(4.0 điểm)Phân tích nhân vật Tràn...
Câu hỏi: (4.0 điểm)Phân tích nhân vật Tràng và vợ Tràng trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân (SGK Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục) trong đoạn sáng hôm sau ngày Tràng “nhặt” được vợ.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Khái quát chung:
- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn, là nhà văn “một lòng đi về với đất, với người, với cái thuần hậu, nguyên thủy của đời sống nông thôn”.
- “Vợ nhặt” là tác phẩm tiêu biểu của ông, có tiền thân từ tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” Kim Lân viết từ trước cách mạng tháng Tám.
- Cảnh sáng hôm sau ở nhà Tràng nằm ở phần cuối tác phẩm, là một đoạn văn đặc sắc, góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm.
(Học sinh tóm lược diến biến câu chuyện trong tác phẩm đến trước đoạn cần phân tích). Đoạn văn có sự xuất hiện của cả ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng, bà cụ Tứ.
2/ Phân tích:
a/ Nhân vật Tràng:
- Sáng hôm sau, Tràng dậy muộn “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Việc hắn có vợ đến lúc ấy hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải. Lững thững bước ra sân, chớp mắt liên hồi mấy cái, Tràng “bỗng vừa chợt nhận ra quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới lạ". Quả thực, mọi thứ xung quanh hắn thay đổi nhưng chính hắn cũng có những đổi thay to lớn ở bên trong. Mẹ hắn đang rẫy cỏ ngoài vườn. Vợ hắn quét sân, tiếng chổi kêu sàn sạt, “cảnh tượng thật đơn giản bình thường nhưng đối với hắn lại rất thắm thìa, cảm động". Thật là một cảm nhận sâu sắc và tinh tế những tưởng sẽ không thể có ở một người đàn ông vụng về, thô mộc như Tràng.
- Bỗng nhiên, “hắn thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hăn lạ lùng”. Giờ thì hắn đã có một gia đình, hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Lần đầu tiên người đàn ông nghèo khổ ấy nhận thấy cái nhà là tổ ấm, một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Tràng đã trở nên sâu sắc hơn rất nhiều sau khi có vợ. Lần đầu tiên, người đàn ông nghèo khổ, sống như loài cỏ mọc hoang ấy có ý thức về bổn phận với gia đình. Đó là một biểu hiện về sự trưởng thành trong suy nghĩ, chính tỏ Tràng đã thực sự “nên người”.
- Trong bữa cơm gia đình đầu tiên từ khi có vợ, Tràng vâng dạ với bà cụ Tứ “rất ngoan ngoãn”. Thái độ của hắn góp phần tạo nên không khí đầm ấm hòa hợp của gia đình. Và miếng cháo cám bà cụ Tứ đưa vào miệng, mặt Tràng chun lại “miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”. “Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”.
- Đúng lúc ấy, ngoài đình dội lên một hồi trống dồn dập. Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Hắn nghĩ đến những người đi phá kho thóc Nhật. Nhớ lại lúc đó, “tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ, ngẩn ngơ”. Có lẽ hắn tiếc tại sao mình không nhập vào đám người đó. Tác phẩm khép lại khi trong óc Tràng vẫn thấy “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.
=> Tóm lại, nhân vật chính của câu chuyện "nhặt" được vợ, Tràng, đã được Kim Lân khắc họa sinh động trong đoạn trích. Niềm hạnh phúc to lớn khi có vợ, có gia đình đã khiến hắn có nhiều thay đổi, trở nên tinh tế, sâu sắc hơn. Tâm trạng cảm xúc của Tràng còn tạo nên màu sắc lạc quan cho tác phẩm.
b/ Vợ Tràng:
- Sáng ngày đầu tiên ở nhà chồng, trong vai trò của một nàng dâu mới, người đàn bà dậy sớm thu dọn, quét tước nhà cửa sạch sẽ gọn gàng: đem quần áo ra sân hong, kín đầy hai ang nước, dọn sạch đống mùn trên lối đi ... thị tỏ ra là một người vợ đảm đang, chăm chỉ, biết vun vén cho gia đình. Sự thay đổi ở người đàn bà rõ rệt đên mức Tràng cũng nhận thây “nom thị hôm nay khác lăm” hiền hậu đúng mức, không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn giống như khi Tràng gặp thị ở ngoài tỉnh. Sự xuất hiện của người đàn bà đã khiến ngôi nhà của Tràng tràn ngập niềm vui.
- Nhận bát cháo cám từ tay mẹ chồng, lúc đầu mắt người đàn bà tối lại nhưng rồi thị điềm nhiên và vào miệng dù miếng cám đắng chát và nghẹn bứ. Cử chỉ rất nhỏ này thể hiện nét đẹp ở người đàn bà: giàu đức hy sinh, lòng vị tha. Thị đã nuốt vào lòng những tủi cực cay đắng để thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với mẹ chồng.
=> Tóm lại, nếu lúc trước: sự nghèo khổ biến người đàn bà thành chao chát, chỏng lỏn thì lúc này thị trở lại đúng với bản chất của mình, một người đàn bà hiền hậu đúng mực, đảm đang, hiếu thảo.
3/ Đánh giá:
- Đoạn văn không dài nhưng đã khắc họa nổi bật được tính cách của các nhân vật trong tác phẩm. Qua đó, Kim Lân bộc lộ tài năng xây dựng nhân vật của mình. Cùng một cảnh huống, cùng chung tâm trạng vui sướng hạnh phúc xen lẫn tủi hờn ... nhưng mỗi nhân vật có cách biểu lộ cảm xúc riêng. Sự am hiểu tâm lý con người đã giúp ông có được những trang văn chân thực và cảm động.
- Ngôn ngữ giản dị mộc mạc mà tinh tế của Kim Lân cũng góp phân không nhỏ vào thành công của đoạn văn cũng như tác phẩm.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT Chuyên Sư phạm - ĐHSPHN - lần 2