(3,0 điểm)Học vấn không có qu...
Câu hỏi: (3,0 điểm)Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc. (L. Pasteur)Viết một bài văn khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Những ý chính cần đạt:
1/ Giải thích ý kiến: (0,5 điểm)
- Quê hương: Là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi có dòng họ và gia đình, là nơi ta được nuôi nấng, yêu thương chở che. Mở rộng ra, quê hương là đất nước, Tổ quốc thân yêu.
- Câu nói đưa ra hai vế tưởng như đối lập nhưng lại có quan hệ bổ sung ý nghĩa cho nhau:
+ Vế thứ nhất “học vấn không có quê hương” nghĩa là tri thức, các thành tựu khoa học là của chung nhân loại, con người có thể học tập, lĩnh hội mà không cần phân biệt nó là của quốc gia nào...
+ Vế thứ hai “người có học vấn phải có Tổ quốc” hàm ý người có học, có tri thức phải biết yêu và có trách nhiệm với Tổ quốc mình.
=> Câu nói của nhà bác học L. Pasteur nhằm khẳng định vai trò của quê hương đối với những người có học vấn, những người trí thức trong xã hội. Càng được tiếp xúc với tri thức, với những thành tựu của thế giới, của nhân loại thì càng phải biết trân trọng, biết ơn quê hương và có ý thức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước mình.
2/ Phân tích, chứng minh, bình luận: (2,0 điểm)
- Tại sao có thể nói học vấn không có quê hương? Học vấn có thể đến từ nhiều nơi, nhưng đó là tài sản chung của nhân loại. Không ai “đăng kí bản quyền” học vấn. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin ngày hôm nay, học vấn, tri thức là những thứ luôn có sẵn. Tất cả mọi con người đều có thể đến với mọi loại tri thức, trong mọi thời điểm, ở mọi không gian.
- Tại sao người có học vấn phải có Tổ quốc trong lòng?
+ Tổ quốc có vai trò quan trọng trong mỗi con người. Dòng máu chảy trong ta là dòng máu của Tổ quốc, tiếng nói của ta cũng là tiếng nói của Tổ quốc, những thói quen về ăn, mặc, ở.. của ta cũng đều có cơ sở từ văn hóa của Tổ quốc. Tổ quốc ban tặng cho mỗi con người nhiều điều quý giá, cho ta nền tảng đầu tiên để ta bay cao, bay xa cùng với nhân loại. Càng những người có học vấn, càng những người có tri thức thì càng nhận thức được điều đó.
+ Chỉ khi biết yêu thương, trân trọng nơi mình xuất phát, nguồn cội của mình, con người mới có đủ tự tin để để đứng trước người khác.
+ Những người biết yêu Tố quốc cũng là những con người có đạo đức tốt, có những phẩm chất tốt đẹp. Và chỉ có những con người như thế mới có thể sử dụng tri thức một cách có ích lợi nhất, đúng đắn nhất, hiệu quả nhất.
- Thể hiện tình yêu Tổ quốc, người có học vấn phải biết sử dụng học vấn một cách có ý nghĩa, phục vụ lợi ích cho đồng bào, cho dân tộc mình. Học vấn của những người có học vấn phải được sử dụng nhằm xây dựng cho đất nước ngày càng hùng mạnh hơn hơn, phát triển hơn. Người có học vấn, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng cần phải giữ được văn hóa gốc của mình, không bị hòa tan, bị phai nhòa.
- Phê phán căn bệnh chảy máu chất xám. Đó là căn bệnh của những kẻ có học vấn, có tri thức, được Tổ quốc tạo những điều kiện thuận lợi để đến với tri thức nhưng cuối cùng lại sử dụng tri thức đó vào những mục đích cá nhân, làm lợi cho bản thân mình. Đó là biểu hiện đi ngược lại với truyền thống dân tộc.
(Mỗi luận điểm cần đưa vào những dẫn chứng đời sống phù hợp).
3/ Bài học và liên hệ bản thân: (0,5 điểm)
- Bản thân người viết cũng là người được tiếp xúc học vấn, với tri thức nhìn nhận bản thân mình thế nào, từ đó đưa ra những định hướng hành động cho cho bản thân sao cho đúng đắn.
- Những người có học vấn, được tiếp xúc với văn minh nhân loại càng cần phải biết trân trọng cội nguồn, đem tri thức xây dựng cho quê hương đất nước. Tuy nhiên, những cơ quan, những cơ sở có thẩm quyền cũng cần phải có những chính sách, chế độ xứng đáng cho những người tài.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 2 môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội - 2014.2015