(4,0 điểm
Câu hỏi: (4,0 điểm)Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau trong bài “ Việt Bắc” – Tố Hữu:“ Ta về, mình có nhớ ta Ta về ta nhớ những hoa cùng người Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng. Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình Rừng thu trăng rọi hoà bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, thơ ông luôn theo sát những chặng đường lịch sử cách mạng dân tộc. Dù viết về đề tài gì thì đều mang đậm tính dân tộc cả trong nội dung lẫn hình thức.. Bài thơ “Việt Bắc” là một thành công đặc biệt trong đời thơ Tố Hữu. Bài thơ viết về cuộc chia tay lớn - cuộc chia tay lịch sử giữa người về xuôi với Việt Bắc vào tháng 10 năm 1954.
- Nổi bật trong đoạn trích là những câu thơ khắc họa bức tranh tứ bình của núi rừng Việt Bắc - một bức tranh thiên nhiên phong phú, rực rỡ, tươi thắm tượng trưng cho vẻ đẹp của bốn mùa, gắn liền với hình ảnh con người lao động bình dị mà cao đẹp (Trích dẫn đoạn thơ).
2/ Trình bày cảm nhận:
Đoạn thơ bộc lộ nỗi nhớ tha thiết của tác giả về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Câu hỏi tu từ với cách xưng hô "mình - ta" ngọt ngào là lời ướm hỏi, cách tạo cớ để giãi bày nỗi nhớ rất khéo léo. Người về nhớ “hoa cùng người”, nhớ về những gì đẹp nhất của núi rừng Việt Bắc. “Hoa” là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp của thiên nhiên. Tương xứng với hoa là vẻ đẹp con người Việt Bắc - hoa của đất. Cách nói của nhà thơ thật tế nhị và duyên dáng.
a/ Vẻ đẹp của thiên nhiên:
Bức tranh tứ bình- bốn mùa của núi rừng Việt Bắc. Bằng bút pháp hội họa tài hoa, tác giả làm bật lên vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng VB bốn mùa Xuân – Hạ - thu –Đông. Cảnh vật sinh động, tươi tắn sắc màu:
* Bức tranh mùa đông:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Mùa đông xuất hiện bằng màu sắc - màu xanh bạt ngàn, mênh mông trải khắp rừng già tạo cho thiên nhiên Việt Bắc một vẻ thâm u, trầm mặc. Màu xanh ấy như làm tăng thêm cái rét buốt của rừng đông. Bằng bút pháp chấm phá, trên cái nền màu lạnh ấy, Tố Hữu đã điểm thêm một gam màu nóng của “hoa chuối đỏ tươi” khiến cảnh rừng Việt Bắc trở nên ấp áp, tươi sáng hơn. Thấp thoáng đây đó là những đốm nắng vàng nhạt, chỉ đủ sức ánh lên ở lưỡi dao đi rừng của người Việt Bắc => Cảnh có sự hòa sắc tuyệt đẹp.
* Bức tranh mùa xuân:
“Ngày xuân mơ nở trăng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Mùa xuân tràn ngập màu trắng của hoa mơ gợi sự dịu dàng, tinh khiết, thanh cao và đầy chất thơ của tạo vật. Hai tiếng “trắng rừng” như làm cho khắp núi rừng bừng sang hẳn lên. Đây là hình ảnh giàu tính hiện thực nhưng thấp thoáng ý nghĩa tượng trưng : nó như gợi lên nét đẹp trong sáng trong tâm hồn của con người Việt Bắc. Có thể nói, màu trắng của hoa mơ là màu sắc đặc trưng của núi rừng nơi đây.
* Bức tranh mùa hè:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Hiện lên trong nỗi nhớ người đi không chỉ có màu sắc, đường nét, ánh sáng mà còn có cả âm thanh ngân vang của tiếng ve: “ve kêu rừng phách…” . Ve kêu gọi hè, hè về là rừng phách chuyển màu .Sống ở Việt Bắc, con người thường hay có cảm xúc bâng khuâng trước những hình ảnh kỳ lạ của rừng phách : trong những ngày cuối xuân, nụ hoa vẫn náu kín trong những kẽ lá. Khi tiếng ve cất lên thì chúng nhất loạt trổ hoa vàng. Cách dùng từ “đổ” thật tinh tế, nhấn mạnh sự mau lẹ đột ngột của quá trình chuyển đổi của cây lá, nó diễn tả sức mạnh của những trận mưa hoa vàng khi gió thổi, ve kêu gọi mùa.
* Bức tranh mùa thu:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Đêm thu có ánh trăng rọi qua vòm lá tạo thành khung cảnh huyền ảo. Cảnh tượng này thích hợp với việc bộc lộ tâm tư thầm kín dành cho thời điểm kết thúc những cuộc hát giao duyên . Câu thơ gợi không gian thanh bình, yên ả, báo hiệu sự bắt đầu cuộc sống yên vui. Câu thơ cũng gợi sự hoà hợp giữa thiên nhiên ( rừng thu) với vũ trụ ( trăng) với cuộc sống thanh bình yên vui trong sự hoà hợp của những tấm lòng nhân ái giữa người đi và người ở lại.
b/ Vẻ đẹp của con người:
Bức tứ bình về vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn con người
- Đó là những con người khỏe khoắn, tự tin, làm chủ thiên nhiên, núi rừng.
- Con người khéo léo cần mẫn trong công việc.
- Con người chịu thương, chịu khó, nhưng cũng rất duyên dáng dịu dàng
- Con người ân tình và rất mực thủy chung.
=> Nỗi nhớ đằm sâu nhất, gốc rễ của mọi nỗi nhớ là vẻ đẹp con người Việt Bắc.
c/ Nghệ thuật:
- Bút pháp tả cảnh (giàu chất hội họa, sự phối hợp hài hòa từ đường nét, màu sắc, ánh sáng…) tả người độc đáo tài hoa (con người hiện lên với vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn). Không sử dụng bút pháp ước lệ, tác giả sử dụng bút pháp tả thực đem đến một cảm nhận thực, cảm xúc thực cho người đọc. Sự đan xen giữa cảnh và người khiến bức tranh sinh động, ấm áp, hài hòa.
- Âm hưởng chung của đoạn thơ là nỗi nhớ nhung tha thiết: Điệp từ “nhớ”
- Nhịp thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, êm đềm như khúc hát dân ca. Đoạn thơ giàu tính tạo hình, giàu âm hưởng, cấu trúc hài hòa, cân đối, đậm chất trữ tình => Góp phần thể hiện tấm lòng, tình cảm gắn bó, mến yêu của người cán bộ kháng chiến đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc.
3/ Đánh giá:
- Đoạn trích là bốn bức họa bằng thơ rất tài tình của Tố Hữu. Cảnh và người hòa quyện, đan xen khiến bức tranh nào cũng thật sinh động, ấm áp. Đoạn thơ vừa đậm chất dân tộc [thể thơ, giọng tâm tình, tha thiết] vừa mang đậm vẻ đẹp, hơi thở của thời đại [hình ảnh thơ, tình cảm cách mạng trong thơ]. Nghệ thuật điệp – láy đi láy lại từ “nhớ” cùng các câu hỏi tu từ liên tiếp, dồn dập đã diễn tả thành công tình cảm tha thiết, sâu nặng của người về.
- Qua đoạn thơ, ta thấy rõ đặc điểm thơ và vẻ đẹp hồn thơ Tố Hữu, kết tinh trong tình cảm lớn, lẽ sống lớn: tình cảm cách mạng, lẽ sống thủy chung với cách mạng.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 - Trường THPT Mỹ Đức A - Hà Nội - lần 1