Phân tích diễn biến tâm lí của bé Thu trước và sau...
Câu hỏi: Phân tích diễn biến tâm lí của bé Thu trước và sau khi nhận ra ông Sáu là ba.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung văn bản, phương pháp phân tích.
Giải chi tiết:
1. Mở bài:
“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng sáng tác vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra quyết liệt (1966). Nhà văn đã miêu tả sinh động diễn biến tâm lí của bé Thu trước và sau khi nhận ba, qua đó thể hiện nét tính cách rất riêng và tình cảm sâu sắc, gắn bó của cô bé đối với ba.
2. Thân bài
a. Trước khi bé Thu nhận ông Sáu là ba:
- Là cô bé sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên trong suốt 8 năm trời cô bé không được gặp ba. Cô chỉ biết mặt ba qua 1 tấm ảnh ba chụp chung với má.
- Những tưởng ngày đoàn viên sau 8 năm xa cách phải đầy mừng tủi, hạnh phúc nhưng cô bé lại thể hiện một thái độ khác thường:
+Trước sự xúc động của ông Sáu, ba bé Thu, thì cô bé ngạc nhiên, hoảng sợ, mặt tái đi, bỏ chạy, cầu cứu má.
+Những ngày sau đó dù ông dành hết thời gian bên con, yêu thương, chăm sóc nhưng bé Thu vẫn lạnh nhạt, xa lánh thậm chí bướng bỉnh, ngang ngạnh cự tuyệt ông:
Cô bé không chịu gọi ông là cha. Những lúc phải nói với ông nó chỉ gọi trống không, bất chấp sự trách móc của mẹ. Lúc khó khăn, nguy cấp khi phải chắt nước nồi cơm vừa to, vừa nặng quá sức mình cô bé cũng không chịu nhờ ông Sáu. Nó tự xoay sở để không phải gọi ông là ba. Cô bé còn từ chối sự chăm sóc của ông rất quyết liệt. Nó hất miếng trứng cá ông gắp cho ra khỏi bát làm đổ cả cơm. Lúc ông Sáu không kìm được nỗi đau khổ nên phạt bé Thu, cô bé ngay lập tức bỏ sang nhà bà ngoại.
- Nhận xét : tác dụng của việc miêu tả thái độ, hành động khác thường của bé Thu
+ Tái hiện được hoành cảnh éo le của chiến tranh.
+ Cho thấy bé Thu hồn nhiên nhưng cũng bướng bỉnh, cá tính. Cô không nhận ông Sáu là ba vì trên mặt ông có vết sẹo, không giống với người ba của cô bé trên tấm hình suốt 8 năm nay.
+ Đặc biệt, cách chối từ tình cảm của ông Sáu chính là cách bé Thu thể hiện tình yêu thương thắm thiết giành cho cha mình.
b. Khi bé Thu nhận ông Sáu là ba
- Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường về đơn vị. Bé Thu đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người.
+ Nó cau có, bướng bỉnh mà buồn rầu và nghĩ ngợi sâu xa.
+ Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba đôi mắt nó bỗng xôn xao. Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm. Bé Thu nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba mình.
+ Đến giây phút cuối cùng, khi ông Sáu cất lời từ biệt con bé mới cất lên tiếng gọi ba xé lòng
Tiếng gọi bị kìm nén suốt 8 năm Tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết.
+ Không chỉ vậy, nó xô đến ôm chặt lấy ba, hôn ba, hôn lên vết thẹo:
Con bé muốn giữ chặt ba, không cho ba đi. Nó lo sợ ba sẽ đi mất. Nó muốn bày tỏ tất cả tình yêu của mình dành cho ba.
- Nhận xét :
+ Trong khoảnh khắc, mọi khoảng cách với ba bị xóa bỏ. Cô bé đã bộc lộ sự gắn bó và tình cảm của mình dành cho ba -> khiến mọi người xúc động.
+ Miêu tả sự biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã một lần nữa tô đậm tình yêu ba tha thiết của cô bé. Khi lạnh nhạt cũng như khi quấn quýt, bé Thu đều hướng đến ba mình.
+ Qua đó, ta thấy bé Thu gan góc, bướng bỉnh nhưng rất giàu tình cảm và dễ xúc động.
3. Kết bài : Qua những biểu hiện tâm lí và hành động của bé Thu, người đọc cảm nhận được tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ và cũng thật dứt khoát, rạch ròi ở Thu. Sự ‘‘cứng đầu’’ tưởng như ương ngạnh ở Thu là biểu hiện của một cá tính mạnh mẽ. Tuy nhiên , Thu vẫn rất hồn nhiên, ngây thơ. Từ đó, ta thấy tác giả tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ và yêu mến, trân trọng những tình cảm của các em nhỏ, nhờ thế đã có những trang viết thật sinh động và đầy xúc động.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Chiếc lược ngà (Đề 1)- Có lời giải chi tiết