Anh chị hãy phân tích làm nổi bật vẻ đẹp sử thi củ...
Câu hỏi: Anh chị hãy phân tích làm nổi bật vẻ đẹp sử thi của hình tượng Tnú trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành (Sách giáo khoa Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục, 2008)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1.Giới thiệu chung
- Tnú là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.Tác phẩm được sáng tác năm 1965, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đọan quyết liệt.
- Hình tượng nhân vật Tnu mang đậm dấu ấn của văn học 45-75 đó là vẻ đẹp sử thi. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho số phận đau thương và phẩm chất kiên cường , bất khuất của nhân dân làng Xô Man ở Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
2. Phân tích
a. Từ nguyên mẫu ngoài đời đến ý đồ nghệ thuật
- Nguyên mẫu hình tượng người anh hùng Tnu qua lời kể của Nguyễn Trung Thành: đó là anh Đề, người Xê-đăng. Theo nhà văn, vì cái tên Đề có vẻ giống tên người Kinh nên khi đưa vào tác phẩm, ông đã đổi thành tên Tnu cho có không khí Tây Nguyên hơn.
- Tnu là nhân vật trung tâm, là linh hồn của truyện ngắn Rừng xà nu được tác giả khắc họa bằng bút pháp sử thi: nghĩa là Nguyễn Trung Thành không quan sát từ góc nhìn đời tư mà xuất phát từ vấn đề cộng đồng để miêu tả cuộc đời Tnu. Điều này khiến bản lí lich của Tnu trở thành bản lí lịch chung của dân tộc Xô-man. Tnu cũng mang trong mình những phẩm chất cao đẹp của con người Xô-man – Tây Nguyên kiên cường, bất khuất, trung thực và giàu lòng yêu thương.
b. Khi còn nhỏ, Tnu là một tiểu anh hùng
- Tnu là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên bên ngọn lửa xà nu, trong sự đùm bọc che chở của cộng đồng Xô-man. Nguồn gốc xuất thân của Tnu mang đặc điểm loại hình của nhân vật sử thi – đó là những con người thuộc về cộng đồng, tiêu biểu cho dân tộc và thời đại. Tnu là người anh hùng được hun đúc lên từ tinh thần Xô-man, từ dòng máu thuần khiết của con người Tây Nguyên, bất khuất, được truyền lại từ đời Đăm Săn, Xinh Nhã…
- Tnu được miêu tả như một tiểu anh hùng, tức là không có chuyện đánh quay, thả diều, bắt dế… Tnu không sống tuổi thơ bình thường mà sống tuổi thơ phi thường, đầy ắp chuyện chiến đấu và chiến công. Ngay từ nhỏ, Tnu đã mang trong mình phẩm chất can trường, lanh lợi và sớm giác ngộ cách mạng.
+ Trong thời kì Mĩ Diệm khủng bố cách mạng, người dân Xô-man dưới sự lãnh đạo của cụ Mết đã không quản hi sinh mất mát, đi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong rừng. Ban đầu, nhiệm vụ này được giao cho thanh niên, giặc bắt anh Xút treo cổ lên cây vả đầu làng; lại được giao cho ông già bà già, chúng chặt đầu cột tóc treo bắn súng bà Nhan. Trước hành động dã man của giặc, người Xô-man không nản lòng nhụt chí, nhiệm vụ đi nuôi giấu cán bộ tiếp tục được giao cho những đứa trẻ, trong đó Tnu và Mai là những người hăng hái nhất. Có lần anh Quyết hỏi Tnu Các em không sợ bị giặc bắt à? Nó giết như anh Xút, bà Nhan đó. Tnu chỉ nhắc lại lời cụ Mết dạy cho anh Quyết nghe Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn.
+ Sự gan góc, trung thực của con người Tây Nguyên biểu hiện rõ nhất qua chi tiết Tnu học chữ. Để trừng trị tội hay quên của mình, Tnu lấy đá đập vào đầu, khiến máu chảy ròng ròng. Đây là chi tiết thể hiện nét riêng trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành. Ông luôn đẩy cái bình thường lên mức phi thường để diễn tả vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẻ đẹp mang tính sử thi.
_ Tnu học chữ hay quên nhưng khi đi đường rừng, liên lạc tiếp tế cho cán bộ cách mạng thì cái đầu lại sáng lạ thường. Giặc vây giáp phục kích, Tnu trèo lên cây cao, nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi, qua sông không lội chỗ nước êm mà cưỡi lên những con thác băng băng như cá kình. Bằng lòng quả cảm, gan góc phi thường, Tnu đã chế ngự được sự dữ dội, linh thiêng của núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn.
_ Một lần vượt sông Đắc Năng, Tnu bị giặc phục kích và bị bắt, anh chỉ kịp nuốt lá thư vào bụng. Giặc tra tấn Tnu và hỏi cộng sản ở đâu, Tni chỉ vào bụng mình mà thách thức “Cộng sản ở đây này”. Hành động này mang sức mạnh và niềm kiêu hãnh của người anh hùng nhỏ tuổi khi được tham gia vào việc đánh giặc giải phóng quê hương. Dẫu câu trả lời kiên cường ấy làm cho trên lung Tnu xuất hiện những vết dao chém của kẻ thù, tím lại như nhựa xà nu nhưng đã làm sáng tỏ bản chất người anh hùng “uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di”.
c. Lúc trưởng thành, Tnu có một tình yêu lớn lao, sâu sắc đối với gia đình, quê hương, xứ sở và lòng căm thù giặc mãnh liệt cùng một khí phách phi thường
* Tnu vượt ngục trở về làng (tình yêu quê hương, xứ sở)
- Chịu đựng trong trại giam của giặc 3 năm, Tnu vượt ngục trở về. Lúc này, Tnu đã trưởng thành. Anh giống một cây xà nu cường tráng, chứa đầy trong lồng ngực Tnu là sức mạnh mênh mông, hoang dại của núi rừng.
- Về làng Xô-man khi anh Quyết đã hi sinh, đi theo đường lối lãnh đạo của Đảng, Tnu và cụ Mết đã lãnh đạo dân làng Xô-man mài giáo mác đứng lên kháng chiến. Anh trở thành chỉ huy trưởng đội du kích làng Xô-man, khiến bọn giặc, nhất là thằng Dục lồng lộn gầm thét Con cọp đó mà không giết được, nay nó làm loạn rừng núi này rồi.
* Mối tình đượm màu bi tráng với Mai (gia đình)
- Tnu vượt ngục trở về làng và gặp lại Mai, từ tình bạn thuở thiếu thời, bây giờ giữa Tnu và Mai có một tình yêu đẹp. Mai là một cô gái Strá xinh đẹp, dịu dàng và dũng cảm. Tình yêu của họ như ánh trăng rằm chiếu rọi trên đỉnh núi Ngọc Linh. Tnu và Mai có một đứa con trai kháu khỉnh, hứa hẹn một tương lai hạnh phúc, tốt đẹp. Khi đứa con chào đời, không đi Kon Tum mua vải được, Tnu đã xé tấm dồ của mình làm địu cho con với tất cả tình yêu thương của một người cha.
- Vậy mà quân giặc tàn ác đã phá vỡ tất cả. Thằng Dục ở đồn Bắc Hà dẫn một tiểu đội lính giặc về đàn áp cách mạng Xô-man. Tnu, cụ Mết và đám thanh niên trốn vào trong rừng. Không bắt được Tnu, chúng bắt Mai và đứa con vì thằng Dục bảo “bắt cọp cái và cọp con, cọp đực sẽ trở về”.
- Một thằng giặc cao lớn dùng gậy sắt tra tấn mẹ con Mai. Tiếng gậy sắt nện trên hai thân hình nhỏ bé thật man rợ. Chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn, tâm trạng Tnu được miêu tả xúc động, anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy, cụ Mết can ngăn nhưng nhìn thấy chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn. Đó là chi tiết dữ dội mà bi thương. Lòng căm thù đã đốt cháy hai con mắt Tnu. Mặc dù chỉ có hai bàn tay không nhưng bản năng yêu thương đã trỗi dậy, Tnu xông ra cứu vợ con.
* Tnu không cứu được vợ con vì trong tay anh không có một vũ khí
- Anh bị bắt, chúng cuộn giẻ vào mười đầu ngón tay anh, tẩm nhựa xà nu và đốt thành mười ngọn đuốc nhỏ. Đây là hình ảnh sáng tạo, không dễ sinh ra hai lần trong một đời văn:
+ Bàn tay Tnu bốc cháy tố cáo tội ác dã man của quân giặc. Chúng thâm hiểm, độc ác, dùng vật thân thiết nhất với người Xô-man là xà nu để tra tấn anh.
+ Hình ảnh này còn cho thấy sự dũng cảm, can trường và khí phách lẫm liệt của người anh hùng Tnu. Lửa có thể cháy trên mười đầu ngón tay nhưng không thể thiêu đôt được ý chí của anh. Tnu nghe lửa cháy trong lồng ngực, máu mặn chát ở đầu lưỡi. Nhưng anh không thèm kêu văn vì nhớ lời anh Quyết “Người cộng sản không thèm kêu van”.
+ Khi Tnu thét lên một tiếng dữ dội, cũng là lúc nhà ưng ào ào chuyển động, tiếng cụ Mết như ra lệnh “Chém, chém hết!” Nỗi đau trên mười ngọn đuốc nhỏ ở bàn tay Tnu trở thành sức mạnh đồng khởi của làng Xô-man. Xác mười tên giặc ngổn ngang quanh đống lửa.
*Vượt qua bi kịch cá nhân, Tnu trở thành người chiến sĩ có tinh thần kỉ luật cao cùng một tinh thần chiến đấu quả cảm vô song. Trái tim Tnu vừa sục sôi căm giận, vừa giàu lòng yêu thương
- Bị kẻ thù cướp mất gia đình và đôi bàn tay, Tnu rơi vào số phận bi thảm của con người do tội ác chiến tranh. Tuy vậy, anh không đầu hàng số phận, anh đã vươn lên, tình nguyện đi bộ đội, trả thù cho gia đình và bảo vệ quê hương. Anh đã từng xông xuống hầm giặc, không dùng súng, dao, dùng hai bàn tay với mười ngón cụt mất một đốt bóp cổ thằng chỉ huy đến chết. Với Tnu “Chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục”. Tnu đi đánh giặc với ý thức “đi trả thù mà không sợ dài lâu” (Nguyễn Khoa Điềm)
- Bên cạnh đó, Tnu còn là người có lòng yêu thương đúng như lời cụ Mết nhận xét “Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Lòng yêu thương của nh như rễ cây xà nu ăn sâu bám chặt vào lòng đất rừng Tây Nguyên. Trên quãng đường tham gia chiến đấu, Tnu vẫn ôm ấp hình ảnh quê nhà: anh yêu con suối mát trong đầu làng, nhớ day dứt tiếng chày giã gạo của người phụ nữ Strá, tiếng chày giã gạo gợi bóng dáng tần tảo của mẹ và vợ anh. Vì căm giận mà Tnu đi đánh giặc, vì yêu thương nơi chôn rau cắt rốn mà anh trở về thăm làng chỉ một đêm thôi rồi anh lại ra đi với bao lưu luyến. Tnu vừa phi thường mà lại nhân hậu đời thường.
- Yêu thương càng nồng nàn thì căm thù càng sâu sắc.
Tnu mang trong mình 3 mối thù lớn:
- Mối thù của bản thân: Sau mỗi lần bị giặc tra tấn -> để lại dấu tích trên người anh: + lưng anh vẫn còn những vết sẹo chẳng chịt + mười đầu ngón tay anh ngón nào cũng bị cụt mất một đốt.
- Mối thù của gia đình: anh phải tận mắt chứng kiến cảnh của vợ con bị tra tấn đến chết.
- Mối thù của dân làng: cùng với người Xô Man bị sát hại là cả cánh rừng xà nu bị tàn phá nặng nề…
=>Từ khối thù lớn đã thôi thức tinh thần chiến đấu của T nú
* Hình tượng đôi bàn tay mang tính cách và dấu ấn cuộc đời.
Khi còn nguyên vẹn lành lặn.
- Bàn tay cầm phấn viết chữ ->để mở đường đến với lí tưởng cách mạng -> con đường đến với cán bộ cách mạng.
- Cầm đá đập đầu mình chảy máu để tự chừng phạt mình.
- Chỉ tay vào bụng nói: “Cộng sản ở đây” ->bàn tay chung thành.
- Bàn tay yêu thương: nắm lấy tay Mai.
- Bàn tay chất chứa căm hờn: bíu chặt gốc cây và bứt đứt hàng chục trái vải….
ü Khi bị hủy hoại.
- Bàn tay đau đớn và tật nguyền.
- Bàn tay khơi dậy lòng căm thù và dũng khí giết giặc.
- Bàn tay trừng phạt, quả báo.
=>Qua hình ảnh đôi bàn tay Nguyễn Trung Thành viết lên số phận, tâm hồn, con đường đi của cả cộng đồng Tây Nguyên.
* Hình tượng Tnú điển hình cho con đường đấu tranh cách mạng của người dân Tây Nguyên, làm sáng tỏ chân lí của thời đại chống Mĩ, chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.
- Bi kịch của Tnú khi chưa cầm vũ khí: Không bảo vệ, cứu được vợ con.
- Khi cầm vũ khí đứng lên -> tâm thế chủ động đi tìm giặc, chủ động nghênh tiếp những đợt tấn công của kẻ thù.
=> Chân lí của thời đại đánh Mĩ: Chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo -> phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng ->muốn giành tự do thì chỉ có con đường duy nhất là đấu tranh vũ trang.
d. Nhận xét
Hình tượng nhân vật Tnu mang đậm vẻ đẹp sử thi, vẻ đẹp anh hùng cách mạng của con người Việt Nam thời chống Mĩ:
Số phận của Tnu gắn với những biến cố lớn của làng Xô-man
- Là người con ưu tú của làng Xô-man, khi kẻ thù giày xéo quê hương, Tnu phải chịu nhiều đau thương, mất mát, tiêu biểu cho nỗi đau thương của cộng đồng, dân tộc.
- Khi được giác ngộ cách mạng và vùng lên quật khởi, quá trình trưởng thành của Tnu cũng rất điển hình cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên. Từ cuộc đời của Tnu và dân làng Xô-man, cụ Mết khẳng định: Phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Bạo lực cách mạng là con đường duy nhất của người dân miền Nam trước kẻ thù Mĩ – Diệm. “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Chân lí này được trả bằng máu và nước mắt của một dân tộc, của một người anh hùng chứ không phải giản đơn là một khẩu hiệu vồn vã.
Những nét đẹp tâm hồn mang tầm vóc anh hùng của Tnu tiêu biểu cho con người Việt Nam thời chống Mỹ
- Có niềm tin trong sáng, sắt đá vào chân lí cách mạng.
- Có tình yêu lớn lao, sâu sắc với gia đình, quê hương, xứ sở và lòng căm thù giặc mãnh liệt.
- Có một khí phách phi thường, một tinh thần quả cảm vô song.
ü Nhân vật Tnu được khắc họa bằng nghệ thuật mang đậm chất sử thi
- Không khí truyện được dựng lên giống các cuộc kể khan truyền thống của các già làng thuở trước. Lối viết truyện viết hiện đại đan trộn nhiều yếu tố sử thi dân gian, khiến một nhân vật thời chống Mỹ lại phảng phất hình bóng những anh hùng sửu thi cổ đại.
- Bút pháp nghệ thuật có sự kết hợp giữa tả thực và biểu tượng. Nhan vật Tnu gắn liền với một biểu tượng về sự sống bất diệt của người Tây Nguyên, đó là cây xà nu.
- Đặc biệt hình ảnh đôi bàn tay Tnu được miêu tả như một biểu tượng độc đáo cho cuộc đời , số phận và tính cách nhân vật. Bàn tay nhỏ mà mang ý nghĩa lớn, nó chứa đựng cuộc đời của một người anh hùng. Vẻ đẹp sử thi của hình tượng đôi bàn tay khiến nhân vật Tnu gánh nặng sản phẩm lịch sử, mang trong mình tất cả những bi tráng của thời đại.
- Tạo nên vẻ đẹp sử thi của hình tượng Tnu còn ở giọng điệu trần thuật của truyện ngắn trang trọng, hào hùng, ngôn ngữ đầy chất tạo hình và chất thơ.
Nhân vật Tnu đạt đến vẻ đẹp lí tưởng, kết tinh tâm hồn, số phận cũng như phẩm chất của người Xô-man nói riêng, con người Việt Nam nói chung. Cuộc đời anh trở thành bài ca không quên ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam thời chống Mỹ. Tnu, người anh hùng với vẻ đẹp sử thi huyền thoại sẽ còn để lại trong lòng người đọc nhiều bài học nhân sinh sâu sắc.
3. Tổng kết
Nhân vật Tnu đạt đến vẻ đẹp lí tưởng, kết tinh tâm hồn, số phận cũng như phẩm chất của người Xô-man nói riêng, con người Việt Nam nói chung. Cuộc đời anh trở thành bài ca không quên ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam thời chống Mỹ. Tnu, người anh hùng với vẻ đẹp sử thi huyền thoại sẽ còn để lại trong lòng người đọc nhiều bài học nhân sinh sâu sắc.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Rừng xà nu_Đề 2