(5,0 điểm)Đọc Chuyện...
Câu hỏi: (5,0 điểm)Đọc Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, có ý kiến cho rằng: Cái bóng là hư nhưng lại trói chặt Vũ Nương vào nỗi đau rất thực.Từ chi tiết nghệ thuật Cái bóng, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải thích, phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỉ XVI, quê ở Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông nổi tiếng học rộng, tài cao.
- "Chuyện người con gái Nam Xương" rút trong tác phẩm “Truyền kì mạn lục", áng văn xuôi viết bằng chữ Hán của Nguyễn Dữ trong thế kỉ 16 - một kiệt tác văn chương cổ được ca ngợi là “thiên cổ kì bút". Tác phẩm không chỉ phản ánh số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến mà còn khẳng định vẻ đẹp truyền thống đáng quý của họ.
2/ Giải thích nhận định:
- "Cái bóng là hư": ý nói nó là vật vô tri, vô giác.
- "Nỗi đau rất thực" của Vũ Nương: là bi kịch bị chồng nghi oan, ruồng bỏ mà dẫn đến cái chết.
=> Nhận định đã chỉ ra chi tiết có ý nghĩa thắt nút của câu chuyện.
3/ Phân tích, chứng minh:
a/ Chi tiết "cái bóng":
- Đối với Vũ Nương: Trong những ngày chồng đi xa, vì thương nhớ chồng, vì không muốn con nhỏ thiếu vắng bóng người cha nên hàng đêm, Vũ Nương đã chỉ bóng mình trên tường, nói dối con đó là cha nó. Lời nói dối của Vũ Nương với mục đích hoàn toàn tốt đẹp.
- Đối với bé Đản: Mới 3 tuổi, còn ngây thơ, chưa hiểu hết những điều phức tạp nên đã tin là có một người cha đêm nào cũng đến, mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng nín thin thít và không bao giờ bế nó.
- Đối với Trương Sinh: Lời nói của bé Đản về người cha khác (chính là cái bóng) đã làm nảy sinh sự nghi ngờ vợ không thuỷ chung, nảy sinh thái độ ghen tuông và lấy đó làm bằng chứng để về nhà mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ Nương đi để Vũ Nương phải tìm đến cái chết đầy oan ức.
=> Nó đã tạo ra nút thắt đầy kịch tính của câu chuyện, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời Vũ Nương. Từ đó, ta thấy rõ bi kịch của nàng, tính cách của Trương Sinh và dẫn người đọc khám phá ra giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
b/ Bi kịch của Vũ Nương:
* Nàng là một người phụ nữ nhan sắc, hiền thục, nết na, thủy chung son sắt:
- Đó trước hết là một người phụ nữ đẹp, khiến Trương Sinh không tiếc 100 lạng mà cưới về làm vợ.
- Nàng là người con dâu hiếu thảo, người vợ đảm đang: một mình gánh vác gia đình, chăm sóc mẹ chồng già yếu, nuôi dạy con thơ. Khi mẹ chồng mất, nàng lo tang ma chu đáo...
- Xa chồng nhưng rất mực thủy chung, một lòng thủ tiết chờ chồng. Khi bị nghi oan cũng chỉ biết khóc rồi thanh minh bằng những lời lẽ tha thiết, dịu dàng.
* Song cuộc đời nàng vô cùng đau khổ: bị chồng nghi oan, ruồng bỏ, phải tự vẫn
- Bị chồng đổ oan, mắng nhiếc, đánh đuổi đi.
- Cùng đường Vũ Nương nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tận. Đây là phản ứng dữ dội, quyết liệt của Vũ Nương để bảo vệ nhân phẩm nhưng cũng là cho thấy nỗi bất hạnh tột cùng của nàng.
- Tuy ở dưới thủy cung, nàng được cứu sống, sống phú quý, được bất tử, được minh oan nhưng lòng vẫn mong trở về cõi trần mà không thể.
3/ Ý nghĩa của chi tiết cái bóng:
- Tạo bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật Vũ Nương, là nút thắt của chuyện, đẩy kịch tính lên cao trào.
- Làm bộc lộ tính cách Trương Sinh: nóng nảy, ghen tuông mù quáng, độc đoán, gia trưởng.
- Truyền tải giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm:
+ Phản ánh chân thực số phận bất hạnh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến qua nhân vật Vũ Nương.
+ Lên án, tố cáo sự độc đoán, gia trưởng của người đàn ông trong xã hội phong kiến.
- Đây là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, cho thấy sự sáng tạo tài tình cũng như tấm lòng đầy yêu thương, cảm thông, trân trọng người phụ nữ trong xã hội cũ của nhà văn Nguyễn Dữ.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - hệ chuyên - Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Quảng Nam - năm 2015