(5.0 điểm) Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn
Câu hỏi: (5.0 điểm) Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh. Lại có ý kiến nhấn mạnh: Đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng.Bằng cảm nhận của mình về nhân vật Tràng, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Nghị luận văn học
GIỚI THIỆU CHUNG
-Kim Lân là nhà văn của nông thôn và nông dân Việt Nam. Tác giả thường có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê. Đó là những thú vui, những sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người nông dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người nông dân trong trang viết của Kim Lân dù nghèo khổ nhưng luôn sáng ngời những phẩm chất: yêu đời, thật thà, chất phác, hóm hỉnh, tài hoa.
-“Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất nằm trong tập truyện “Con chó xấu xí” (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” – được viết ngay sau khi cách mạng tháng 8 thành công. Tuy nhiên chỉ được viết dở dang và sau đó mất bản thảo. Năm 1954, khi hòa bình lặp lại, nhân một số báo văn nghệ kỉ niệm cách mạng tháng 8 thành công, Kim Lân đã nhớ lại tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, dựa trên cốt truyện cũ viết lại thành truyện ngắn.
- Nhân vật chính của tác phẩm là anh cu Tràng. Nhận xét về nhân vật này, có ý kiến cho rằng “Tràng là anh trai quê nông nổi, liều lĩnh”. Lại có ý kiến nhấn mạnh “Đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng”.
PHÂN TÍCH
1.Giải thích
- Ý kiến thứ nhất: “Nông nổi, liều lĩnh” là những từ chỉ tính cách, nói về sự chưa chín chắn trong nhận thức đã vội vàng hành động. Ý kiến này phản ánh một phần trong tính cách của Tràng nhưng không nói hết phẩm chất của nhân vật. Ý kiến này mới đề cập đến một khía cạnh trong hành động nhặt vợ giữa ngày đói của anh cu Tràng.
- Ý kiến thứ hai: Phản ánh những phẩm chất tốt đẹp của anh cu Tràng, ẩn đằng sau hành động nhặt vợ liều lĩnh là khao khát sống, khao khát hạnh phúc mãnh liệt và tình yêu thương với con người.
- Hai ý kiến bổ sung cho nhau làm nổi bật hình tượng nhân vật anh cu Tràng, một anh trai quê có phần nông nổi, liều lĩnh nhưng đằng sau sự liều lĩnh đó là tấm lòng yêu thương sâu sắc với những khát vọng chân chính rất đỗi con người.
b. Chứng minh
* “Tràng là anh trai quê nông nổi, liều lĩnh”.
- Nhân vật anh cu Tràng được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể rất khốc liệt: đó là nạn đói năm 1945. Nạn đói đó được Kim Lân miêu tả có tầng bậc, đang dần dần phá hủy cuộc sống của con người. Cuộc sống được nhìn như một bãi tha ma khổng lồ. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc.
- Tràng là dân ngụ cư, nhà nghèo, lại xấu, anh hội tụ đủ những yếu tố để không lấy được vợ.
- Giống như mọi người dân ngụ cư nghèo đói khác, đứng trước nạn đói và cái chết đang đe dọa, với Tràng trước hết là kiếm miếng ăn để bảo toàn sự sống cho hai mẹ con chứ không phải đi tìm hạnh phúc lứa đôi. Lúc đầu ỡm ờ với người phụ nữ lạ, Tràng chỉ là đùa bỡn tầm phào, không hề có ý thức lấy vợ. Khi xe thóc cho liên đoàn, Tràng hò một câu cho đỡ mệt:
Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì
Chủ tâm của Tràng cũng không muốn chòng ghẹo cô nào nhưng khi thấy thị ra đẩy thật. anh cũng nói mấy câu bông đùa, vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ chẳng có người phụ nữ nào tình tự với hắn như thế. Nhưng đùa thành thật, lần thứ hai gặp lại, Tràng không nhận ra thị bởi thị đói rách và xơ xác quá, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt. Với tấm lòng hào hiệp thương người, anh mời thị ăn bánh đúc. Thị ăn một chặp hết bốn bát, ăn xong lấy đũa quệt ngang miệng. Tràng đùa bỡn mời thị về nhà, thị nhận lời về thật.
- Khi đó nghĩ đến tình thế hiện tại, cảnh thóc cao gạo kém, lo thân mình cũng chưa xong nhưng khát vọng hạnh phúc gia đình trong Tràng bấy lâu trỗi dậy, nó mạnh hơn những sợ hãi. Tràng đã quyết định một cách liều lĩnh “Châc! Kệ!”. Tràng sẵn sàng đánh đổi tất cả để có một người vợ, một mái ấm gia đình.
- Hành động Tràng nhặt vợ là liều lĩnh với chính chàng và không khỏi khiến cho những người xung quanh ái ngại. Họ cảm thán “đến thân mình không biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”. Bà cụ Tứ, mẹ Tràng cũng băn khoăn không biết chúng nó có nuôi nổi nhau qua cái thì đói khát này không.
=> Hành động nhặt vợ của anh cu Tràng là liều lĩnh, bồng bột và có thể coi họ đang đặt cược số phận của chính mình khi trong nạn đói lại đèo bòng một người đói khác.
*“Đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng”.
- Tràng rất trân trọng người vợ nhặt, trân trọng hạnh phúc mới. Với cách cư xử đầy tình yêu thương, anh đã dẫn thị vào chợ mua một cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt để thị về nhà chồng cho đỡ tủi thân.
- Tràng dẫn vợ về trong một chiều chạng vặng. Tràng đi trước, người vợ nhặt đi sau với cái dáng “then thẹn hay đáo để”.
- Sự kiện này khiến người dân xóm ngụ cư hết sức ngạc nhiên
+ Mấy đứa trẻ con reo hò “chông vờ hài”. Tràng nghiêm sắc mặt lại làm chúng tản ra.
+ Người lớn thì thầm bàn tán. Ban đầu họ tưởng người dưới quê bà cụ Tứ mới lên. Khi người xóm ngụ cư hiểu ra cơ sự, có người nghĩ đến tình cảnh nạn đói mà thảng thốt “Ôi chao! Giời đất, có người nín lặng. Nhưng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ như một luồng gió mới đến xóm ngụ cư, những khuôn mặt hốc hác, u tối của họ bỗng dung rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì tươi mát, lạ lùng thổi vào cuộc sống tăm tối của họ.
-Khi có được tình yêu, hạnh phúc, Tràng sống trong những cảm giác mới mẻ. Trên đường về nhà, Tràng muốn nói với thị những câu tình tứ mà không nói được vì ngượng mồm. Tràng hạnh phúc và sung sướng đến quên hết lo âu. Trong một lúc, Tràng quên hết những cảnh đời ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả những ngày tháng trước mắt. Trong lòng Tràng chỉ còn tình nghĩa với người phụ nữ đi bên cạnh.
- Khi về đến nhà, Tràng như một đứa trẻ náo nức đợi mẹ về. Tràng bần thần vì sao hôm nay bà cụ về muộn thế. Khi bà cụ Tứ về nhà và hiểu rõ cơ sự, bà đã chấp thuận, mừng lòng, nói với con trai và con dâu “Các con đã phải duyên phải kiếp với nhau… u cũng mừng lòng”, rồi bà cụ khóc, những giọt nước mắt của niềm vui, nỗi buồn đan xen.
- Đêm tân hôn của vợ chồng Tràng diễn ra giữa trùng vây của bóng tối, đói khát và chết chóc. Tràng đã thấp lên ngọn đèn dầu vàng đục mà anh dành dụm hai hào để mua được như thắp lên ánh sáng của khát vọng và niềm tin yêu vào cuộc sống.
- Giữa thế giới ngổn ngang, người sống, kẻ chết, Kim Lân đã đặt vào đó một mối tình thì quả là táo bạo. Kim Lân đã phát hiện giữa những đám ma là một đám cưới éo le, cảm động. Điều này cho thấy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người lao động vẫn có khát vọng hạnh phúc gia đình và khát vọng sống mãnh liệt.
- Sau đêm tân hôn, Tràng trở thành kiểu người khác, kiểu người có ý thức: Hạnh phúc gia đình đã tạo niềm vui lớn cho Tràng. Tràng bước ra sau đêm tân hôn thực sự là một chú rể hạnh phúc, trong người êm ái lửng lơ như người ở trong giấc mơ đi ra. Một cái gì mới mẻ, lạ lẫm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy. Nó mơn man ôm khắp da thịt. Những câu văn đã miêu tả thật những cảm xúc của Tràng hết sức nhân bản. Điều này minh chứng cho Kim Lân là nhà văn rất nặng tình, tinh tế trước những rung cảm rất đời của con người.
- Tràng như được nhào nặn lại từ chất liệu mới của hạnh phúc. Hạnh phúc là liều thuốc nhân tính khơi dậy ý thức và bổn phận của Tràng. Lần đầu tiên Tràng run rẩy trong một cảm giác rất người khi nhìn thấy mẹ và vợ dọn dẹp nhà cửa, sân, quần áo, ang đầy nước… Bỗng nhiên Tràng thấy yêu thương gắn bó với nhà của hắn lạ lùng. Tràng đã có một gia đình, sẽ cùng người vợ sinh con ở đây. Cái nhà như tổ ấm che mưa che nắng, bây giờ Tràng thấy mình đã “nên người”. Hai chữ “nên người” hạ xuống như một nốt nhấn thấm thía về sự biến đổi trong Tràng. Cái gốc của sự biến đổi ấy chính là hạnh phúc gia đình.
- Chi tiết đắt nhất có lẽ ở câu văn “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để tu sửa lại căn nhà”. Hai chữ “xăm xăm” gợi bao hăm hở, háo hức trong bước chân của Tràng với khát khao xây đắp hạnh phúc.
- Dự cảm về sự đổi đời: Bữa cơm sáng đón ngàng dâu mới rất thảm hại. Khi và miếng cháo cám chát xít, nghẹn bứ trong cổ, mặt Tràng chun ngay lại. Và anh nghe thấy tiếng trống thúc thuế dồn dập ngoài sân đình.
- Khi cuộc sống bị đẩy xuống miệng vực của cái đói, cái chết, trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, một sự kiện quan trọng thay đổi tất cả. Đó là câu chuyện người vợ kể trên mạn Bắc Giang, Thái Nguyên, những người đói phá kho thóc Nhật. Tràng thấy tiêng tiếc chuyện trên đê Sộp hôm nào. Câu văn cuối cùng “Trong óc Tràng vẫn thấy một đám người đói và lá cờ sao vàng bay phấp phới”. Câu văn này đem lại sức nặng tư tưởng và nghệ thuật cho tác phẩm:
+ Nếu vắng mặt chi tiết này, kết cấu của tác phẩm sẽ là kết cấu khép kín giống như văn học hiện thực phê phán trước 1945. Sự có mặt của chi tiết này tạo ra kết cấu mở, nhờ thế, thiên truyện đã khép lại mà số phận của nhân vật cứ mở ra, tính cách của nhân vật tiếp tục vận động, hiện thực vẫn phát triển theo hướng đi lên, hướng về phía ánh sáng, sự sống.
+ Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng là tín hiệu đổi đời, gợi mở ở Tràng con đường thanh toán triệt để số phận bế tắc kiểu chị Dậu, Chí Phèo… Đây không phải là một ước mơ viển vông, một ảo tưởng cổ tích mà có cơ sở vững chắc từ hiện thực đời sống cùng sức mạnh và khát vọng của người đói. Họ tất yếu sẽ đi theo cách mạng.
* Đánh giá nghệ thuật
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Tạo dựng tình huống truyện độc đáo: Tràng nhặt vợ -> Làm tiền đề khắc họa tính cách, tâm lí nhân vật -> Nhân vật hiện lên nổi bật, sắc nét.
+ Khả năng khám phá và phân tích diễn biến tâm lí nhân vật điêu luyện, tài tình.
+ Sử dụng ngôn ngữ người nông dân rất tự nhiên, nhuần nhuyễn, đưa ngôn ngữ đời sống của người dân vào trang văn -> nhân vật hiện lên chân thực, sống động.
- Giá trị nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:
+ Giá trị hiện thực: Phơi bày, phản ánh tình trạng khổ sở của người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945 trong tình cảnh 1 cổ 3 tròng.
+ Giá trị nhân đạo:
_ Cảm thông, thương xót trước nỗi khổ tận cùng của người dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945
_ Lên án, tố cáo những thế lực đã gây ra thảm cảnh cho người dân Việt Nam: phong kiến tay sai, thực dân Pháp, phát xít Nhật.
_ Phát hiện và trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người dân Việt Nam trong tình cảnh khốn cùng: tấm lòng nhân hậu, khát khao hạnh phúc, tin tưởng vào tương lai.
_ Tìm thấy tia sáng cuối đường hầm, lối thoát đổi đời cho người dân.
TỔNG KẾT
- Nhân vật Tràng là một thành công nghệ thuật của Kim Lân.
- Qua nhân vật thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm và tài năng của tác giả.
- Nhân vật Tràng là minh chứng rõ nhất cho câu nói của nhà văn Nguyễn Khải: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy... Tràng đã vượt qua ranh giới ấy để sống là Con Người với đầy đủ ý nghĩa nhất của hai từ này.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi minh họa - lần 3 kì thi THPT QG môn Ngữ Văn năm 2017 (có lời giải chi tiết)