(4,0 điểm)Cảm nhận vẻ đẹp của hai...
Câu hỏi: (4,0 điểm)Cảm nhận vẻ đẹp của hai đoạn thơ sau:Làm sao được tan raThành trăm con sóng nhỏGiữa biển lớn tình yêu.Để ngàn năm còn vỗ. (Sóng – Xuân Quỳnh) Em ơi em Đất Nước là máu xương của mìnhPhải biết gắn bó và san sẻPhải biết hóa thân cho dánh hình xứ sởLàm nên Đất Nước muôn đời… (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu chung
- Xuân Quỳnh (1942 – 1988) - một trong những gương mặt tiêu biểu cho các nhà thơ nữ thời chống Mĩ. Con đường thơ của chị gần một phần tư thế kỉ, khá phong phú về số lượng và tươi rói chất hiện thực đời sống. Thơ chị thấm đượm tình người và thể hiện một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành nhiều lo âu và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. "Sóng" là một trong những bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ ca VN hiện đại nói chung.
- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén thể hiện tâm tư người trí thức. Trường ca Mặt đường khát vọng được sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị miền Nam vùng tạm chiếm về non sông đất nước và ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc. Chương V là những khám phá, cảm nhận sâu sắc, mới mẻ của nhà thơ về đất nước.
- Giới thiệu 2 đoạn thơ.
2. Cảm nhận:
a. Đoạn thơ trong bài thơ "Sóng":
* Vị trí đoạn trích:
- Đoạn thơ nằm ở khổ cuối cùng của bài thơ, sau khi khẳng định tình yêu thủy chung, nỗi nhớ mãnh liệt và cả những dự cảm, lo âu, tác giả tiếp tục thể hiện khao khát được hóa thân vào tình yêu lớn của nhân loại để bất tử hóa tình yêu của mình.
* Cảm nhận:
- Ước mơ đến cháy bỏng của người phụ nữ là được "tan ra" - hóa thân thành trăm con sóng nhỏ để hòa vào biển lớn tình yêu nhân loại, muôn đời còn vỗ mãi, từ hôm nay đến mai hậu.
- Biển lớn tình yêu không chỉ là tình yêu đoi lứa mà còn là tình yêu lớn, tình yêu nước, yêu con người. Trái tim yêu thương vô bờ ấy sẽ đời đời bất diệt "ngàn năm còn vỗ".
- Thể thơ năm chữ cô đọng, hàm súc; câu hỏi tu từ có sức gợi lớn lao; giọng thơ tha thiết, trữ tình.
=> Đoạn thơ thể hiện khát vọng bất tử hóa tình yêu của em, thể hiện qua hình ảnh sóng. "Sóng" và "em" vẫn song hành với nhau trên mọi hành trình. Tình yêu riêng tư, cá nhân nhờ đó mà trở nên vĩ đại, cao cả.
b. Đoạn thơ trong đoạn trích "Đất Nước":
* Vị trí đoạn trích:
- Đoạn thơ nằm ở cuối phần thứ nhất của đoạn trích. Sau khi lí giải nguồn gốc của "Đất Nước", cắt nghĩa "Đất" và "Nước" cũng như nhắc lại lịch sử dân tộc, tác giả đã đúc rút ra chân lí về sự hi sinh, cống hiến của mỗi cá nhân để làm nên sự trường tồn của Đất Nước.
* Cảm nhận:
- Tiếng gọi “Em ơi em” tha thiết, gần gũi, nhưng không phải chỉ là đối thoại với người yêu mà dường như đang nói chuyện với tất cả thế hệ trẻ Việt Nam những năm 70 của thế kỉ XX, trong thời kì cả nước chống Mỹ.
- Một tổng kết mang tính triết lí: “Đất Nước là máu xương của mình”, chân lí này được đúc kết qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm gian lao nhưng anh hùng, đau thương nhưng vĩ đại. Câu thơ hàm chứa sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ cha anh đã dũng cảm hi sinh để dựng nước và giữ nước.
- Nhà thơ đã cất lên lời nhắn nhủ chân thành:
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dánh hình xứ sở
Điệp từ "phải biết" kết hợp với các động từ tăng tiến "gắn bó" "san sẻ "hóa thân" đã nhấn mạnh, khắc sâu vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đối với Đất Nước.
- Câu thơ cuối kín đáo bộc lộ tình yêu nước qua khát vọng về sự trường tồn của Đất Nước đến "muôn đời".
=> Đoạn trích có giá trị như một tổng kết lịch sử ngắn gọn mà đầy đủ, giàu cảm xúc. Thể thơ tự do, câu thơ dài ngắn linh hoạt, giọng thủ thỉ, tâm tình tha thiết, dễ đi vào lòng người.
3. So sánh hai đoạn trích:
* Điểm giống:
- Nội dung: Đều thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu tha thiết với cuộc đời và khát vọng được bất tử hóa.
- Nghệ thuật: Sử dụng những đối thoại mà nhân vật trữ tình dường như là cái tôi thứ hai của tác giả, làm nên những đối thoại gần gũi dù nhân vật kia không xuất hiện, không cần lên tiếng.
* Điểm khác:
- Về nội dung:
+ Đoạn 1: Thể hiện khát vọng bất tử hóa tình yêu lứa đôi, đem tình yêu ấy hòa vào tình yêu Tổ quốc, tình yêu cuộc sống.
+ Đoạn 2: Tình yêu nước thể hiện qua thái độ trân trọng, biết ơn, tự hào với quá khứ và khát vọng bất tử hóa Đất Nước.
- Về nghệ thuật:
+ Đoạn 1: thể thơ 5 chữ, nhịp điệu như những con sóng.
+ Đoạn 2: thơ tự do, điệp ngữ, ngôn từ chọn lọc.
* Lí giải:
- Giống nhau:
+ Cùng sáng tác trong kháng chiến chống Mỹ
+ Cùng nói lên nỗi lòng của thế hệ trẻ bấy giờ
* Khác nhau:
- Do phong cách nghệ thuật của mỗi người.
4. Tổng kết:
- Khẳng định ý nghĩa, sức hấp dẫn của hai đoạn trích, 2 tác phẩm.
- Bài học về tình yêu cuộc sống và sự hi sinh, cống hiến.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 - Trường THPT Dĩ An - Bình Dương