Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp củ...
Câu hỏi: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
A.GIỚI THIỆU CHUNG
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trung Thành được bắt nguồn từ dòng chảy lịch sử của mảnh đất Tây Nguyên dữ dội. Nguyễn Trung Thành đã có những năm tháng sống và chiến đấu, chứng kiến những mất mát, đau thương mà mảnh đất này phải hứng chịu. Văn chương Nguyễn Trung Thành mang đậm âm hưởng sử thi của núi rừng Tây Nguyên.
- Mùa hè năm 1965, Đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào bãi biển Chu Lai. Quân và dân ta bắt đầu cuộc chiến mới vô cùng gay go và quyết liệt. Theo lời Nguyễn Trung Thành, “Đó là những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán một mất một còn trực tiếp với đề quốc Mĩ”. Tác phẩm “Rừng xà nu” được công bố lần đầu năm 1965, trong thời kì chiến tranh xảy ra ác liệt nhất. Nguyễn Trung Thành viết “Rừng xà nu” như là một biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và dân tộc ta nói chung.
- Truyện ngắn “Rừng xà nu” là câu chuyện về cuộc “đồng khởi” của làng Xô-Man ở Tây Nguyên, cũng là câu chuyện bi tráng về cuộc đời nhân vật Tnú.Tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh nhân vật Tnú- biểu tượng số phận đau thương và phẩm chất kiên cường, bất khuất của mảnh đất Tây Nguyên hùng hồn, bi tráng.
B. PHÂN TÍCH
1. Hoàn cảnh xuất thân và phẩm chất của nhân vật
- Tnú là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trong sự đùm bọc và cưu mang của dân làng Xô man. Bởi vậy, Tnú chính là người con của cả dân làng, của cả mảnh đất này. Tnú không thuộc về riêng ai, anh thuộc về cộng đồng, về nơi nuôi dưỡng anh trưởng thành. Cụ Mết đã từng nói rằng: “Nó là người Sa Trá mình, cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Dù có hoàn cảnh xuất thân kém may mắn nhưng cuộc đời anh lại làm được nhiều việc có ích cho dân làng. Tnú mang phẩm chất của người cách mạng chân chính trong tương lai.
=>Chính tình thương yêu của đồng bào đã đem lại cho anh niềm tin yêu cuộc sống, tin vào chính mình, gắn bó sâu sắc với bản làng quê hương, với những gì thân thuộc như tiếng chày giã gạo của những cô gái , con nước mát lạnh đầu bản, những cụ già, những em nhỏ,…Cuộc đời và số phận Tnú tiêu biểu cho cuộc đời và số phận chung của những con người Tây Nguyên đau thương, anh dũng, bất khuất, quật khởi đứng lên chống ách thống trị bạo tàn của kẻ thù.
2. Tính cách nhân vật
* Tnú là một con người gan góc, táo bạo, dũng cảm, trung thành tuyệt đối với cách mạng:
- Ngay từ nhỏ,tính cách gan góc, táo bạo, dũng cảm của Tnú đã được thể hiện rõ rệt: Tnú cùng Mai làm liên lạc cho cán bộ ở trong rừng, nhanh nhẹn luồn rừng đưa mà không sợ bị chặt đầu hoặc treo cổ.
- Khi đi liên lạc,giặc vây các ngả đường thì Tnú đã “xé rừng mà đi”.Qua sông, Tnú “không thích lội chỗ nước êm” mà “cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình”, “vì chỗ nước êm thằng Mĩ hay phục”
- Bị giặc bắt thì nuốt luôn cái thư vào bụng, bị tra tấn không khai; một mình xông ra giữa vòng vây của kẻ thù trong tay không có vũ khí; bị giặc bắt, bị đốt mười đầu ngón tay vẫn không kêu than...
=>Có thể nói, sự gan góc,táo bạo,dũng cảm của Tnú là cơ sở để làm nên hành động anh hùng và phẩm chất anh hùng của Tnú. Tnú là nhân vật đại diện cho hình ảnh của con người Tây Nguyên anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu.
* Tnú là một người biết vươn lên mọi đau đớn và bi kịch cá nhân:
- Tuổi nhỏ, mồ côi, Tnú được dân làng nuôi nấng,đùm bọc, yêu thương. Chính nước suối làng Xô-Man, gạo của làng Xô-Man, tình yêu thương của dân làng đã nuôi sống và hun đúc tình yêu thương, tình yêu cuộc sống và phẩm chất con người để sau này Tnú trở thành người con ưu tú của dân làng.
- Bản thân Tnú 2 lần bị giặc bắt, bị tra tấn dã man (tấm lưng chằng chịt những vết chém, hai bàn tay bị đốt mỗi ngón chỉ còn lại hai đốt; vợ con bị giặc giết hại...) nhưng Tnú không khuất phục, kiên cường, bền gan gia nhập bộ đội để cầm súng bảo vệ dân làng Xô-Man, bảo vệ quê hương, đất nước.
* Tnú còn là một người giàu tình yêu thương người thân và quê hương bản làng:
- Đó là tình yêu thương vợ conrất mực tha thiết của Tnú: Chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù tra tấn dã man anh không kìm được nỗi đau đang đốt cháy lòng mình: “Anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy (...) ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”.Phải chăng, tình yêu thương và sự căm thù đã kết thành ngọn lửa rực cháy trong hai con mắt của anh: dữ dội, bi thương.
- Đó còn là tình cảm gắn bó với bản làng,với quê hương đất nướccủa Tnú: Trên đường trở về thăm làng, Tnú nhớ từng gốc cây, nhớ tiếng chày giã gạo... Cũng chính vì tình yêu quê hương mà Tnú đã tham gia là cách mạng, chịu nhiều đau thương...để đấu tranh giành lại sự yên bình cho quê hương, đất nước.
=> Tình yêu thương người thân, yêu thương quê hương đất nước thiết tha và lòng căm thù sâu sắc, đã trở thành động lực, biến thành hành động cụ thể: dù hai bàn tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt, Tnú vẫn gia nhập lực lượng quân giải phóng để cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương.
* Tnú là người có ý thức và tinh thần kỷ luật cao:
- Khi học chữ thua Mai thì lấy đá đập vào đầu. Hành động ấy thể hiện ý thức về lòng tự trọng và ý chí quyết tâm cao của Tnú.
- Xa bản làng ba năm, tuy nhớ nhà, nhớ quê hương, nhưng phải được cấp trên cho phép anh mới về và chỉ về đúng một đêm như qui định trong giấy phép
3.Hình ảnh bàn tay Tnú - chi tiết nghệ thuật giàu sức ám ảnh
- Bàn tay ấy cũng có một cuộc đời, được tác giả khắc họa từ khi Tnú còn nhỏ đến khi trưởng thành.
+ Đầu tiên, khi hai bàn tay còn lành lặn, bàn tay Tnú dắt bé Mai lên rẫy trồng tỉa, xách xà lét giấu gạo đi nuôi cán bộ Quyết hoạt động ở trong rừng.
+ Để giúp Tnú thành người có ích, anh Quyết dạy Tnú học chữ. Bàn tay Tnú cầm viên phấn bằng đá trắng, lấy từ núi Ngọc Linh về, viết lên bảng đen đung bằng nứa hun khói xà nu để học chữ. Không viết được chữ, bàn tay Tnú cầm đá đập vào đầu mình.
+ Bàn tay Tnú mang công văn đi làm liên lạc và cũng chính bàn tay ấy, Mai đã cầm lấy, ở gốc cây to đầu rừng khi Tnú thoát ngục Kon Tum trở về. Mai “ứa nước mắt khóc” – những giọt nước mắt của tình yêu.
+ Bàn tay nghĩa khí, dũng cảm, không biết phản bội bao giờ. Bàn tay Tnú giờ đây không còn nguyên vẹn: kẻ thù tẩm nhựa xà nu đốt cháy mười đầu ngón tay Tnú, “mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”. Nỗi đau đớn không gì diễn tả nổi, nhưng Tnú không kêu ca. Bàn tay ấy từng chỉ lên bụng mìnhKể từ đó, mười ngón tay Tnú bị cụt mất đốt, không mọc lại được nữa nhưng bàn tay tàn tật đó vẫn có sức mạnh để giết chết kẻ thù. Bàn tay ấy giờ đây trở thành chứng tích cho tội ác của kẻ thù và lòng căm giận của người dân Tây Nguyên. Chính điều đó đã thôi thúc Tnú và đồng bào Tây Nguyên đứng lên chiến đấu và giành chiến thắng trước kẻ thù.
=> Bàn tay Tnú là biểu tượng của sức sống, nghị lực phi thường, ý chí căm thù giặc và tinh thần cách mạng vô song.
=> Câu chuyện về cuộc đời Tnú là một câu chuyện đầy bi tráng. Tnú tập trunh trong mình tất cả những đau thương mà con người nơi đây phải gánh chịu, đồng thời hội đủ mọi phẩm chất anh hùng, bất khuất của dân lang Xô-Man nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung.
C. ĐÁNH GIÁ CHUNG
-Câu chuyện về cuộc đời Tnú là câu chuyện bi tráng và đậm chất sử thi - cuộc đời của một con người mang ý nghĩa cuộc đời của một dân tộc. Nhân vật Tnú mang đậm tính sử thi – nhân vật ấy gánh nặng số phận lịch sử. Dù có nhiều dị biệt, Tnú vẫn là kiểu nhân vật sánh vai với các anh hùng trong trường ca Đam San, Xinh Nhã của núi rừng Tây Nguyên.
-Thông qua câu chuyện về cuộc đời Tnú – đại diện cho những con người anh hùng ở một buôn làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí đứng chống lại kẻ thù tàn ác.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Rừng xà nu_Đề 1