(5,0 điểm) Về hình tượng ông lái đò trong tùy...
Câu hỏi: (5,0 điểm) Về hình tượng ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: Đó là ông lái trí dũng song toàn, ý kiến khác thì khẳng định: Đó là người nghệ sĩ sông nước. Từ cảm nhận của mình, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
I. Khái quát chung: (0,5 điểm)
- Nguyễn Tuân là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Sở trường của ông là thể loại tùy bút. Nói đến ông là người ta nghĩa đến một cây bút tài hoa, uyên bác đạt đến độc đáo, hiếm có.
- “Người lái đò sông Đà” là một tùy bút đặc sắc của Nguyễn Tuân, được rút từ tập tùy bút "Sông Đà" 1960.
Tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng con sông Đà và người lái đò sông Đà. Bàn về nhân vật ông lái đò, có ý kiến cho rằng: Đó là ông lái trí dũng song toàn, ý kiến khác thì khẳng định: Đó là người nghệ sĩ sông nước.
II. Phân tích, chứng minh các ý kiến: (4,0 điểm)
1. Đó là ông lái trí dũng song toàn: (3,0 điểm)
- Cách đánh giá đối thủ: Theo quan niệm truyền thống, người anh hùng phải là người “dám cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ”. Người lái đò cũng phải thường xuyên phải cưỡi gió, đạp sóng. Sông Đà chính là kẻ thù số 1 mà con người phải đấu tranh hết sức quyết liệt để giành lại sự sống từ tay nó. Trước khi giao chiến với sông Đà, ông luôn tự nhắc mình không được một phút nghỉ ngơi khi đối mặt với con sông hiểm ác. Con sông Đà ghê gớm đòi hỏi rất nhiều phẩm chất của đối thủ: phải nhanh nhẹn, tinh tường, dẻo dai và nhất là dũng cảm.
- Trận thủy chiến: Đây là cuộc chiến không cân sức: 1 bên là thần sông, thần đá vớilực lượng hùng hậu của sóng thác và đá; 1 bên là người lái đò với con thuyền vẻn vẹn 6 tay chèo. Quan sát trận thủy chiến này mới thấy Nguyễn Tuân chú tâm miêu tả cái hung bạo, dữ dội của Đà giang, còn để tạo nên 1 địch thủ tương xứng để tôn vinh con người.
+ Trùng vi thứ nhất: Sông Đà dàn ra 5 cửa đá thì có đến 4 cửa tử, cửa sinh duy nhất nằm sát bờ trái và huy động hết sức mạnh của sóng thác đánh vỗ mạn thuyền. Luồng sóng hung tợn “liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng, vào hông thuyền” thậm chí còn nhằm vào người cầm lái mà đánh đòn tỉa, đòn âm. Người lái đò bình tĩnh giữ chắc mái chèo giúp con thuyền “khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”. Ngay cả lúc trúng đòn hiểm, “mặt méo bệch vì đau đớn ông vẫn tỉnh táo chỉ huy các bạn chèo đưa con thuyền lách vào đúng luồng sinh”
+ Trùng vi thứ hai: Sông Đà thay đổi sơ đồ phục kích và cả chiến thuật nhưng ông đò đã “nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá” nên lập tức nhận ra cạm bẫy của bọn thủy quân nơi ải nước này. Ông không né tránh mà đưa con thuyền cưỡi lên sóng thác “nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi ông đò ghì cương lái, bám chặt lấy luồng nước lún mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết 1 đường chéo về phía cửa đá ấy”. Trên đường đi, người lái đò tả xung hữu đột như một chiến tướng dày dặn kinh nghiệm trận mạc và có thừa lòng quả cảm. “Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà giảm bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Cuối cùng, ông đã đưa đươc con thuyền vượt qua cả một tập đoàn cửa tử khiến cho những bộ mặt đá hung hăng dữ tợn phải xanh lè thất vọng.
+ Ở trùng vi thứ 3: Thạch trận ít cửa hơn nhưng 2 bên đều là luồng chết. Cửa sinh lại nằm giữa lòng sông và có bọn đá hậu vệ canh giữ nhưng ông đò không bất ngờ trước mưu mô hiểm ác của chúng. Dưới bàn tay chèo lái điêu luyện của ông, con thuyền khi thì khéo léo tránh luồng sóng dữ, khi thì phóng thẳng vào cửa đá có 3 tầng cổng “cánh mở cánh khép”. Con thuyền như bay trong không gian “vút vút cửa ngoài cửa trong lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”.
=> Miêu tả 3 lần phá vây này, Nguyễn Tuân đã tạo nên một trường đoạn hào hùng với nhân vật trung tâm là người lái đò chiến đấu quyết liệt, gian lao trên chiến trường sông Đà.
- Để tô đậm sự vĩ đại, phi thường của người anh hùng trên sông nước, Nguyễn Tuân đã miêu tả một sở thích thật bình dị, tự nhiên của người lái đò sau khi đã vào sinh ra tử. “Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá nướng cơm lam và tòa bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh…” mà không một lời nào nói về những chiến thắng vừa qua. Đối với họ, chiến đấu với dòng sông hung dữ là chuyện thường nhật như cơm ăn nước uống hàng ngày, không có gì đáng gọi là chiến công nhưng chính vì thế mà vẻ đẹp của họ lại càng trở nên rạng rỡ, ngời sáng hơn.
2. Đó là người nghệ sĩ sông nước: (1,0 điểm)
- Tuy chỉ là một người lao động bình thường, làm một công việc cực nhọc nhưng ông đò lại có những sở thích rất nghệ sĩ. Ông yêu sông Đà một cách say mê, đặc biệt là những đoạn lắm thác ghềnh. Hình như có một sự đồng điệu giữa Nguyễn Tuân và nhân vật của mình. Ngưới lái đò thích cảm giác phi thường, mãnh liệt cũng giống như Nguyễn Tuân không thích những gì đơn điệu, bằng phẳng.
- Đông tác lái đò điêu luyện, thuần thục được nâng lên trình đô nghệ thuật độc đáo. Với cái nhìn của Nguyễn Tuân, con người tài giỏi trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng được coi là nghệ sĩ. Nguyễn Tuân say mê và thán phục khi viết những câu văn tái hiện những động tác khéo léo của ông đò: “nắm chặt cái bờm sóng”, “ghì cương lái”… Dòng thác hùm beo dưới sự điều khiển tài tình của ông lái đò bỗng trở nên hiền lành, ngoan ngoãn giống như một con tuấn mã dưới sự chỉ huy của người kị sĩ. Vượt thác ghềnh vốn là công việc lao động vất vả, cực nhọc đã được người lái đò nâng lên thành một nghệ thuật. Bàn tay ông lái đò như đang vẽ tranh, đề thơ trên sóng nước, sáng tao cái đẹp cho đời.
III. Đánh giá: (0,5 điểm)
- Hai ý kiến tưởng chừng như trái ngược nhưng lại bổ sung cho nhau, làm nên vẻ đẹp hoàn thiện của người lái đò.
- Từ Huấn Cao đến người lái đò sông Đà , ta thấy sự chuyển biến rất rõ trong tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Trước cách mạng, cái đẹp chỉ có ở trong quá khứ, phẩm chất nghệ sĩ chỉ có ở những con người phi thường. Sau cách mạng, cái đẹp được tìm thấy ở hiện tại và tương lai. Phẩm chất tài hoa, nghệ sĩ có cả ở những con người bình thường, thậm chí vô danh. Có nghĩa là Nguyễn Tuân kiêu bạt ở thời vang bóng nay đã lột xác, gắn bó, hòa hợp với cuộc đời chung. Đây chính là hành trình của người nghệ sĩ chân chính “phá cô đơn ta hòa hợp với người”.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn - Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ - ĐH Quốc Gia Hà Nội - 2014.2015