(6 điểm)Theo em, tình huống quan...
Câu hỏi: (6 điểm)Theo em, tình huống quan trọng nhất trong truyện Làng của Kim Lân là gì? Diễn biến tâm lý của nhân vật ông Hai trong tình huống ấy tạo nên ý nghĩa và giá trị như thế nào cho tác phẩm?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông có sự am hiểu và gắn bó sâu sắc với cuộc sống nông thôn và hầu như chỉ viết về đề tài sinh hoạt ở làng quê cùng cảnh ngộ của người nông dân.
- Truyện ngắn “Làng” - một trong những truyên ngắn xuất sắc nhất của đời văn Kim Lân nói riêng và của nền văn học kháng chiến chống Pháp nói chung - sáng tác đầu kháng chiến, được in năm 1948. T
- Tình huống quan trọng nhất trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là khi nhân vật ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây, lập tề. Tình huống và việc miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai đã mang đến cho người đọc thông điệp ý nghĩa về tình yêu nước.
2/ Phân tích:
a/ Tình huống ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây:
- Đây là tình huống tâm lí bất ngờ, gay cấn, căng thẳng, thử thách.
+ Bất ngờ: rất yêu và tự hào về làng mình, ông Hai đột ngột nghe tin làng lập tề.
+ Gay cấn: tin đó được chính những người đi tản cư từ phía Chợ Dầu nói ra.
+ Căng thẳng, cao trào, có ý nghĩa thử thách: đặt nhân vật vào xung đột giằng xé giữa tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước, giữa tình cảm cá nhân và trách nhiệm công dân.
=> Tác giả đặt nhân vật vào tình huống đó để nhân vật bộc lộ tính cách, đồng thời truyền tải thông điệp của mình.
b/ Diễn biến tâm trạng nhân vật:
- Ban đầu, ông luýnh quýnh khi nghe người ta nói Tây về làng chợ Dầu khủng bố "quay phắt lại lắp bắp hỏi" và tin tưởng làng chợ Dầu yêu nước sẽ kiên quyết đánh Tây "Thế ta giết được bao nhiêu thằng?".
- Khi nghe tin làng theo Tây:
+ "Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được." -> Ông bàng hoàng, kinh ngạc. Đây là một cú sốc lớn với ông.
+ "Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi: Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…" -> Ông muốn xác nhận lại thông tin vì không thể tin, không muốn tin vào điều đó. Nỗi đau đớn khiến ông mất hết cả tinh thần, trở nên suy sụp.
+ Ông "đứng dậy, chèm chẹp miệng cười nhạt một tiếng", "vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng", "cúi gằm mặt xuống mà đi", "nằm vật ra giường" -> Ông đau đớn vì làng mình theo giặc, tủi hổ vì làng quê ông vốn rất yêu thương, tự hào nay lại phản bội cách mạng, đi làm Việt gian.
+ Rồi ông "tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra". Đó là giọt nước mắt của khổ đau, của sự bất lực vì giờ khắc này ông không thể thay đổi, phủ nhận được thông tin ấy.
+ Ông nghĩ đến những đứa con, trong đầu dằn vặt biết bao câu hỏi "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?". Ông vô cùng xấu hổ, nhục nhã vì là người con của một mảnh đất Việt gian, thương xót cho những đứa con vì cũng mang cái danh đáng xấu hổ ấy.
+ Đỉnh điểm của nỗi đau khổ, giận dữ "ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên: Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!"
=> Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ,tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Cái mà ông yêu quí nhất nay cũng đã quay lưng lại với ông. Không chỉ xấu hổ trước bà con mà ông cũng tự thấy ông mất đi hạnh phúc của riêng ông, cuộc đời ông cũng như đã chết đi một lần nữa.
=> Qua đó, ta thấy rõ tình yêu làng, yêu nước sâu nặng của ông Hai.
- Khi tin được cải chính, ông Hai mặt ông vui tươi, rạng rỡ hẳn lên; ông chia quà cho lũ trẻ xong liền chạy khắp xóm để loan tin, qua nhà bác Thứ và kể chuyện làng của mình -> niềm hạnh phúc vô bờ bến.
3/ Đánh giá:
- Tình huống này giúp nhà văn Kim Lân khắc họa sâu sắc tính cách cũng như diễn biến tâm lí của ông Hai, thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
- Qua đó, chủ đề của tác phẩm được nổi bật, tạo ấn tượng khó quên trong lòng độc giả và làm nên sự thành công của tác phẩm.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - vòng 1 - Trường THPT Chuyên Năng Khiếu - TPHCM - năm 2014