Tuyển sinh THPT Chuyên KHTN 2016-2017
Câu hỏi: Tuyển sinh THPT Chuyên KHTN 2016-2017(Thí sinh chọn một trong hai câu 3a hoặc 3b)Câu 3a: ( 5 điểm)Phân tích nhân vật ông Hai trng truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân để làm sáng tỏ tình yêu làng xó, quê hương,đất nước của người dân Việt Nam trong thời kì đầu kháng chiến chống PhápCâu IIIb: (5 điểm)Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
3a.
3a.1. Giới thiệu chung
- Tác giả là nhà văn hiện thực Việt Nam, là cây bút sở trường về truyện ngắn, am hiểu về đời sống sinh hoạt của nhân dân và nông thôn.
- Tác phẩm được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Nhân vật chính trong truyện là nhân vật ông Hai, một nông dân cần cù, chất phác, phải đi tản cư nhưng có long yêu làng, yêu nước sâu sắc, tinh thần kháng chiến cao, trung kiên với cách mạng.
3a.2. Phân tích
a.Tình huống tâm trạng
- Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra: ông Hai muốn ở lại làng để tham gia kháng chiến nhưng vì hoàn cảnh gia đình buộc ông phải rời làng đi tản cư, lòng ông luôn day dứt nỗi nhớ làng.
- Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống có ý nghĩa: là một nông dân suốt đời sống ở quê hương, gắn bó máu thịt với từng con đường, nếp nhà, thửa ruộng và biết bao nhiêu người ruột thịt, xóm giềng. Vậy mà vì giặc ngoại xâm, ông phải rời xa quê hương, sống nhờ nơi đất khách. Do đó, lòng ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Ban ngày lo sản xuất, ổn định cuộc sống, nhưng buổi tối lại sang hang xóm giãi bày nỗi nhớ quê của mình. Nỗi nhớ của ông đều bắt nguồn từ những kỉ niệm trong cuộc sống hang ngày.
=>Tình cảm của ông Hai thuần phác, trong sáng.
b. Tình yêu làng hòa nhập, thống nhất với lòng yêu nước, kiên trung với cách mạng.
- Ông Hai đột ngột nghe tin dữ, làng Dầu theo giặc lập tề.
- Tin ấy đến với ông vào buổi trưa, giữa lúc tâm trạng phấn chấn vì nghe những tin thắng trận => Tâm trạng đau đớn, nặng nề, tủi hổ tràn ngập lòng ông. Trước ông Hai hãnh diện, tự hào về làng bao nhiêu thì nay lại đau đớn, nhục nhã bấy nhiêu.
+ Nơm nớp tưởng người ta bàn chuyện làng Dầu.
+ Nhiều lúc, ông đã khóc.
=>Tác giả đã diễn tả rất sâu sắc, cụ thể tâm trạng nặng nề đến nỗi trở thành một nỗi ám ảnh trong lòng ông Hai.
- Tác giả tiếp tục đặt nhân vật vào thử thách mới. Đó là khi nghe tin có lệnh cấm không cho những người làng Dầu ở nơi tản cư vì làng Dầu Việt gian theo Tây. Chính trong tình thế tưởng chừng như tuyệt vọng ấy lại càng bộc lộ tình yêu làng hòa hợp sâu sắc với tình yêu nước, kiên trung với cách mạng. Trở về làng là cam chịu kiếp sống nô lệ, nhục nhã. Bởi thế, ông đã quyết định một cách đau đớn nhưng dứt khoát “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”
- Cao trào tâm trạng của nhân vật là lúc bộc lộ một cách sâu sắc, cảm động nhất tình cảm chân thành, thiêng liêng của ông Hai đối với quê hương, đất nước, cách mạng. Đó là cảnh ông Hai trò chuyện với đứa con. Ông vẫn nhắc nhở con về quê hương của nó là làng Dầu, thủ thỉ với con như để ngỏ lòng mình, như để minh oan “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ soi xét cho bố con ông”.
- Nghe tin cải chính, làng Dàu không theo giặc: Vui sướng, tự hào, mặc dù nhà bị đốt nhưng ông không buồn. Ông coi đó là bằng chứng cho lòng trung thành của ông, của làng Dầu đối với cách mạng.
c. Nhận xét
- Nhà văn Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện tâm lí, đặt nhân vật vào tình huống gay gắt, đấu tranh nội tâm căng thẳng để bộc lộ tính cách nhân vật.
- Nhà văn miêu tả nổi bật tính cách, tâm trạng của nhân vật qua đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, qua ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ, hành động.
3a.3. Tổng kết
- Ông Hai tiêu biểu cho tầng lớp nông dân thời chống Pháp.
- Qua nhân vật ông Hai, tác giả muốn biểu đạt một cách thấm thía, xúc động tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp.
- Tác giả viết bằng trái tim, tình cảm của mình nên dễ tìm được sự đồng cảm từ bạn đọc.
3b
3b.1. Giới thiệu chung
- Hữu Thỉnh thuộc thế hệ những nhà thơ thời chống Mỹ với ngòi bút hướng về đề tài chiến tranh, người lính và cuộc sống nông thôn.
- “Sang thu” là tác phẩm tiêu biểu của Hữu Thỉnh, được viết khi thiên nhiên bắt đầu sang thu và cũng là thời điểm đất nước vừa bước từ thời chiến sang thời bình.
- Bài thơ là những cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước cảnh đất trời sang thu.
3b.2. Phân tích
a .Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên trong thời khắc giao mùa
- Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình:
+ “Hương ổi”: là làn hương đặc biệt của mùa thu miền Bắc được cảm nhận từ mùa ổi chin rộ.
+ Từ “phả”: động từ có nghĩa tỏa vào, trộn lẫn -> gợi mùi hương ổi ở độ đậm nhất, thơm nồng quyến rũ, hòa vào trong gió heo may của mùa thu, lan tỏa khắp không gian tạo ra một mùi thơm ngọt mát – hương thơm ngọt ngào hấp dẫn của những vườn cây sum suê trái ngọt ở nông thôn Việt Nam.
+ “Sương chùng chình”: những hạt sương nhỏ li ti giăng mắc như một làn sương nhẹ nhàng trôi, đang “cố ý” chậm lại thong thả, nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm sang thu. Hạt sương sớm mai cũng như có tâm hồn.
- Những chuyển biến tinh tế của thiên nhiên khiến nhà thơ không khỏi ngỡ ngàng, bối rối “bỗng”, “hình như”. Tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh sang thu thấp thoáng hồn người: chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bang khuâng…
b. Khổ 2, 3: Hình ảnh thiên nhiên sang thu
- Thiên nhiên sang thu được nhà thơ phát hiện bằng những hình ảnh quen thuộc làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng:
+ Dòng sông quê hương thướt tha mềm mại, hiền hòa trôi một cách nhàn hạ, thanh thản -> gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên nhiên mùa thu.
+ Đối lập với hình ảnh trên là những cánh chim bắt đầu vội vã bay về phương nam tránh rét trong buổi hoàng hôn.
+ Mây được miêu tả qua sự liên tưởng độc đáo bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
-> Gợi hình ảnh một làn mây mỏng, nhẹ, kéo dài của mùa hạ còn sót lại như lưu luyến. Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này.
- Thiên nhiên sang thu còn được gợi ra qua hình ảnh vừa thực vừa có ý nghĩa biểu trưng “nắng – mưa – sấm”:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa”
+ Nắng là hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến chứ không chói chang, dữ dội, gay gắt.
+ Mưa cũng đã ít đi. Cơn mưa mùa hạ thường bất ngờ chợt đến rồi lại chợt đi. Từ “vơi” có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa ào ạt, bất ngờ của mùa hạ.
+ Hình ảnh “sấm”:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Ý nghĩa tả thực: hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ. Sấm cuối mùa hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu.
Ý nghĩa ẩn dụ: “Sấm” là hình ảnh biểu tượng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi”: gợi tả những con người từng trải, từng vượt qua những khó khăn, thăng trầm. Qua đó, khẳng định bản lĩnh cứng cỏi của con người trước những biến động của cuộc đời.
->Ngợi ca bản lĩnh cứng cỏi và tốt đẹp của con người từng trải nói riêng và nhân dân ta nói chung trước những thách thức, khó khăn, gian khổ.
3b.3. Đánh giá
- Nghệ thuật: Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, tự nhiên mà giàu sức gợi, vừa độc đáo, mới lạ. Giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng.
- Với “Sang thu”, Hữu Thỉnh góp cho thơ th Việt Nam một áng thơ thật đẹp. Bức tranh thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa với những biến đổi tinh tế, nhẹ nhàng, uyển chuyển cũng gửi gắm tới người đọc những triết lí sâu xa mà thấm thía.Bài thơ đã cho thấy tình yêu thiên nhiên, tâm hồn tinh tế và ngòi bút tài hoa, sâu sắc của tác giả.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN- năm 2016 - 2017