( 10,0 điểm) Về tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ...
Câu hỏi: ( 10,0 điểm) Về tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh ( sách Ngữ văn 12) có ý kiến cho rằng “ Đó là một tác phẩm có giá trị lịch sử to lớn”. Ý kiến khác thì khẳng định: “ Đó là một áng văn chính luận mẫu mực”Từ cảm nhận của mình về tác phẩm, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Yêu cầu kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học về hai ý kiến. Biết giải thích ý kiến, phân tích nhân vật để làm sáng tỏ ý kiến. Bố cục rõ ràng, diễn đạt trong sáng, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Khuyến khích những bài viết có tính sáng tạo, giàu cảm xúc.
Yêu cầu kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm (1,0 điểm)
- Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là một tác gia lớn của nền văn học dân tộc Việt Nam. Người viết thành công trên nhiều thể loại văn chính luận, truyện ký, thơ ca và ở thể loại nào cũng có những tác phẩm xuất sắc mẫu mực.
- Ở thể loại văn chính luận, Hồ Chí Minh đã chứng tỏ mình là một cây bút xuất sắc mẫu mực mà dẫn chứng hùng hồn là tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” 1945. “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận vừa có giá trị pháp lí, giá trị lịch sử, giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật cao. “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một tác phẩm văn học vô giá.
2. Giải thích ý kiến (1,0 điểm)
- Ý kiến thứ nhất nói đến phương diện nội dung của tác phẩm. Ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, viết về những sự kiện trọng đại của dân tộc, “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn.
- Ý kiến thứ hai: nhìn nhận từ phương diện nghệ thuật của tác phẩm."Tuyên ngôn độc lập" là áng văn chính luận hào hùng, mẫu mực; tràn đầy tâm huyết, khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của Chủ tích Hồ Chí Minh và cả dân tộc. Bằng lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng thuyết phục, giọng văn hùng hồn, đanh thép, Hồ Chí Minh đã làm rung động hàng triệu trái tim yêu nước Việt Nam.
3. Bàn luận - chứng minh (7,0 điểm)
a/ Tuyên ngôn độc lập “ Là một tác phẩm có giá trị lịch sử to lớn” (3,0 điểm)
- Ngày 2-9-1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào tại quảng trường Ba Đình,Hà Nội. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do, cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần một trăm năm của dân tộc ta để có quyền thiêng liêng đó.
- Bản Tuyên ngôn đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam và mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta: kỉ nguyên độc lập tự do, kỉ nguyên nhân dân làm chủ đất nước.
+ Bản tuyên ngôn khẳng định nhân dân ta đã đấu tranh giành độc lập, tự do từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp và đã anh dũng thực hiện hai cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ để thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
+ Bản tuyên ngôn còn tuyên bố thoát ly quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ mọi đặc quyền, đặc lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam “Bởi thế cho nên, chúng tôi...thoát ly hẳn….xóa bỏ hết….xóa bỏ tất cả… trên đất nước Việt Nam”.
+ Tuyên bố về quyền được độc lập của dân tộc, về sự thật là nước Việt Nam đã giành được độc lập “ Nước Việt nam….độc lập", khẳng định ý chí kiên quyết bảo vệ quyền tự do, độc lập của toàn dân tộc VN “ Toàn thể ….độc lập ấy”
- Mặt khác, với nội dung khái quát sâu sắc, trang trọng cùng tầm vóc của tư tưởng, tầm văn hóa lớn, bản Tuyên ngôn ra đời đã khẳng định được vị thế bình đẳng, lập trường chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế, vừa mang ý nghĩa nhân đạo của nhân loại trong thế kỉ XX. Đồng thời, đập tan luận điệu xảo trá của bọn thực dân Pháp, vạch trần dã tâm quay trở lại xâm lược cùng bản chất tàn bạo của chúng trước dư luận quốc tế "Ngày 9 tháng 3 năm nay...chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật".
b/ Tuyên ngôn độc lập “ Là một áng văn chính luận mẫu mực”: (4,0 điểm)
* Tuyên ngôn Độc lập có hệ thống lập luận chặt chẽ, với những lý lẽ sắc bén, những bằng chứng thuyết phục. (2,0 điểm)
- Bản Tuyên ngôn đã khẳng định quyền lợi chính đáng của dân tộc Việt nam - quyền tự do, bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc, trên cơ sở:
+ Cơ sở pháp lý: dựa vào bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Lấy "gậy ông đập lưng ông", Hồ Chí Minh đã đưa ra "những lẽ phải không ai chối cãi được" một cách khéo léo. Đồng thời, điều đó còn có ngụ ý đặt ngang hàng 3 cuộc cách mạng, 3 bản Tuyên ngôn, 3 nền độc lập. Cách nói ấy vừa kiên quyết, vừa sáng tạo.
+ Cơ sở thực tiễn: Đó là dân tộc Việt Nam đã phải trải qua cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ để giành lại độc lập từ tay Nhật "Khi Nhật đầu hàng Đồng minh... nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".
=> Như vậy, quyền tự do, bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền lợi chính đáng và bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
- Vạch trần âm mưu, tội ác và những luận điệu xảo trá của thực dân Pháp:
+ Về chính trị: chúng tước đoạt quyền tự do của dân ta, dùng chính sách chia để trị, chính sách ngu dân, đàn áp đẫm máu các cuộc khởi nghĩa của ta, làm suy nhược giống nòi,...
+ Về kinh tế: bóc lột dân ta tàn tệ, độc quyền in giấy bạc, đặt ra những thứ thuế vô lí,...
+ Hai lần bán nước ta cho Nhật
=> Bằng những dẫn chứng cụ thể, chính xác, đầy đủ ở các mặt, Người đã chứng minh cho toàn thế giới thấy những gì Pháp đã làm trên đất nước Việt Nam là hoàn toàn trái với lá vờ "tự do, bình đẳng, bác ái" mà chúng vẫn rêu rao trước dư luận quốc tế.
- Tổng kết cuộc cách mạng của dân tộc, từ đó khẳng định độc lập và chủ quyền và quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng của dân tộc ra bằng những lập luận logic, xác đáng: "Bởi thế cho nên...", "Vì những lẽ trên" ...
* Giọng văn hùng hồn, đanh thép nhưng vẫn thấm đượm chất trữ tình nên giàu sức thuyết phục. (1,0 điểm)
- Lời văn trong "Tuyên ngôn Độc lập" có lúc vang lên chắc nịch khi tác giả trích dẫn những bản tuyên ngôn của nước Mỹ, Pháp; vừa đanh thép vừa đau đớn, căm giận khi kể tội giặc Pháp; sung sướng, tự hào với sức mạnh quật khởi nghĩa của nhân dân khi đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành lấy chính quyền; quyết tâm sắt đá khi nói về sự bảo vệ quyền tự do và độc lập của dân tộc.
=>Trong văn bản, đã có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa lí và tình. Nhờ đó, Tuyên ngôn Độc lập có một giọng điệu riêng, mà âm hưởng chính vẫn là hùng tráng, tự hào.
* Ngôn ngữ linh hoạt, chính xác, tinh tế (1,0 điểm)
Sự điêu luyện về ngôn ngữ thể hiện ở nhiều mặt, chủ yếu là :
- Câu văn uyển chuyển, sinh động, theo nhịp của giọng điệu bản Tuyên ngôn Độc lập; có những câu đơn, nhưng phần lớn là câu phức, nhiều mệnh đề.
- Sử dụng hàng loạt cấu trúc trùng điệp.
+ Trùng điệp về từ, ngữ: “Dân ta… Dân ta… Chúng tôi… Chúng tôi… Một dân tộc… Một dân tộc…”
+ Trùng điệp về câu: “Chúng thu hành… dã man”; “Chúng lập ba chế độ… đoàn kết”; “Chúng lập ra nhà tù..”; “Chúng ràng buộc…”
+ Trùng điệp về nội dung theo chiều hướng tăng tiến ở nhiều cấp độ: “Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn…”
- Hình ảnh: thẳng tay chém giết; tắm các cuộc khởi nghĩa … bể máu; bóc lột đến xương tuỷ; nước ta xơ xác, tiêu điều; ngóc đầu lên; quỳ gối đầu hàng… gây ấn tượng mạnh với người đọc.
4. Đánh giá chung: (1,0 điểm)
- Hai ý kiến không hề đối lập nhau mà bổ sung, khẳng định cho nhau, góp phần hoàn thiện những giá trị cho tác phẩm.
- Thể hiện đóng góp lớn lao của người cầm bút.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn - Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội - 2014.2015