(4,0 điểm)Anh (chị) hãy cảm nhận...
Câu hỏi: (4,0 điểm)Anh (chị) hãy cảm nhận hai đoạn thơ sau:“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”?Nhìn nắng hàng cau nắng mới lênVườn ai mướt quá xanh như ngọcLá trúc che ngang mặt chữ điền”... (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)Và: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơiSài Khao sương lấp đoàn quân mỏiMường Lát hoa về trong đêm hơiDốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳmHeo hút cồn mây súng ngửi trờiNgàn thước lên cao ngàn thước xuốngNhà ai Pha luông mưa xa khơi (Tây Tiến - Quang Dũng)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ ca lãng mạn 1930-1945. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng ở ông luôn dồi dào sức sáng tạo. Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế.
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Hàn Mặc Tử nằm trong tập “Thơ điên” (hay “Đau thương”) được chính nhà thơ tập hợp lại vào 1938. Bài thơ vừa là bức tranh thiên nhiên, con người xứ Huế; vừa là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.
- Quang Dũng (1921-1988), quê Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn.
Tây Tiến (1948) là thành tựu đặc sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp, là bài ca không thể nào quên về một thời gian khổ mà hào hùng, hào hoa của lịch sử dân tộc.
- Trích dẫn 2 đoạn thơ.
2. Cảm nhận về hai đoạn thơ
a/ Đoạn 1:
- Vị trí: Khổ đầu bài "Đây thôn Vĩ Dạ".
- Nội dung: Cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người tha thiết.
+ Câu đầu là câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái. Có thể hiểu đó là lời mời mọc của một cô gái Huế dịu dàng, trìu mến hay là lời trách móc nhẹ nhàng của chính cô? Cũng có thể đó là lời tự vấn của nhà thơ cho một tự mình lần lỡ hẹn? Dù hiểu theo cách nào thì câu thơ cũng chứa đựng tình người tha thiết.
+ Ba câu sau gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên thôn Vĩ trong khoảnh khắc hừng đông. Đó là bức tranh tươi tắn, đầy sức sống với ánh nắng ấm áp, lấp lánh của "nắng mới lên", với màu xanh mướt "như ngọc" của trúc, của cau... Thấp thoáng ẩn hiện đằng sau khung cảnh ấy bóng dáng con người xứ Huế, vừa chăm chỉ, khéo léo, vừa đôn hậu "Lá trúc che ngang mặt chữ điền".
=> Qua khổ 1, ta cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người tha thiết cùng niềm băn khoăn day dứt của tác giả.
- Nghệ thuật:
+ Bút pháp lãng mạn trữ tình
+ Ngôn ngữ cực tả, trong sáng súc tích
+ Những hình ảnh thơ giàu sức gợi
+ Các biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ, phép điệp, so sánh...
b/ Đoạn 2:
* Vị trí: khổ đầu tiên của bài thơ "Tây Tiến".
* Nội dung: Nỗi nhớ của nhà thơ về thiên nhiên và những cuộc hành quân của đoàn binh Tây Tiến.
- Đoạn thơ bộc lộ nỗi nhớ da diết, vời vợi về mảnh đất miền Tây và đoàn quân Tây Tiến. Mỗi địa danh được nhắc đến "Sông Mã" "Sài Khao" "Mường Lát" - là một chặng đường hành quân, cũng là một chặng đường đời của nhà thơ nói riêng và những người lính Tây Tiến nói chung. Đó là "chứng nhân" lịch sử cho những gian khổ và hào hùng mà họ đã trải qua. Bởi thế mà tiếc nuối bâng khuâng "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi", mà tha thiết "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi".
- Thiên nhiên miền Tây trong nỗi nhớ vừa hoang vu, khắc nghiệt, dữ dội lại vừa thơ mộng, trữ tình:
+ Gọi tên địa danh: gợi sự xa xôi, hoang vắng. "Sương lấp": sương dày đặc, buốt giá.
+ Dốc núi cheo leo, thẳng đứng, nối tiếp nhau "ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống", nhìn từ trên xuống thấy "thăm thẳm" nghìn trùng.
+ Không gian heo hút, cao vợi "heo hút cồn mây súng ngửi trời"
-> Thiên nhiên hoang sơ, dữ dội, khắc nghiệt, chứa đựng nhiều nguy hiểm.
+ Cũng có khi thiên nhiên lại thơ mộng, dịu dàng: sương lại mềm mại như những chùm hoa "hoa về trong đêm hơi", những làn mưa mỏng làm dịu đi những cực khổ của người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân.
=> Qua miêu tả thiên nhiên, tác giả gián tiếp gợi lên những vất vả, gian khổ của đời lính Tây Tiến và bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của họ: dũng cảm, mạnh mẽ, kiên cường và cũng rất tinh tế, lãng mạn.
* Nghệ thuật:
- Hình ảnh thơ có sự hài hòa giữa nét thực và ảo, vừa mông lung vừa gợi cảm về cảnh và người (bút pháp lãng mạn).
- Nhạc điệu có sự hài hòa giữa lời cảm thán với điệu cảm xúc (câu mở đầu như một tiếng gọi vang vọng vào không gian), giữa mật độ dày những âm vần (rồi, ơi, chơi vơi, mỏi, hơi) tạo ra một âm hưởng tha thiết, ngậm ngùi.
- Sử dụng từ láy tượng hình và phép điệp, tương phản rất hiệu quả.
- Ngôn ngữ: Giàu tính tạo hình, giàu chất hoạ, chất nhạc.
3. Sự tương đồng, khác biệt:
- Tương đồng:
+ Cả hai đoạn thơ đều thể hiện qua hồi tưởng, niềm gắn bó tha thiết, sâu sắc về cảnh về người.
+ Sử dụng thể thơ bảy chữ hiện đại.
+ Chính cái tôi lãng mạn chắp cánh cho cảnh vật thêm thơ mộng, huyền ảo, lung linh. Cả hai đoạn thơ đều cho thấy nét bút tài hoa của hai thi sĩ.
- Khác biệt:
+ Trong “Đây thôn Vĩ Dạ”: Hồi ức về cảnh và người thôn Vĩ Dạ xứ Huế với những nét đặc trưng và mang đậm tâm tình, ước mong khao khát của thi nhân hướng về tình yêu, cuộc đời.
+ Trong “Tây Tiến”: Nỗi nhớ da diết về đồng đội về thiên nhiên hoang sơ dữ dội, hùng vĩ thơ mộng của miền Tây một thời Tây Tiến không thể nào quên. Đó là tình cảm đồng chí đồng đội, ân tình cách mạng, những kỉ niệm trong kháng chiến chống Pháp.
- Lí giải sự tương đồng và khác biệt:
+ Cả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử đều là những hồn thơ lãng mạn, tài hoa.
+ Mỗi nhà thơ đều mang một cảm xúc riêng khi đứng trước cảnh và người.
+ Hoàn cảnh sáng tác: cảnh ngộ riêng của mỗi nhà thơ và hoàn cảnh thời đại để lại dấu ấn trong cảm xúc và hình ảnh thơ của mỗi nhà thơ.
4. Đánh giá chung:
- Khẳng định sức hấp dẫn của 2 bài thơ và tài năng, vẻ đẹp tâm hồn của 2 tác giả.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 - Trường THPT Đặng Thúc Hứa - Nghệ An - lần 2