(12,0 điểm) Về một vẻ đẹp của tình yêu...
Câu hỏi: (12,0 điểm) Về một vẻ đẹp của tình yêu mà anh/chị tâm đắc trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh. Từ đó, trình bày suy nghĩ về tình yêu của tuổi trẻ hôm nay.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học về một đoạn thơ, bài thơ. Từ đó, liên hệ một vấn đề xã hội liên quan.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận;
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữpháp;
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ “Sóng” và những vẻ đẹp của tình yêu được thể hiện trong bài thơ, thí sinh chọn được một vẻ đẹp mà mình tâm đắc để nghị luận.
1. GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ: (1,0 điểm)
- Giới thiệu đôi nét về tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ “Sóng”: Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, luôn da diết trong khát vọng đời thường. “Sóng” là bài thơ viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
- Nêu đối tượng cần nghị luận ( một vẻ đẹp trong tình yêu được thể hiện qua bài thơ “Sóng” và vấn đề tình yêu của tuổi trẻ ngày nay)
2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ : (10,0 điểm)
2.1. Phân tích một vẻ đẹp của tình yêu trong bài thơ “Sóng”: (6,0 điểm)
a/Khái quát về bài thơ “Sóng” (1,0 điểm)
- Hoàn cảnh ra đời, đề tài, cảm hứng bao trùm bài thơ:
Bài thơ “Sóng” được viết năm 1967, khi Xuân Quỳnh đang ở bãi biển Diêm Điền (Thái Bình). Lúc này Xuân Quỳnh đã nếm trải đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình. Nhưng ở độ tuổi 25, với sức sống căng tràn, tâm hồn sôi nổi, nhà thơ vẫn nhìn đời bằng cái nhìn trong sáng đầy tin yêu.
Bài thơ nằm trong tập “Hoa dọc chiến hào” và bản thân nó cũng là một bông hoa lạ nở dọc chiến hào vì trong những năm tháng ấy, khi đa số các nhà thơ tập trung viết về đất nước, nhân dân thì Xuân Quỳnh lại làm một cuộc lội ngược dòng để viết về tình yêu. Có lẽ, khát vọng tình yêu là một khát vọng đầy tính nhân bản của con người. Nó bất chấp chiến tranh và có khả năng vượt lên trên cái chết. Giữa những bài thơ cùng đề tài, “Sóng” vẫn lấp lánh một vẻ đẹp riêng. Đọc thi phẩm này, người ta không hề thấy dư âm của chiến tranh. Đây được coi là bài thơ đi cùng năm tháng.
- Những vẻ đẹp của tình yêu được gửi gắm qua bài thơ: sự chân thành, thủy chung, mãnh liệt, khao khát hòa hợp, dâng hiến cho tình yêu...
b/ Phân tích một vẻ đẹp của tình yêu: (4,0 điểm)
Thí sinh có thể tự do chọn một vẻ đẹp nào đó ( như sự chủ động bày tỏ tình yêu một cách chân thành; những suy tư, trăn trở về tình yêu; nỗi nhớ; sự thuỷ chung; khát khao…) để nghị luận.
Thí sinh có thể trình bày, diễn đạt khác nhau nhưng cần làm rõ được các ý chính:
- Đó là vẻ đẹp nào? (0,5 điểm)
- Vẻ đẹp đó được biểu hiện cụ thể như thế nào trong tác phẩm? (2,0 điểm)
+ Xác định được một hoặc hai khổ thơ thể hiện vẻ đẹp đó
+ Khai thác từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, các biện pháp tu từ…để làm rõ vẻ đẹp đó.
- Vẻ đẹp đó góp phần thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình như thế nào? (1,0 điểm)
- Qua vẻ đẹp đó, nhà thơ muốn gửi gắm tư tưởng, tình cảm gì? (0,5 điểm)
c/ Nghệ thuật biểu hiện: (1,0 điểm)
Các yếu tố nghệ thuật được sử dụng để xậy dựng vẻ đẹp ấy nói riêng và góp phần làm nên thành công của tác phẩm nói chung
2.2: Liên hệ tình yêu của tuổi trẻ hôm nay: (4,0 điểm)
- Tuổi trẻ hôm nay vẫn phát huy được những vẻ đẹp của tình yêu trong bài thơ như: thuỷ chung, khát khao, tin tưởng, chủ động vươn tới một tình yêu tốt đẹp (2,0 điểm)
- Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ các bạn trẻ có quan niệm sai lầm trong tình yêu. Họ sống thực dụng, không trân trọng những giá trị truyền thống đẹp đẽ của tình yêu. Cần phải phê phán hiện tượng này. (1,0 điểm)
- Khẳng định dù ở thời đại nào, tình yêu vẫn mang những nét đẹp mà nó vốn có, cần gìn giữ, phát huy nó. ( Lấy dẫn chứng thực tế và phân tích để làm sáng tỏ luận điểm) (1,0 điểm)
3. KẾT THÚC VẤN ĐỀ: (1,0 điểm)
- Khẳng định lại vẻ đẹp của tình yêu được thể hiện trong bài thơ.
- Ý nghĩa của bài thơ trong việc bồi đắp tâm hồn của tuổi trẻ: phải biết trân trọng, nâng niu giá trị của tình yêu; nuôi dưỡng, vun đắp cho tình yêu ngày càng đẹp…
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn Trường THPT Thống Nhất - 2014.2015