Nguyễn Đình Thi: “Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày...
Câu hỏi: Nguyễn Đình Thi: “Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn người. Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, được sống nhiều hơn”. Hãy phân tích một số tác phẩm để làm sáng tỏ nhận định trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
Về kỹ năng:
– Học sinh biết cách làm bài nghị luận về tác phẩm để giải thích, chứng minh một nhận định.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ.
– Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
Về kiến thức:
1. Giới thiệu chung
2. Giải thích, phân tích
a) Giải thích ngắn gọn ý kiến của Nguyễn Đình Thi:
Ý kiến của Nguyễn Đình Thi nêu lên nguồn gốc của văn nghệ(nghệ thuật) – trong đó có văn học – cũng như vai trò, ý nghĩa, tác động của văn nghệ (nghệ thuật) đối với tâm hồn người tiếp nhận, thưởng thức:
– Văn nghệ “bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người”: Các tác phẩm văn học, nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực; người nghệ sĩ lấy chất liệu sáng tác từ đời sống hàng ngày.
– Văn nghệ “tạo được sự sống cho tâm hồn người”, “mở rộng khả năng của tâm hồn”: văn học, nghệ thuật giúp đời sống tinh thần của con người trở nên phong phú hơn, làm giàu có thêm tâm hồn với những tình cảm vui – buồn, yêu thương – căm giận… “Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn”. Văn nghệ góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp thế giới tinh thần của người thưởng thức, tiếp nhận. "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có" (Hoài Thanh)
b) Làm sáng tỏ ý kiến của Nguyễn Đình Thi qua việc phân tích một vài tác phẩm trong chương trình ngữ văn: Thí sinh chỉ cần chọn 1 đến 2 tác phẩm mà mình tâm đắc, tập trung phân tích và cảm nhận sâu sắc, tinh tế để làm sáng tỏ ý kiến của Nguyễn Đình Thi. Chẳng hạn:
* Sang thu:
– Bài thơ “bắt rễ ở cuộc đời”: khung cảnh thiên nhiên, đất trời trong khoảnh khắc giao mùa cuối hạ đầu thu trở thành chất liệu cho thi phẩm, trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật của Hữu Thỉnh.
– Bài thơ “tạo được sự sống cho tâm hồn người”, “mở rộng khả năng của tâm hồn” người đọc: độc giả được cùng tác giả khám phá những tín hiệu ban đầu của thiên nhiên lúc sang thu; bài thơ khơi dậy trong lòng người đọc tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh sắc quê hương Việt Nam; ở hai câu cuối (Sấm cũng bớt bất ngờ – Trên hàng cây đứng tuổi) ngoài nghĩa tả thực còn gợi suy ngẫm về triết lí cuộc đời: sự vững vàng của con người từng trải trước những biến động của cuộc sống.
* Chiếc lược ngà:
- Tác phẩm “bắt rễ ở cuộc đời”: hoàn cảnh chiến tranh ác liệt tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ
- Tác phẩm “tạo được sự sống cho tâm hồn người”, “mở rộng khả năng của tâm hồn”:
Người đọc được cùng tác giả nghẹn ngào trước tình cha con trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh và tình đồng chí của những người cán bộ cách mạng. Tình cha con được miêu tả cảm động ở cả hai phía: người cha cán bộ cách mạng và đứa con gái nhỏ.
Đó không chỉ là tình cảm muôn thủa, có tính nhân bản bền vững, mà còn được được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo và éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng. Vì thế, tình cảm ấy càng đáng trân trọng và đồng thời nó cũng cho thấy những nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho cuộc sống bình thường của mọi người. (…Một kỉ vật đơn sơ mà vô giá, đã nối hai cuộc gặp gỡ với ba con người: chiếc lược ngà.
Nhưng vang vọng suốt cả câu chuyện, suốt những quãng đời, suốt những cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất của cõi đời này: Ấy là tiếng Ba. Tiếng ba vỡ ra từ sâu thẳm cõi lòng cô bé. Còn đối với người cha, đó là tiếng gọi ba đầu tiên và cũng là những tiếng cuối cùng ông nghe được từ con!)
* Mùa xuân nho nhỏ:
– Bài thơ cũng bắt nguồn từ đời sống: khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên, đất trời và mùa xuân của đất nước đã in bóng trong trang thơ của Thanh Hải; bên cạnh đó, còn có mùa xuân của lòng người: khát vọng cống hiến cho cuộc đời chung của tác giả.
– Bài thơ cũng “tạo được sự sống cho tâm hồn người”, “mở rộng khả năng của tâm hồn” độc giả: người đọc được cùng tác giả khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất nước vào xuân; thêm yêu đời, yêu thiên nhiên và khao khát sống đẹp, sống cống hiến cho đời.
3. Đánh giá chung:
Các tác phẩm trên là tác phẩm của những tác giả khác nhau, ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng đều là minh chứng tiêu biểu cho mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, nghệ thuật và người thưởng thức văn nghệ. Nhận định của Nguyễn Đình Thi đúng đắn và có tầm khái quát cao.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi chính thức vào 10 môn Văn Chuyên Sơn La (chuyên Văn) (Năm học 2018 - 2019) (có lời giải chi tiết)