Dựa vào Atlá
Câu hỏi: Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy chứng minh rằng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế phát triển một nền kinh tế với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
a) Vị trí địa lí
- Phía bắc giáp các tỉnh phía nam Trung Quốc, giao lưu thuận lợi bằng đường bộ và đường sắt qua các cửa khẩu: Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Mường Khương (Lào Cai),...
- Phía tây giáp Thượng Lào, vùng có tiềm năng lâm nghiệp lớn nhất nước Lào.
- Phía đông giáp Biển Đông có tiềm năng phát triển du lịch, giao thông, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
- Phía nam giáp Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Giao lưu dễ dàng với Đồng bằng sông Hồng bằng đường ô tô, đường sắt, nhất là vùng Đông Bắc. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tiềm năng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và nguồn lao động lớn nhất cả nước.
b) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
- Địa hình: khá đa dạng, có sự khác biệt giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc.
+ Tây Bắc núi non hiểm trở, có dãy Hoàng Liên Sơn cao nhất nước ta, chạy theo hương tây bắc - đông nam, là bức tường chắn gió mùa Đông Bắc.
+ Đông Bắc núi thấp và đồi, với các dãy núi hình cánh cung (Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều) đã tạo điều kiện cho các khối không khí lạnh xâm nhập sâu vào nội địa.
Sự đa dạng về địa hình tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều ngành sản xuất như nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), lâm nghiệp, ngư nghiệp và du lịch.
- Đất đai:
+ Chủ yếu là đất feralit phát triển trên đá phiến, đá vôi và các đá mẹ khác, thích hợp để trồng cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là chè, cây dược liệu quý (tam thất, đương quy, đỗ trọng, hồi, thảo quả,...), cây công nghiệp hàng năm (đậu tương, bông, lạc, thuốc lá), trồng rừng.
+ Đất phù sa ở dọc các thung lũng sông và các cánh đồng ở miền núi như Than Uyên, Nghĩa Lộ, Điện Biên, Trùng Khánh,... có thể trồng cây lương thực.
- Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện địa hình vùng núi. Vì thế, ở đây có điều kiện phát triển các cây công nghiệp cận nhiệt, rau quả ôn đới, các cây đặc sản.
- Tài nguyên nước: là nơi bắt nguồn của nhiều con sông hoặc ở thượng lưu các sông lớn nên có tiềm năng lớn về thủy điện. Hệ thống sông Hồng (11 triệu kW) chiếm hơn 1/3 trữ năng thủy điện của cả nước. Giao thông thủy có thể thực hiện thuận lợi giữa vùng trung du với Đồng bằng sông Hồng.
- Tài nguyên sinh vật:
+ Diện tích rừng còn tương đối nhiều, trong rừng có nhiều loài gỗ quý, chim thú quý, nhiều lâm sản dưới tán rừng (không kể gỗ). Rừng ở đây ngoài giá trị kinh tế còn tác dụng hạn chế lũ quét, chống xói mòn đất. Trung du và miền núi Bắc Bộ có các vườn quốc gia: Bái Tử Long (Quảng Ninh), Ba Bể (Bắc Kạn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang), Xuân Sơn (Phú Thọ), Hoàng Liên (Lai Châu, Lào Cai).
+ Trên các cao nguyên ở độ cao 600 - 700m có nhiều đồng cỏ, có thể phát triển chăn nuôi trâu, bò (lấy thịt và lấy sữa), ngựa, dê.
+ Vùng biển Quảng Ninh có ngư trường vịnh Bắc Bộ. Ven bờ và các đảo có khả năng nuôi trồng thủy sản.
- Tài nguyên khoáng sản:
+ Là vùng giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta.
+ Khoáng sản năng lượng (nhiên liệu):
* Than tập trung ở Quảng Ninh (trữ lượng khoảng 3,6 tỉ tấn), chiếm 90% trữ lượng than cả nước, chủ yếu là than antraxit với chất lượng vào loại tốt nhất ở vùng Đông Nam Á.
* Ngoài ra còn có các mỏ than khác:
· Than nâu: Na Dương (Lạng Sơn).
· Than mỡ: Phấn Mễ (Thái Nguyên), Quỳnh Nhai (Điện Biên), Sơn Dương (Tuyên Quang).
+ Khoáng sản kim loại:
* Kim loại đen:
· Sắt: Tùng Bá (Hà Giang), Trại Cao (Thái Nguyên), Trấn Yên (Yên Bái), Văn Bản (Lào Cai).
· Mangan: Tốt Tát (Cao Bằng), Tuyên Quang.
· Titan: Sơn Dương (Tuyên Quang).
* Kim loại màu:
· Chì - kẽm: Chợ Đồn (Bắc Kạn), vùng mỏ Sơn Dương (Tuyên Quang).
· Thiếc: Tĩnh Túc (Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang).
· Đồng: Sinh Quyền (Lào Cai), Yên Châu (Sơn La), Sơn Động (Bắc Giang).
· Vàng: Na Rì (Bắc Kạn), Sơn La,...
· Bôxit: Cao Bằng, Lạng Sơn.
· Đất hiếm: Lai Châu.
+ Khoáng sản phi kim loại:
· Apatit: Cam Đường (Lào Cai). Mỗi năm khai thác khoảng 600 nghìn tấn quặng để sản xuất phân lân.
· Pirit: Phú Thọ.
· Phốtphorit: Hữu Lũng (Lạng Sơn).
· Đá quý: Lục Yên (Yên Bái).
· Đá vôi: Hà Giang, Sơn La,...
- Tài nguyên du lịch tự nhiên rất phong phú:
+ Du lịch núi: Lạng Sơn, Sa Pa, Ba Bể,...
+ Du lịch biển: Có các bãi lắm đẹp như Trà Cổ, Bãi Cháy (Quảng Ninh). Vịnh Hạ Long đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
c) Điều kiện kinh tế - xã hội
- Dân cư và nguồn lao động:
+ Dân số: hơn 12 triệu người (năm 2006), chiếm 14,2% số dân cả nước. Mật độ dân số ở miền núi 50 - 100 người/km2, ở trung du 100 - 300 người/km2.
+ Đây là vùng có nhiều dân tộc ít người, đồng bào có kinh nghiệm trong sản xuất và chinh phục tự nhiên.
+ Là vùng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có di tích lịch sử Điện Biên Phủ.
- Cơ sở vật chất - kĩ thuật:
Bước đầu đã xây dựng được kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho các ngành kinh tế: thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Nậm Mu, nhiệt điện Uông Bí, hóa chất Việt Trì - Lâm Thao, gang thép Thái Nguyên, chế biến chè ở Mộc Châu (Sơn La), Thái Nguyên, Yên Bái.
- Chính sách:
+ Chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của Nhà nước.
+ Chính sách giao đất giao rừng, khoán 10 trong nông nghiệp.
+ Phân bố lại dân cư và lao động.
+ Phát triển các ngành công nghiệp dựa trên thế mạnh của vùng.
Như vậy, với tiềm năng phong phú và da dạng, Trung du và miền núi Bắc Bộ có đủ điều kiện để phát triển một nền kinh tế với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Giải Địa lý 12: Trung du và miền núi Bắc Bộ có đáp án !!