(4,0 điểm):Anh (chị) hãy phân tíc...
Câu hỏi: (4,0 điểm):Anh (chị) hãy phân tích làm nổi bật vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành (Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2008).
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Vài nét về tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Trung Thành vốn là một chiến sĩ, một phóng viên. Đề tài sáng tác của ông: mảnh đất Tây Nguyên hoang dại, bí ẩn, cuộc sống chiến đấu anh dũng của nhân dân nơi đây. Phong cách nghệ thuật: đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn.
- Tác phẩm: hoàn thành vào mùa hè năm 1965, đăng trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ, sau này được đưa vào tập "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc". Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm: có áp bức có đấu tranh, chỉ có bạo lực cách mạng mới là con đường sống duy nhất cho nhân dân miền Nam Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ.
2/ Vẻ đẹp sử thi của hình tượng Tnú:
a/ Vẻ đẹp sử thi của nhân vật văn học nói chung:
- Nhân vật sử thi là mẫu nhân vật anh hùng mang lí tưởng của thời đại, số phận gắn với những sự kiện lớn của cộng đồng, kết tinh những phẩm chất tiêu biểu nhất của cộng đồng và lập nên những chiến công hiển hách.
- Nhân vật sử thi thường được khắc họa trong những bối cảnh không gian kì vĩ, cách trần thuật trang trọng; giọng điệu thiết tha, hùng tráng.
b/ Vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú:
b1: Nội dung hình tượng:
* Nhân vật mang tầm vóc của người anh hùng, rất điển hình cho tính cách, sức mạnh và lí tưởng của nhân dân Tây Nguyên.
- Tnú có một khí phách phi thường, một tinh thần chiến đấu quả cảm vô song:
+ Ngay từ khi còn nhỏ, lúc Tnú và Mai làm giao liên dẫn đường cho cán bộ, hai người được anh Quyết dạy cho cái chữ, học chữ thua Mai nhưng Tnú thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ để đưa được chữ vào đầu.
+ Khi Tnú đối diện vớỉ kẻ thù, bị chúng khủng bố tỉnh thần, chúng chĩa súng và quát hỏi anh: “Cộng sản ở đâu?”, anh đã chỉ tay vào bụng trả lời khẳng khái: “Cộng sản ờ đây.”, mặc dù sau câu nói ấy lưng Tnú dọc ngang vết dao chém của giặc.
+ Đi đường núi làm giao liên Tnú rất dũng cảm, Tnú tránh đi đường mòn, qua sông cũng không thích lội chỗ nước êm mà thường lựa chọn dòng nước xiết, có lần đi qua một thác sông bị kẻ thù phục kích Tnú nhanh chóng nuốt luôn cái thư anh Quyết gửi.
+ Hình ảnh đôi bàn tay Tnú gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc. Đôi bàn tay ấy trước đây lành lặn đã từng cầm phấn học cái chữ anh Quyết dạy, từng lấy đá ghè vào đầu như để tự trừng phạt mình, là bàn tay nghĩa tình rưng rưng nắm lấy tay Mai, nhưng dữ dội nhất là khi đôi bàn tay bị giặc đốt, mười đầu ngón tay là mười ngọn đuốc bùng lên lửa căm thù.
- Tnú trung thành tuyệt đối và có niềm tin sắt đá vào chân lí cách mạng: Khi Tnú bị kẻ thù thiêu đốt ngón tay, ngọn lửa dữ dội như cào xé gan ruột và cả hệ thần kinh của anh: "Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi, răng anh cắn nát môi anh rồi”. Trong bi kịch ấy Tnú không hề kêu van nửa lời vì anh luôn tâm niệm lời dạy của anh Quyết: “Người cộng sản không thèm kêu van”. Lòng trung thành vói cách mạng của Tnú còn hòa cùng niềm tin lớn lao như trong lời cụ Mết: “Đảng còn, núi nước này còn”.
- Tnú có một tình yêu lớn lao, sâu sắc với gia đình, quê hương xứ sở và một lòng căm thù giặc mãnh liệt:
+ Thuở thiếu thời, Tnú là người bạn nghĩa tình của Mai, lớn lên là người yêu chung thủy của Mai, sau này là người chồng, người cha đầy trách nhiệm với gia đình. Khi chứng kiến giặc tàn sát Mai và đứa con nhỏ, mặc dù tay không tấc sắt, Tnú vẫn xông vào chống trả. Vậy sức mạnh nào đã thôi thúc Tnú để anh bất chấp cả hiểm nguy, lao vào kẻ thù như một con hổ xám? Động lực ghê gớm ấy xuất phát từ tình yêu thương vợ con tha thiết.
+ Tnú còn rất nghĩa tình với buôn làng Xô Man, anh yêu mảnh đất quê hương, yêu những cánh rừng xà nu, con đường, dòng suối; vì quê hương mà anh lên đường chiến đấu.
+ Lòng căm thù ở Tnú cũng dữ dội và quyết liệt. Trong anh tích tụ ba mối thù lớn: mối thù của bản thân, của gia đình, và của cả buôn làng Xô Man. Lưng Tnú dọc ngang vết dao chém, mười ngón tay bị đốt, đó là chứng tích tội ác kẻ thù mà anh phải mang thẹo suốt đòi; vợ con anh chết thảm khốc dưới trận mưa gậy sắt; còn dân làng Xô Man bị kẻ thù tàn sát, chúng treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng, chặt đầu bà Nhan treo đầu mũi súng để răn đe. Vì thế, dù chỉ còn đôi bàn tay thương phế nhưng Tnú vẫn đi truy lùng giặc để trả thù, kết thúc thiên truyện, anh đã dùng bàn tay quả báo bóp chết thằng chỉ huy đang cố thủ trong đền trú ẩn.
* Nhân vật có số phận gắn bó với những biến cố lớn của làng Xô Man, phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Tây Nguyên chống Mĩ ngụy, làm sáng tỏ chân lí thời đại: phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng.
- Khi còn nhỏ, Tnú là đứa trẻ mồ côi được buôn làng cưu mang đùm bọc và trở thành người con ưu tú của làng Xô Man.
- Khi kẻ thù giày xéo quê hương, Tnú phải chịu nhiều đau thương mất mát, tiêu biểu cho nỗi đau thương mất mát lớn của dân tộc. Ở Tnú cỏ thừa sức mạnh cá nhân: một thể chất khỏe khoắn; tinh thần, ý chí quyết liệt; sự gan góc, dũng cảm; kẻ thù tàn bạo không thể khuất phục nổi anh. Dù chúng tra tấn bằng lưỡi dao, mũi súng, dây trói, ngọn lửa nhưng Tnú tay không lao vào cứu mẹ con Mai thì anh vẫn thất bại. Mai và đứa con ngã xuống, bản thân Tnú bị lửa thiêu đốt bàn tay.
- Khi được giác ngộ cách mạng và vùng lên quật khởi, quá trình trưởng thành của Tnú cũng rất điển hình cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên. Người dân Xô Man đã cầm vũ khí đứng lên sau bao ngày vào rừng dưới ánh lửa xà nu, họ rèn giáo mác, mài dao, mài rựa chuẩn bị vũ khí chờ ngày đồng khởi. Họ ào ạt xông lên, dẫn đầu là cụ Mết, chém gục thằng Đục, giết cả tiểu đội ác ôn, cứu Tnú, giải phỏng quê hương. Quá trình đấu tranh của Tnú đi từ tự phát đến tự giác, tham gia lực lượng vũ trang đánh Mĩ cũng là con dưòng đúng đắn của nhân dân Tây Nguyên.
b2: Nghê thuật khắc họa hình tượng:
- Không khí truyện được dựng như các cuộc kể khan truyền thống của các già làng thuở trước; lối viết truyện ngắn hiện đại pha trộn nhiều yếu tố sử thi dân gian khiến một nhân vật của thời đại chống Mĩ, lại phảng phất hình bóng những anh hùng sử thỉ cổ đại.
- Bút pháp nghệ thuật có sự kết hợp giữa tả thực và biểu tượng: nhân vật Tnú gắn liền với một biểu tượng về sức sống bất diệt của người Tây Nguyên đó là cây xà nu; hình ảnh đôi bàn tay Tnú được miêu tả như một biểu tượng độc đáo cho cuộc đời và số phận của nhân vật; giọng điệu trang trọng, hào hùng; ngôn ngữ đầy chất tạo hình và chất thơ.
3/ Đánh giá:
- Hình tượng nhân vật Tnú mang tính chất sử thi, tiêu biểu cho cả Tây Nguyên bất khuất. Nếu như cụ Mết có khí thế hùng dũng, hành động quyết liệt như thác lũ thì Tnú lại khỏe khoắn, vững chãi như một cây xà nu trưởng thành trên đất Tây Nguyên. Đó là vẻ đẹp của người anh hùng được nối tiếp từ những áng sử thi như Đăm San, Xính Nhã,...
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 - Trường THPT Chuyên Khoa Học Tự Nhiên - Hà Nội - lần 3