Nêu cảm nhận của em về bốn câu thơ đó (4 câu đầu b...
Câu hỏi: Nêu cảm nhận của em về bốn câu thơ đó (4 câu đầu bài thơ “Cảnh ngày xuân”)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Phân tích, tổng hợp.
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Nguyễn Du - đại thi dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Nhắc đến ông người ta nhớ ngay tới "Truyện Kiều" - một đỉnh cao chói lọi của thơ ca dân tộc. Tác phẩm không chỉ có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc mà còn thể hiện tài năng bậc thầy của Nguyễn Du ở các phương diện: cá thể hóa nhân vật, miêu tả tâm lí nhân vật, kết hợp ngôn ngữ bình dân và bác học... Ngòi bút của ông cũng nhiều khi làm say đắm lòng người bởi những đoạn tả cảnh tuyệt bút, ví như đoạn "Cảnh ngày xuân".
- Đoạn trích nằm ở phần đầu “Truyện Kiều”. Sau khi giới thiệu gia cảnh và tài sắc chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du trình bày bối cảnh Thúy Kiều gặp nấm mồ Đạm Tiên và gặp Kim Trọng. Đó là cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh,chị em Kiều đi chơi xuân. Bức tranh thiên nhiên và khung cảnh lễ hội mùa xuân cứ hiện dần ra theo trình tự cuộc vui của chị em Thúy Kiều.
2/ Phân tích:
Khung cảnh mùa xuân:
- Hai câu thơ đầu vừa gợi tả thời gian, vừa gợi tả không gian mùa xuân:
+ Câu thơ thứ nhất “Ngày xuân con én đưa thoi” vừa tả không gian: ngày xuân, chim én bay đi bay lại,chao liệng như thoi đưa; vừa gợi thời gian: ngày xuân trôi nhanh quá, tựa như những cánh én vụt bay trên bầu trời.
+ Câu thơ thứ hai “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” vừa gợi thời gian: chín chục ngày xuân mà nay đã ngoài sáu mươi ngày (tức là đã qua tháng giêng, tháng hai và đã bước sang tháng ba); vừa gợi không gian: ngày xuân với ánh sáng đẹp, trong lành (thiều quang)
- Hai câu thơ sau là một bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân với hai sắc màu xanh và trắng:
+ Chữ “tận” mở ra một không gian bát ngát, thảm cỏ non trải rộng đến tận chân trời làm nền cho bức tranh xuân.
+ Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng . Không gian như thoáng đạt hơn, trong trẻo, nhẹ nhàng và thanh khiết hơn. Chỉ bằng một từ "điểm", nhà thơ đã tạo nên 1 bức tranh sinh động hơn, cảnh vật có hồn hơn, chứ không tĩnh tại, chết đứng. Cách thay đổi trật tự từ trong câu thơ làm cho màu trắng hoa lê càng thêm sống động và nổi bật trên cái nền màu xanh bất tận của đất trời cuối xuân.
=> Mùa xanh của cỏ non và sắc trắng của hoa lê làm cho màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, tràn trề sức sống (cỏ non); khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời); nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa).
=> Bằng một vài nét chấm phá, Nguyễn Du đã phác họa nên 1 bức tranh xuân sinh động, tươi tắn và hấp dẫn lòng người.
3/ Đánh giá:
- Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp trong sáng, và cũng là một trong những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nhất trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.
- Đoạn trích đã thể hiện bút pháp tả cảnh giàu chất tạo hình, chuyển từ miêu tả sang tả cảnh ngụ tình trong nghệ thuật miêu tả và ngôn ngữ trong sáng giàu chất thơ của Nguyễn Du.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
_ Cảnh ngày xuân (Đề 2) - Có lời giải chi tiết