Phân tích và chỉ ra sự khác biệt trong những câu t...
Câu hỏi: Phân tích và chỉ ra sự khác biệt trong những câu thơ sau đây:“Người đi Châu Mộc chiều sương ấyCó thấy hồn lau nẻo bến bờCó nhớ dáng người trên độc mộcTrôi dòng nước lũ hoa đong đưa”(Quang Dũng – Tây Tiến – SGK Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)“Mình đi, mình lại nhớ mìnhNguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…Nhớ gì như nhớ người yêuTrăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nươngNhớ từng bản khói cùng sươngSớm khuya bếp lửa người thương đi về.”(Tố Hữu – Việt Bắc – SGK Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
Yêu cầu chung:
- Thấy được điểm chung và nét riêng trong mỗi nhà thơ.
- Từ đó chỉ ra tài năng và tư duy của họ, phần nào thấy được đóng góp của mỗi nhà văn cho văn học giai đoạn 1945 – 1975.
Yêu cầu cụ thể:
1. Quang Dũng và đoạn thơ
1.1 Khái quát
- Về tác giả: nhà thơ tài hoa, lãng tử, từng là thành viên của binh đoàn Tây Tiến
- Về tác phẩm: sáng tác khi nhà thơ đã rời xa đơn vị, có tên là “Nhớ Tây Tiến” sau đổi thành “Tây Tiến”
- Đoạn thơ nằm ở khổ thơ thứ hai, khổ thơ tập trung thể hiện chất nghệ sĩ trong những người chiến sĩ.
1.2 Phân tích đoạn thơ
- Trước hết là khung cảnh thiên nhiên:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
+ Không gian được bao trùm bởi một màn sương giăng mắc trở nên mờ ảo, như hư, như thực. Sương chiều bảng lảng đầy thi vị, chứ không còn là “sương lấp đoàn quân mỏi” khi màn đêm buông xuống
+ Sông nước, bến bờ lặng tờ, hoang dại như thời tiền sử, chỉ có màu lau trắng trải dài tít tắp, phất phơ theo chiều gió thổi, xôn xao ẩn chứa những nỗi niềm của con người… Thiên nhiên như có linh hồn, “hồn lau” hài hòa với “hồn thơ” của những người lính đa cảm. Cũng có thể hiểu “hồn lau” là một ẩn dụ đặc sắc gợi về vẻ đẹp giản dị, gần gũi, hồn hậu của những con người miền Tây- những người lao động trên sông nước mênh mông.
- Trên nền thiên nhiên tĩnh lặng và thơ mộng đó nổi bật hình ảnh con người:
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
+ “Dáng người trên độc mộc” phải chăng đó là dáng hình mềm mại, uyển chuyển của thiếu nữ sơn cước trên chiếc thuyền độc mộc trên dòng sông Mã, tạo nên chất thơ làm tiêu tan vẻ dữ dội của “dòng nước lũ” hung hãn
+ Như để hoà hợp với con người, những bông hoa rừng cũng đong đưa làm duyên trên dòng nước xiết. “Hoa đong đưa” là một hình ảnh lạ, hoa lá vô tri như được thổi hồn vào, gợi ra ánh mắt lúng liếng tình tứ của những cô gái vùng núi xinh đẹp trẻ trung
+ Dường như trong khổ thơ nào của bài thơ cũng thấp thoáng bóng dáng của người đẹp như vậy:
- Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
- Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
- Mai Châu mùa em thơm nếp xôi (đoạn 1)
- Kìa em xiêm áo tự bao giờ
- Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (đoạn 3)
→ Hình ảnh người đẹp thấp thoáng trong các khổ thơ đã điểm cho kí ức Tây Tiến chút lãng mạn, mơ mộng, khiến cho câu chữ trở nên mềm mại hơn và lòng người cũng nhẹ nhàng hơn…
- Những từ có thấy, có nhớ là những lời tự hỏi lòng mình đầy bâng khuâng, lưu luyến khi đã cách xa với Tây Tiến cả về không gian và thời gian…
2. Tố Hữu và đoạn thơ
2.1 Khái quát
- Tố Hữu: nhà thơ cách mạng, khuynh hướng trữ tình chính trị.
- Bài thơ “Việt Bắc” ra đời gắn với chuỗi sự kiện lịch sử trọng đại.
- Đoạn thơ thuộc phần một của bài thơ, là lời của người ra đi với những kỉ niệm, bày tỏ long biết ơn với ân tình của nhân dân và mảnh đất chiến khu.
2.2 Phân tích cụ thể.
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…
Câu thơ “Ta với mình/mình với ta" ngắt nhịp 3/3, cặp đại từ mình - ta lặp lại xoắn xuýt để thể hiện sự quấn quýt, gắn bó, không thể chia cắt. Câu thơ tiếp theo với nhịp ngắt 2/2/2/2 chắc khỏe là lời khẳng định chắc chắn “lòng ta- sau trước- mặn mà- đinh ninh”. Tiếp đó, “Mình đi mình lại nhớ mình” là sự láy lại, là câu trả lời cho sự băn khoăn của người ở lại trong khổ thơ trên “mình đi mình có nhớ mình”. Và để cụ thể cho nỗi nhớ ấy tác giả mượn cách so sánh, cách đo đếm đậm màu sắc dân gian: “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”.
* Tái hiện hình ảnh Việt Bắc trong hồi tưởng:
- Nhớ cảnh Việt Bắc thanh bình:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
+ Hình ảnh so sánh “như nhớ người yêu” thể hiện sự gắn bó tha thiết trong tình cảm.
+ Những hình ảnh gợi cảm đầy thi vị: trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương, bếp lửa, rừng nứa, bờ tre... gợi nhớ những vẻ đẹp nên thơ rất riêng của miền rừng núi
3. So sánh
3.1 Điểm gặp gỡ
Cả hai doạn thơ đều thể hiện nỗi nhớ và đằng sau ấy là ân tình của chiến sĩ giành cho đồng bào, mảnh đất họ từng gắn bó, yêu thương.
3.2 Điểm khác biệt
- Đoạn thơ của Quang Dũng được viết bởi bút pháp trữ tình, lãng mạn, tài hoa, giàu chất nhạc, họa. Vẻ đẹp của người lính tri thức Hà thành biết trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên và con người là đóng góp riêng, hiếm có.
Đoạn thơ của Tố Hữu gắn với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Lời thơ giàu bản sắc dân tộc, mộc mạc, giản dị, gần gũi với đời sống, văn học dân gian. Nhà thơ tôn vinh tình cảm cách mạng, những tình cảm lớn lao, thiêng liêng.
- Hai đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung góp phần làm phong phú cho nền thơ ca kháng chiến.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPTQG môn Ngữ Văn - Trường THPT chuyên Sư Phạm - Hà Nội - lần 1 - năm 2019(có lời giải chi tiết)