỗi nhớ đầy ắp cả trong thực và trong mộng. "Em" không chút dè dặt, mạnh dạn bộc lộ nỗi nhớ một cách trực tiếp “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Hình ảnh người yêu luôn ngự trị trong trái tìm cuả người thiếu nữ, là "một phương" duy nhất lòng em luôn hướng tới. Đằng sau nỗi nhớ ấy là một khao khát cháy bỏng về tình yêu và mái ấm hạnh phúc.
- Khẳng định sự thuỷ chung và niềm tin tưởng:
+ Với em không chỉ có phương Bắc, phương Nam mà còn có cả “phương anh”. Đó là phương của tình yêu đôi lứa, là không gian của tương tư:
"Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương"
+ "Em" cũng luôn tin tưởng: Cũng như sóng, dù muôn vàn cách trở rồi cuối cùng cũng đến được bờ, em và anh cũng sẽ được ở bên nhau:
"Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
COn nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở"
- Những suy tư trăn trở và khát vọng về một tình yêu vĩnh hằng, bất tử hóa tình yêu của "em":
+ Giả thiết: “dẫu xuôi”, “dẫu ngược” chất chứa dự cảm về những trắc trở trong tình yêu. “Phương Bắc”, “phương Nam”: gợi không gian xa cách, ẩn giấu những phấp phỏng lo âu về sự cách trở => Ngay cả khi tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, say đắm, lòng người phụ nữ vẫn không tránh khỏi những dự cảm không lành.
+ Từ những lo âu, trăn trở khi nhìn thấy sự đối lập ghê gớm giữa con người và vũ trụ, "em" đã tìm ra một con đường để có thể bất tử hóa cùng vũ trụ - đó là nhờ tình yêu: trong tình yêu con người sẽ sống mãi với thời gian. "Em" muốn hòa cái tôi nhỏ bé vào cái chung rộng lớn, mang tình yêu của đôi mình hòa vào tình yêu cuộc đời, tình yêu cuộc sống để tình yêu vĩnh hằng.
3/ Đánh giá:
- Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu vừa truyền thống vừa hiện đại:
+ Truyền thống: say đắm, dịu dàng, nữ tính, thủy chung.
+ Hiện đại: táo bạo, chủ động trong tình yêu; khao khát bất tử hóa tình yêu.
- Bài thơ xứng đáng là một trong những bài thơ tình hay nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT Yên Thế - Bắc Giang - lần 2