(4,0 điểm) Về nhân vật Mị trong tác phẩm “ Vợ chồn...
Câu hỏi: (4,0 điểm) Về nhân vật Mị trong tác phẩm “ Vợ chồng A Phủ”- Tô Hoài, có ý kiến cho rằng “ Nét nổi bật ở người phụ nữ này là sự nhẫn nhục và ý thức đầu hàng hoàn cảnh”. Ý kiến khác lại cho rằng “Nét nổi bật ở Mị chính là sự phản kháng mạnh mẽ và khát vọng sống mãnh liệt”.Anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên?Từ cuộc đời và tính cách nhân vật Mị, anh/chị có suy nghĩ gì về khát vọng tự do và hạnh phúc của con người?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Yêu cầu chung:
- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương.
- Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.
Yêu cầu cụ thể
1. Khái quát chung: (0,5 điểm)
- Tô Hoài là nhà văn lớn của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam với những tác phẩm nổi tiếng về mảng đề tài dân tộc, miền núi.
- “Vợ chồng A Phủ” là một trong những thành công lớn nhất của nhà văn Tô Hoài – là truyện ngắn rút ra từ tập “Truyện Tây Bắc” viết vào năm 1953. Tác phẩm đã cất lên tiếng nói vì con người, ca ngợi và bảo vệ con người và là một tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc.
- Giải thích ý kiến:
+ Ý kiến thứ nhất: “Nét nổi bật ở người phụ nữ này là sự nhẫn nhục và ý thức đầu hàng hoàn cảnh”: đề cập đến số phận bi kịch, bất hạnh đầy nước mắt của đời Mị.
+ Ý kiến thứ hai: “Nét nổi bật ở Mị chính là sự phản kháng mạnh mẽ và khát vọng sống mãnh liệt” lại khẳng định những phẩm chất tốt đẹp, sức sống tiềm tàng trong con người Mị.
2. Phân tích, chứng minh, bình luận ý kiến (3,0 điểm)
a, “Nét nổi bật ở người phụ nữ này là sự nhẫn nhục và ý thức đầu hàng hoàn cảnh” (1,0 điểm)
* Khi biết mình thành cô con dâu gạt nợ:
- Mị đau khổ tìm đến cái chết - sự phản kháng mạnh mẽ nhưng bất lực. Vì thương bố, Mị lại chấp nhận cuộc sống với thân phận con dâu gạt nợ ấy.
* Từ đó, cuộc đời Mị là một chuỗi ngày đau thương đầy nước mắt:
- Mị bị hành hạ về thể xác: Thời gian được tính bằng công việc. Mị bị bóc lột sức lao động một cách tàn tệ, làm việc quanh năm suốt tháng,… Mị tưởng mình cũng là con trâu, con ngựa, thậm chí Mị thấy mình không bằng trâu ngựa vì chúng còn có lúc được nghỉ đứng gãi chân nhai cỏ, còn Mị chỉ vùi đầu vào công việc: hái củi, trồng ngô, cõng nước, tước sợi,… Khi chăm sóc A Sử, chẳng may thiếp đi, liền bị đạp vào mặt…
=> Những hình ảnh so sánh [vật hóa] liên tiếp đã khắc sâu nỗi cơ cực, khổ nhục triền miên của Mị: kiếp người trở thành kiếp vật tăm tối, nặng nề, đáng thương, tội nghiệp.
- Mị bị tê liệt về tinh thần:
+ “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi” -> Cam chịu nhẫn nhục một cách đáng thương.
+ Mị ngày càng không nói chỉ “lùi lũi như con rùa…”
+ Sống cô độc, lầm lũi, tách biệt với bên ngoài, không còn ý niệm thời gian, không giao tiếp “Căn buồng Mị ở chỉ có 1 lỗ vuông bằng bàn tay…”
+ Mị bị áp chế tinh thần, tin vào “Nó đã bắt mình trình ma nhà nó rồi thì chỉ đợi chết ở đây thôi” -> không còn phản kháng nữa.
+ Rồi Mị trở nên chai sạn, tê liệt cảm xúc: Chỉ biết làm bạn với bếp lửa, đêm nào cũng dậy hơ tay mấy lần. Có khi bị A Sử đánh ngã xuống cửa bếp nhưng hôm sau Mị lại ra làm bạn với bếp lửa. Bao đêm A Phủ bị trói đứng giữa nhà, Mị vẫn “thản nhiên thổi lửa hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi…”
=>Mị ở tận cùng của nỗi khổ, bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần một cách tàn bạo, độc ác.
b, “Nét nổi bật ở Mị chính là sự phản kháng mạnh mẽ và khát vọng sống mãnh liệt” (1,5 điểm)
* Sức sống tiềm tàng và tinh thần phản kháng của Mị trong đêm tình mùa xuân: (0,75 điểm)
- Các yếu tố làm thức tỉnh ý thức và lòng ham sống ở Mị: khung cảnh ngày xuân ở Hồng Ngài, tiếng sáo gọi bạn yêu và hơi rượu nồng ngày Tết.
- Sự trỗi dậy của sức sống vốn tiềm tàng trong Mị:
+ Mị thấy phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước…
+ Mị nghĩ lại sự tù túng của mình, nghĩ đến cái chết lần thứ 2 -> Muốn giải thoát, kết thúc cuộc đời bi kịch, địa ngục trần gian.
+ Mị thức dậy ý thức và khát vọng: thấy mình còn trẻ, muốn đi chơi, thắp sáng căn phòng lên – thắp sáng khát vọng đời mình, sửa soạn đi chơi -> sự trở về của nữ tính… Mị thôi làm “con rùa…”, muốn làm con chim tung cánh trên bầu trời tự do.
+ Khát vọng bị A Sử chặn đứng, sức sống mùa xuân trong lòng Mị vẫn không hề bị trói buộc, dập tắt. Hồn Mị vẫn bay theo tiếng sáo đến với những cuộc chơi xuân.
=> Sức sống trong Mị chưa phải đã tắt hẳn, nó như đống tro tàn nhưng vẫn còn hơi ấm, chỉ cần ngọn gió thổi qua, sẽ bùng cháy lên mãnh liệt.
* Sức sống tiềm tàng và tinh thần phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt của Mị trong đêm đông cắt dây trói cho A Phủ: (0,75 điểm)
- Nguyên nhân: Mị trông thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ. Nó khiến Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ. Mị nhớ lại kí ức đau khổ - lần mình bị trói đứng, thật đau khổ! Từ thương mình mà đồng cảm, thương cho người.
- Sự thức tỉnh ý thức:
+ Nhận ra dấu hiệu về cái chết, phán đoán “chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết” -> càng thương hơn và so sánh“người kia việc gì mà phải chết thế”
+ Lần đầu tiên Mị nhìn rõ kẻ thù của mình cũng như những kiếp người đau khổ như mình: “Chúng nó thật độc ác”
+ Nghĩ đến tình huống cha con Pá Tra bảo là Mị cởi trói cho A Phủ, bắt Mị đứng trói thay đến chết trên cái cọc ấy nhưng Mị cũng không sợ -> tình thương vượt lên sự sợ hãi, lấn át cả nỗi thương thân.
- Cắt dây trói cho A Phủ -> hành động tự phát, xuất phát từ tình thương nhưng cũng chính là Mị đang cắt dây trói cho chính mình, chiến thắng cường quyền, thần quyền.
- Sau đó, Mị “hốt hoảng”, “vụt chạy” đuổi theo A Phủ, nói “A Phủ cho tôi đi!... Ở đây thì chết mất!” -> bắt đầu hành trình từ “thung lũng đau thương” đến “cánh đồng vui” ở mảnh đất Phiềng Sa.
=> Những hành động của Mị có ý nghĩa to lớn vì nó là sự hồi sinh, là biểu tượng của tinh thần phản kháng quyết liệt với cái ác, cái xấu.
c, Bình luận: (0,5 điểm)
- Hai ý kiến bổ sung cho nhau, làm hoàn thiện cái nhìn về số phận, tính cách, vẻ đẹp trong tâm hồn Mị. Qua hai ý kiến, ta thấy cả một quá trình chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn, tính cách của Mị, sự vùng lên mãnh liệt.
- Khẳng định, giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm qua hình tượng nhân vật Mị. Đồng thời, khẳng định tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn.
3. Suy nghĩ về khát vọng tự do và hạnh phúc của con người: (0,5 điểm)
- Tự do và hạnh phúc là khát vọng lớn lao của mỗi con người trong cuộc sống.
- Từ trong cực khổ, đau thương, con người phải biết vươn lên, hướng về sự sống, ánh sáng, tìm tới niềm vui. Con người có thể tự đấu tranh để giải phóng chính mình.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn Trường THPT Hương Sơn - Hà Tĩnh - 2014.2015