(5,0 điểm) Đọc kĩ 3 đoạn...
Câu hỏi: (5,0 điểm) Đọc kĩ 3 đoạn thơ trích sau rồi thực hiện yêu cầu bên dưới:Đêm nay rừng hoang sương muốiĐứng cạnh bên nhau chờ giặc tớiĐầu sung trăng treo. (Chính Hữu – Đồng chí)Không có kính rồi xe không có đènKhông có mui xe, thùng xe có xướcXe vẫn chạy vì miền Nam phía trướcChỉ cần trong xe có một trái tim.(Phạm Tiến Duật – Bài thơ về tiểu đội xe không kính)Ta hát bài ca gọi cá vàoGõ thuyền đã có nhịp trăng caoBiển cho ta cá như lòng mẹNuôi lớn đời ta tự buổi nào.(Huy Cận – Đoàn thuyền đánh cá)Trình bày suy nghĩ của em về vẻ đẹp người lính và người lao động đánh cá qua 3 đoạn thơ trích trên. Qua đó em có suy nghĩ gì về tinh thần yêu nước của nhân dân ta xưa và nay. Bản thân em cần làm gì trước tình hình biển – đảo hiện nay ?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Chính Hữu và bài thơ "Đồng chí":
+ Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Là người từng cầm súng chiến đấu nên ông am hiểu tâm tư, cuộc đời người lính. Thơ ông mang cảm xúc chân thành, mãnh liệt, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng điệu phong phú.
+ Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, được in trong tập “Đầu súng trăng treo” và là một trong những thi phẩm thành công nhất của Chính Hữu, tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp (1946-1954).
- Phạm Tiến Duật và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính":
+ Phạm Tiến Duật là nhà thơ khoác áo lính, là gương mặt tiêu biểu của thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông gắn liền với hình ảnh người lính trên chiến trường với vẻ đẹp hồn nhiên, tinh nghịch, trẻ trung mà sâu sắc.
+ Tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” viết năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang vô cùng ác liệt. Bài thơ in trong tập Vầng trăng - Quầng lửa, là một trong những bài thơ để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc về hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn nói riêng và những người lính cụ Hồ nói chung.
- Huy Cận và bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá":
+ Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới với những tác phẩm nổi tiếng như Lửa thiêng, Vũ trụ ca,... Sau Cách mạng, ông nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược. Hòa bình lập lại, từng trang thơ Huy Cận ấm áp hơi thở của cuộc sống mới đang lên.
+ Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" nằm trong tập "Trời mỗi ngày lại sáng", được sáng tác ở Hòn Gai, năm 1958, nhân một chuyến tác giả đi thực tế dài ngày. Bài thơ được đánh giá là một trong những bài thơ hay của thơ ca Việt Nam hiện đại.
2/ Trình bày suy nghĩ, cảm nhận về 3 đoạn thơ:
a/ Vẻ đẹp người lính trong kháng chiến:
* Khổ cuối trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu:
- Cảnh thực của núi rừng trong thời chiến khốc liệt hiện lên qua các hình ảnh : rừng hoang, sương muối. Người lính vẫn sát cánh cùng đồng đội : đứng cạnh bên nhau, mai phục chờ giặc.
- Trong phút giây giải lao bên người đồng chí của mình, các anh đã nhận ra vẻ đẹp của vầng trăng lung linh treo lơ lửng trên đầu súng : Đầu súng trăng treo. Hình ảnh trăng treo trên đầu súng vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có tính biểu trưng của tình đồng đội và tâm hồn bay bổng lãng mạn của người chiến sĩ. Phút giây xuất thần ấy làm tâm hồn người lính lạc quan thêm tin tưởng vào cuộc chiến đấu và mơ ước đến tương lai hoà bình. Chất thép và chất tình hoà quện trong tâm tưởng đột phá thành hình tượng thơ đầy sáng tạo của Chính Hữu.
* Khổ cuối của "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật:
- Bốn câu thơ dựng hai hình ảnh đối lập đầy kịch tính, rất bất ngờ, thú vị:
+ Hai câu đầu dồn dập, những mất mát, khó khăn do quân địch gieo xuống : không kính, không đèn, không mui, thùng xe có xước. Điệp ngữ “không có” nhắc lại ba lần như nhân lên ba lần những thử thách khốc liệt.
+ Hai câu cuối âm điệu đối chọi lại, trôi chảy, êm ru. Hình ảnh đậm nét. Vậy là đoàn xe đã chiến thắng, vượt lên bom đạn, hăm hở hướng ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì miền Nam”
- Hình ảnh hoán dụ “trong xe có một trái tim” -> cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rể phẩm chất anh hùng của người cầm lái tích tụ, đọng kết lại ở “trái tim” gan góc, kiên cường, giàu bản lĩnh và chan chứa tình yêu thương.
=> Hai câu cuối đã nêu lên chân lý của thời đại: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ… mà là con người - con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm, niềm lạc quan và niền tin vững chắc.
* Nhận xét chung:
Hình tượng người lính trong 2 đoạn thơ trên đều mang những phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ qua các thời kì: bình dị mà vĩ đại, sống có lí tưởng, cái cao cả và vĩ đại bắt nguồn từ cái bình dị nhất. Đó là những con người mộc mạc bình dị,chân chất đời thường,từ cách cảm,cách nghĩ, ... Tất cả đều toát lên một phẩm chất cao đẹp: tình đồng chí, đồng đội keo sơn, tình yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh không tiếc xương máu vì độc lập tự do, đem lại hòa bình cho dân tộc.
b/ Vẻ đẹp người lao động đánh cá trong đoạn thơ trích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận:
- Chất lãng mạn bao trùm cả bức tranh lao động, cả đoàn thuyền đánh cá. Người dân chài cất tiếng hát tả lại công việc của mình với niềm yêu đời mãnh liệt, biến khó khăn thành niềm vui. Lời ca gọi cá vào đã làm tăng thêm phần thơ mộng của bức tranh sơn mài. Hình ảnh “gõ thuyền đã có nhịp trăng cao” là một hình ảnh vô cùng sáng tạo và giàu chất thơ, trăng in bóng xuống nước, sóng vỗ vào mạn thuyền “gõ nhịp” gọi cá vào.
- Cảm xúc dâng trào, lời ca ngợi biển vang lên đầy tha thiết:
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào
Biển không chỉ đẹp mà biển còn rất giàu, nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng mang lại hạnh phúc cho con người. Hình ảnh so sánh “như lòng mẹ” thể hiện niềm tự hào của những người dân làng chài đối với biển quê hương. Giọng thơ tự nhiên, chân thành, ấm áp, chứa chan tình yêu thương và mang âm hưởng ca dao.
→ Nhận xét chung: Hình ảnh của những người ngư dân lao động trên biển đó thật tuyệt vời, thật đáng trân trọng. Hình ảnh của họ chính là vóc dáng của dân tộc một thời hào hùng.
3/ Suy nghĩ về tinh thần yêu nước của nhân dân ta xưa và nay, liên hệ bản thân:
- Nhân dân ta có truyền thống quý báu - truyền thống yêu nước. Tình yêu nước được thể hiện trong cả thời chiến và thời bình: sẵn sàng chiến đấu chống ngoại xâm; hăng say lao động, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Truyền thống ấy cần được thế hệ trẻ tiếp tục phát huy.
- Trước tình hình biển đảo hiện nay, là một học sinh, em cần:
+ Cần tỉnh táo, cảnh giác trước những âm mưu và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tin tưởng và trung thành với đường lối, sách lược của Đảng và Nhà nước; không hành động mù quáng, không để kẻ xấu xúi giục, có những hành vi gây hại cho đất nước.
+ Sẵn sàng hành động theo chỉ đạo của Nhà nước khi Tổ quốc cần.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - Sở GD&ĐT Lâm Đồng năm 2014