( 5 điểm )Cảm nhận của anh (chị) về nhân vật người...
Câu hỏi: ( 5 điểm )Cảm nhận của anh (chị) về nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Yêu cầu kĩ năng: có kĩ năng phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự, cảm nhận về nhân vật qua những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu. Từ đó biết cách viết một bài nghị luận văn học có kết cấu đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc. Bài viết phải có những cảm nhận tinh tế, văn viết lưu loát, cảm xúc chân thành.
Yêu cầu kiến thức: có những hiểu biết cơ bản về Kim Lân và truyện ngắn Vợ nhặt. Học sinh hiểu được cách xây dựng nhân vật trong tác phẩm tự sự và những đặc điểm cơ bản của thể loại truyện ngắn.
1/ Về tác giả, hoàn cảnh sáng tác: ( 0,5 điểm )
- Kim Lân là nhà văn nổi tiếng với thể loại truyện ngắn. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ, tâm lý của những người dân quê để viết nên những trang văn chân thật và cảm động về họ.
- Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc được viết lại từ phần đầu của tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm đã xây dựng được những nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc, tiêu biểu là nhân vật người vợ nhặt.
2/ Cảm nhận về người vợ nhặt: ( 3,5 điểm )
- Người vợ nhặt hiện lên như một nạn nhân tiêu biểu của nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nhân vật không có tên riêng, không có lai lịch… chỉ là một thân phận bọt bèo trôi dạt giữa dòng đời. Cái đói đã hủy hoại cả vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp nữ tính của một người phụ nữ. ( 0,5 điểm )
- Người vợ nhặt có một khát vọng sống mãnh liệt, một khát vọng hướng về mái ấm gia đình rất đáng trân trọng. Người vợ nhặt theo Tràng về nhà không chỉ vì cái đói dồn đuổi mà còn xuất phát từ ước mơ được sống trong một gia đình ấm cúng, từ sự cảm động trước một tấm lòng hào hiệp hiếm có trong nạn đói. Vì vậy trên đường về nhà cùng Tràng thị tỏ ra e thẹn, ngượng ngập và ý tứ hơn. Khi nhìn thấy ngôi nhà lụp xụp rách nát, người phụ nữ ấy vẫn ở lại để cùng chia sẻ cuộc đời đói khổ với Tràng chứ không bỏ đi. ( 1 điểm )
- Người vợ nhặt có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Vẻ đẹp bị lu mờ, khuất lấp trong nạn đói đã dần dần được thể hiện. Trong buổi sáng ngày hôm sau, người vợ nhặt đã hiện lên trong hình ảnh người phụ nữ hiền hậu, nết na, đúng mực, biết lo toan vun vén cho gia đình, cư xử tinh tế với mẹ chồng… . Đây là một sự thay đổi vừa bất ngờ vừa tất yếu. ( 1,0 điểm )
- Người vợ nhặt đã nhắc đến cảnh phá kho thóc của Nhật chia cho người đói trong bữa cơm đón nàng dâu mới. Ánh sáng của tương lai dường như đã xuất hiện trước mặt các nhân vật với hình ảnh đó. Nhân vật người vợ nhặt đã góp phần thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm ( 0,5 điểm )
- Kim Lân đã xây dựng nhân vật người vợ nhặt trong một tình huống truyện độc đáo, miêu tả ngoại hình, sử dụng ngôn ngữ đối thoại và thể hiện tinh tế diễn biến tâm lý nhân vật… để bày tỏ sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của t ình người và niềm hi vọng của cuộc sống của những người dân nghèo khổ. ( 0,5 điểm )
3/ Trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống ( 1,0 điểm )
- Tình yêu thương giúp con người biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh mình. Con người sẽ không phải sống cô đơn, lạnh lẽo giữa cuộc đời.
- Người trao yêu thương và người nhận yêu thương đều có được niềm vui và hạnh phúc, được sống có ý nghĩa hơn.
- Tình yêu thương có sức mạnh kỳ diệu, có thể cảm hóa, thanh lọc tâm hồn con người, hướng thiện và tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Có tình yêu thương, con người sẽ có động lực để vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn - Trường THPT Chuyên Chu Văn An - Hà Nội - 2014.2015