( 5 điểm) Cảm nhận của anh/chị về hai đoạ...
Câu hỏi: ( 5 điểm) Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:Rải rác biên cương mồ viễn xứChiến trường đi chẳng tiếc đời xanhÁo bào thay chiếu anh về đấtSông Mã gầm lên khúc độc hành. (Tây Tiến – Quang Dũng)Có biết bao người con gái con traiTrong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổiHọ đã sống và chếtGiản dị và bình tâmKhông ai nhớ mặt đặt tênNhưng họ đã làm ra Đất Nước(Đất Nước– trích trường ca Mặt đường khát vọng,Nguyễn Khoa Điềm)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
* Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận văn học. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, trình bày,...
* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
- Tây Tiến của Quang Dũng và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là những bài thơ đặc sắc trong nền thơ cách mạng Việt Nam. Hai tác phẩm này đã nói về những con người vô danh lặng thầm chiến đấu bảo vệ quê hương. Mỗi bài thơ đều để lại những cảm xúc, suy tư sâu lắng trong lòng người đọc. Trong đó có những câu thơ rất đặc sắc:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
……………………………….”
Và:
“Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
2. Phân tích
2.1: Cảm nhận về hai đoạn thơ
a. Tây Tiến
* Về nội dung:
Đoạn thơ đem đến cho ta cảm nhận về những khó khăn, thiếu thốn, sự hi sinh của những người lính nơi biên cương xa xôi, lạnh lẽo. Nhưng với việc sử dụng rất nhiều từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, cái chết được bao bọc trong ý nghĩa thiêng liêng hừng hực hào khí kiêu hùng. Lời thơ còn vang lên thành lời thề sông núi, cả thế hệ sẵn sàng Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Nhà thơ đã khắc hoạ thành công vẻ đẹp bi tráng và sự bất tử của người lính Tây Tiến.
*Về nghệ thuật:
- Đoạn thơ sử dụng kết hợp hài hoà bút pháp tả thực với bút pháp lãng mạn, từ Hán Việt với từ thuần Việt, ngôn từ giàu hình ảnh, giàu tính biểu cảm.
- Cảm xúc của nhà thơ rất chân thành; giọng điệu thơ có chút xót xa nhưng nổi bật là sự dứt khoát, mạnh mẽ làm nên sự bi tráng trong cái chết của người lính Tây Tiến.
b. Đất Nước
* Về nội dung:
Nghĩ về bốn ngàn năm của đất nước, nhà thơ đã nhận thức được một sự thật đó là: người làm nên lịch sử không chỉ là những anh hùng nổi tiếng mà còn là những con người vô danh bình dị. Họ đã sống và chết, không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng tất cả, họ đều có công làm ra Đất Nước. Họ là biết bao người con gái con tra,i cần cù làm lụng chăm lo cho cuộc sống, vun vén cho gia đình khi đất nước hoà bình, nhưng họ đã sẵn sàng dâng hiến tuổi xanh, hiến dâng thân mình khi tổ quốc kêu gọi. Họ đã làm một cuộc chạy tiếp sức đầy nhọc nhằn, gian khó để dựng xây và bảo vệ, vun đắp và gìn giữ Đất Nước cho chúng ta hôm nay.
*Về nghệ thuật:
- Từ họ được điệp lại có tác dụng ngợi ca vai trò to lớn của nhân dân.
- Thể thơ tự do với những câu thơ co duỗi nhịp nhàng, linh hoạt gợi về quá trình lịch sử đầy gian khổ của Đất Nước, gợi về sự hi sinh vĩ đại của nhân dân ta.
- Giọng điệu thơ như những lời tâm tình nhắn nhủ tuổi trẻ và tự nhận thức chính mình về vai trò, trách nhiệm đối với Đất Nước.
- Ý thơ chính luận được viết ra bằng lời thơ giản dị, giọng thơ tâm tình nên rất mềm mại, không khô cứng như một lời giáo huấn.
2.2: So sánh hai đoạn thơ
*Tương đồng:
- Hai đoạn thơ đều nói tới sự hi sinh thầm lặng của những người anh hùng vô danh để “làm nên Đất Nước muôn đời”.
- Hai đoạn thơ đều được viết ra bởi sự yêu thương, trân trọng, biết ơn của các tác giả - những người đang sống trong những giai đoạn lịch sử gian khổ mà hào hùng.
*Khác biệt:
- Đoạn thơ trong bài Tây Tiến được viết trong những năm đầu của thời kì kháng chiến chống Pháp với nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội, bằng kí ức về một thời oanh liệt của người trong cuộc. Đoạn thơ được viết bằng cảm xúc mãnh liệt chân thành, sự kết hợp bút pháp tả thực và lãng mạn.
- Đoạn thơ trong đoạn trích Đất Nước được viết trong năm cuối của thời kì kháng chiến chống Mĩ. Trong cuộc kháng chiến, chúng ta có nhiều thắng lợi vẻ vang nhưng vận nước vẫn rất mong manh. Lúc này cần sự đóng góp của tất cả mọi lực lượng. Đoạn thơ này nhằm thức tỉnh tuổi trẻ về trách nhiệm đối với Đất Nước – cũng là một cách kêu gọi tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ.
- Đoạn thơ trong bài Tây Tiến được viết bằng thể thơ thất ngôn, có sử dụng nhiều từ Hán Việt trang trọng với giọng điệu thơ dứt khoát, mạnh mẽ, âm hưởng hào hùng để tô đậm hiện thực khốc liệt của chiến tranh và khẳng định sự bất tử của người chiến sĩ vô danh.
- Đoạn thơ trong Đất Nước được viết bằng thể thơ tự do, giọng điệu trò chuyện tâm tình, từ ngữ giản dị, gần gũi nhằm khẳng định vai trò to lớn của nhân dân vô danh.
=> Lí giải sự khác biệt: do sự khác nhau trong phong cách sáng tác của mỗi nhà thơ và cũng là do yêu cầu của sáng tạo văn học nghệ thuật.
3: Tổng kết
Đánh giá chung về giá trị hai đoạn thơ và tài năng nghệ thuật của hai tác giả
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn trường THPT Đồng Đậu - Vĩnh Phúc - lần 3 - Đề 2 - năm 2017 ( có lời giải chi tiết)