(5,0 điểm)Diễn biến tâm trạng của...
Câu hỏi: (5,0 điểm)Diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích".(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGDVN, 2012)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Nguyễn Du - đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông là tác giả của "Truyện Kiều" - một đỉnh cao của ngôn ngữ thơ ca dân tộc.
- Tác phẩm "Truyện Kiều" mượn cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân - Trung Quốc. Nhưng làm nên tiếng vang lớn và sức sống bền bỉ cho tác phẩm là nhờ sự sáng tạo tài tình của Nguyễn Du cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Trong đó, phải kể đến thành công trong bút pháp miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật mà đoạn "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một ví dụ điển hình.
2/ Phân tích:
a/ Hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng: sau khi bị thất thân bởi Mã Giám Sinh, bị Tú Bà làm nhục, Kiều tự vẫn nhưng không thành. Tú Bà đã đưa Kiều ra sống một mình ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng Kiều, rắp tâm chuẩn bị một âm mưu mới.
b/ Diễn biến tâm trạng nàng Kiều:
- Tâm trạng cô đơn, bẽ bàng, tủi nhục của Kiều trước không gian lầu Ngưng Bích (phân tích 6 câu đầu). Những hình ảnh không gian (lầu Ngưng Bích, non xa, trăng gần, bốn bề bát ngát, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia) mênh mông, hoang vắng, mịt mờ; hình ảnh thời gian (mây sớm đèn khuya) dằng dặc đã tô đậm tâm trạng ấy.
- Tâm trạng thương nhớ người thân:
+ Nàng nhớ đến Kim Trọng: nhớ người tình là nhớ đến tình yêu nên bao giờ Kiều cũng nhớ tới lời thề đôi lứa (tưởng người dưới nguyệt chén đồng). Nàng tưởng tượng Kim Trọng đang hướng về mình, ngày đêm đau đáu chờ tin mà uổng công vô ích (tin sương luống những rày trông mai chờ). Nàng nhớ về Kim Trọng với tâm trạng đau đớn, tiếc nuối. Câu thơ tấm son gột rửa bao giờ cho phai có hai cách hiểu: tấm son là tấm lòng nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi quên hoặc tấm lòng son trong trắng của Kiều bị dập vùi hoen ố, biết bao giờ gột rửa được. Đó là tấm lòng thủy chung son sắc của nàng.
+ Nàng nhớ đến cha mẹ: Kiều nhớ đến cha mẹ với nỗi xót thương vô hạn. Các thành ngữ quạt nồng ấp lạnh, tựa cửa hôm mai, cách mấy nắng mưa, các điển cố sân Lai, gốc tử đã diễn tả sâu sắc nỗi nhớ thương cha mẹ, xót xa vì không trọn đạo làm con của Kiều. Đó là tấm lòng hiếu thảo, đức vị tha rất đáng trân trọng của nhân vật.
+ Nguyễn Du đã để Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau. Điều này không phù hợp với trật tự lễ giáo phong kiến nhưng lại rất hợp logic tâm trạng (Đối với cha mẹ, trong cơn gia biến, Kiều đã quyết định chọn bên hiếu, bán mình chuộc cha. Còn đối với Kim Trọng, Kiều vẫn tự xem mình là kẻ phụ bạc. Cho nên trong nỗi nhớ người thân, nàng dành nỗi nhớ đầu tiên cho Kim Trọng). Sự đảo lộn trật tự đó cho thấy sự cảm thông sâu sắc của tấm lòng thấu suốt nghìn đời, sự tinh tế của ngòi bút tâm lý bậc thầy Nguyễn Du.
- Tâm trạng đau buồn, lo lắng trước tương lai mịt mờ: để diễn tả tâm trạng ấy, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình một cách điêu luyện. Cảnh như khơi, như vẽ từng biến thái tinh vi trong tâm hồn Kiều: cánh buồm thấp thoáng xa xa trong buổi chiều tà gợi lên ở nàng một nỗi buồn da diết về quê nhà xa cách. Một cánh hoa trôi man mác giữa dòng nước mênh mông là nỗi buồn về phận hoa trôi bèo dạt lênh đênh vô định của nàng. Nội cỏ rầu rầu giữa chân mây mặt đất một màu xanh mù xa tít tắp là một nỗi bi thương vô vọng kéo dài không biết đến bao giờ! Và thiên nhiên dữ dội gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng thì lại gợi lên ở nàng tâm trạng hãi hùng, lo sợ trước những tai họa như lúc nào cũng rình rập ập xuống đầu nàng.
3/ Đánh giá:
- Với bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh diệu, ngôn ngữ độc thoại đặc sắc, Nguyễn Du đã khắc họa thật rõ nét từng biến thái tâm trạng của nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích, đồng thời cũng làm sáng lên tấm lòng thủy chung, đức hiếu thảo rất đáng được trân trọng của nàng.
- Đoạn thơ thể hiện tài năng nghệ thuật đặc sắc, đồng thời thể hiện tấm lòng xót thương của Nguyễn Du đối với kiếp người bạc mệnh.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn hệ chuyên - vòng 1 - Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc năm 2013