(6,0 điểm)Đừng làm n...
Câu hỏi: (6,0 điểm)Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạmNhư những cây quả thẳng, chim không về.(Chế Lan Viên, Sổ tay thơ)Em hãy chọn hai trong bốn tác phẩm: Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Con cò (Chế Lan Viên), Nói với con (Y Phương) để làm rõ ý thơ trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, lí giải, tổng hợp
Giải chi tiết:
1/ Giải thích ý kiến của nhà thơ Chế Lan Viên:
- Trong nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, điều quan trọng làm cho tên tuổi nhà thơ, khiến cho bài thơ sống mãi không chỉ là ở tư tưởng, ở nội dung hay câu chữ mà là ở cá tính sáng tạo của mỗi người. Đó chính là lí do mà Chế Lan Viên muốn nói với mọi người : “Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạm – Như cây quá thẳng chim không về”
+ “Những câu thơ khuôn mình theo văn phạm”: là những câu thơ rập khuôn, mờ nhạt, không tạo được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng”.
+ Nhà thơ đã có một so sánh, liên tưởng rất độc đáo: “Như cây quá thẳng chim không về”. Giống như một bài thơ cứng nhắc, nhạt nhẽo, sẽ không tạo được tiếng nói đồng điệu giữa những tâm hồn ở người nghệ sĩ - độc giả, sẽ không để lại nơi người đọc những ấn tượng khó quên, sẽ không mang đến cho cuộc đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có. Điều đó giống như một sự tự sát trong văn học, một sự lặp lại chính mình tối kỵ trong thơ.
=> Sứ mệnh của người nghệ sĩ là phải không ngừng đổi mới mình, phải là người ''không nhai lại'', phải có ''cái tạng riêng'', có ''cách sút bóng riêng'' trong ''Cái sân cỏ Trang Thơ nghìn thuở giống nhau'' (Đá bóng) . Nhiều khi nhà thơ phải biết vượt qua văn phạm cứng nhắc, vượt qua những “xác chữ” để vương tới vẻ đẹp “phi lý” của thơ:
“Cuộc đời cần đẻ ra nhiều hình thức
Dù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc
Chứ phải đâu cứ xanh xanh vĩnh viễn một màu”.
2/ Phân tích 2 trong 4 bài thơ đã cho để làm sáng tỏ ý kiến:
Học sinh nên chọn: “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” hoặc “Con cò” và “Nói với con” vì các cặp tác phẩm đó cùng đề tài, dễ làm nổi bật cái hay, cái đẹp riêng của từng bài. Dưới đây là hướng dẫn cách làm với 2 bài “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
a/ Phân tích bài thơ "Đồng chí":
* Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:
- Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Thơ ông mang cảm xúc chân thành, mãnh liệt, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng điệu phong phú.
- Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, được in trong tập “Đầu súng trăng treo” và là một trong những thi phẩm thành công nhất của Chính Hữu, tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).
* Phân tích bài thơ:
- Cần nêu rõ cơ sở của tình đồng chí:
+ Họ chung nhau về hoàn cảnh xuất thân: đều là những người nông dân
+ Chung nhau về lí tưởng, lòng yêu nước: quyết tâm ra đi bảo vệ đất nước
+ Cùng chung nhiệm vụ, chung cuộc đời người lính: "súng bên súng, đầu sát bên đầu", "đêm rét chung chăn".
- Biểu hiện của tình đồng chí:
+ Là sự thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của nhau: ý chí lên đường, nỗi nhớ hậu phương.
+ Là sự đồng cam, cộng khổ trong cuộc đời người lính: cùng nhau vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật.
+ Là niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng họ dành cho nhau: "thương nhau tay nắm lấy bàn tay"
- Sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí: họ đứng bên nhau trong tư thế chủ động "chờ giặc tới", bất chấp cái lạnh lẽo, hiểm nguy của đêm tối, rừng hoang, sương muối. Phân tích kĩ hình ảnh biểu tượng "đầu súng trăng treo".
- Nghệ thuật: Lối miêu tả chân thực, tự nhiên; từ ngữ, hình ảnh giản dị và giàu sức gợi, cảm xúc dồn nén.
b/ Phân tích bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính":
* Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:
- Phạm Tiến Duật là nhà thơ khoác áo lính, là gương mặt tiêu biểu của thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông gắn liền với hình ảnh người lính trên chiến trường với vẻ đẹp hồn nhiên, tinh nghịch, trẻ trung mà sâu sắc.
- Tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” viết năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang vô cùng ác liệt. Bài thơ in trong tập Vầng trăng - Quầng lửa, là một trong những bài thơ để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc về hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn nói riêng và những người lính cụ Hồ nói chung.
* Phân tích bài thơ:
- Hiện thực khốc liệt của chiến tranh và những gian khổ của người lính lái xe Trường Sơn:
+ Bom đạn triền miên đã hủy hoại những chiếc xe thành: không kính, không đèn, không mui, thùng xe lại có xước
+ Những gian khổ mà người lính gặp phải: "gió vào xoa mắt đắng" "bụi phun tóc trắng như người già" "ướt áo",...
-> Đó là những thử thách đầy hiểm nguy.
- Hình ảnh những người lính:
+ Phong thái tự tin, hiên ngang: "ung dung buồng lái ta ngồi/ nhìn đất....nhìn thẳng"
+ Tâm hồn lạc quan, vui tươi, dí dỏm: "Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim", "Thấy sao trời ... vào buồng lái", "phì phèo châm điếu thuốc... ha ha", "Chưa cần thay ... khô mau thôi" => Trên con đường ra trận, thiên nhiên khắc nghiệt cũng trở nên thơ mộng, gắn bó, làm bạn với con người, con đường đến với miền Nam thân yêu luôn ở trong tim mỗi người chiến sĩ.
+ Tình đồng đội gắn bó keo sơn: "bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi", "chung bát đũa..."
+ Lòng yêu nước, dũng cảm, kiên cường, bất chấp hiểm nguy: "Xe vẫn chạy... trái tim". Phân tích kĩ hình ảnh "trái tim".
=> Tác giả đã xây dựng thành công 2 hình tượng: hình tượng những chiếc xe không kính và hình tượng người lính lái xe Trường Sơn.
- Nghệ thuật: Thể thơ tự do, giọng thơ tràn đây lạc quan, duyên dáng, dí dỏm, kết hợp hài hòa giữa bút pháp tả thực và cảm hứng lãng mạn.
c/ So sánh 2 bài thơ:
* Giống nhau:
- Thể thơ tự do.
- Cùng đề tài người lính. Hai tác giả đều làm nổi bật vẻ đẹp của những người lính Việt Nam:
+ Lòng yêu nước, lí tưởng cách mạng sáng ngời
+ Tinh thần dũng cảm, lạc quan, bất chấp hiểm nguy, gian khó
+ Có tinh thần đồng đội
* Khác nhau:
Hình tượng người lính trong mỗi bài thơ lại có vẻ đẹp riêng:
- Người lính trong bài thơ “Đồng chí” mamg vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người lính xuất thân từ nông dân.
- Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” luôn trẻ trung sôi nổi, vui nhộn với khí thế mới mang tinh thần thời đại.
=> Có sự khác nhau đó là do ảnh hưởng của yếu tố thời đại và những sáng tạo đặc biệt của các nhà thơ.
d/ Tiểu kết:
- Khẳng định sức hấp dẫn riêng và sự sáng tạo riêng của mỗi bài thơ.
3/ Đánh giá:
- Khẳng định lại tính đúng đắn của ý kiến cũng như sự cần thiết của cá tính sáng tạo trong sáng tác thơ văn.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - hệ chuyên - Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh năm 2015