(5,0 điểm)Thí sinh chỉ được chọn...
Câu hỏi: (5,0 điểm)Thí sinh chỉ được chọn và làm một trong hai câu 3a hoặc 3b.Câu 3a: Cho đoạn thơ sau đây:Ta làm con chim hótTa làm một cành hoaTa nhập vào hòa caMột nốt trầm xao xuyếnMột mùa xuân nho nhỏLặng lẽ dâng cho đờiDù là tuổi hai mươiDù là khi tóc bạc(Mùa xuân nho nhỏ, trích Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)Phân tích đoạn thơ làm nổi bật khát vọng cống hiến rất cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải đối với đất nước. Từ đó, liên hệ trong điều kiện hiện nay, mỗi học sinh cần phải làm gì để góp phần xây dựng quê hương, đất nước?Câu 3b: Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Từ nhân vật Phương Định em có suy nghĩ gì về lẽ sống của thế hệ thanh niên hiện nay
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
3a.
1. Giới thiệu chung
-Tác giả Thanh Hải tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng miền Nam ngay từ buổi đầu.
- Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết vào tháng 11/1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, thể hiện niềm yêu cuộc đời, đất nước thiết tha và ước nguyện của tác giả.
- Đoạn trích thuộc phần giữa tác phẩm, thể hiện ước muốn cao đẹp của nhà thơ.
2. Phân tích
a. Nội dung
- Muốn làm những việc hữu ích dâng hiến cho đời, bày tỏ qua những hình ảnh tự nhiên giản dị và đẹp. Đẹp, tự nhiên và giàu ý nghĩa vì nhà thơ đã lấy cái đẹp tinh túy của thiên nhiên để diễn tả vẻ đẹp của tâm hồn.
- Làm con chim hót giữa muôn vàn tiếng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, làm một cành hoa giữa vườn hoa xuân rực rỡ vô tư cống hiến hương sắc cho đời, làm một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân to lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Đầu bài thơ, tác giả khắc họa mùa xuân bằng bông hoa và tiếng chim hót. Cấu tứ lặp đi lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng mạnh mẽ. Hình ảnh chọn lọc trở lại đã mang một ý nghĩa lớn: mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên.
- Điệp từ “ta” như một lời khẳng định: Nó không chỉ là lời tâm niệm thiết tha, chân thành của nhà thơ mà còn đề cập đến một vấn đề lớn là khát vọng của nhiều người. Ước nguyện hóa thân vô cùng cháy bỏng, nhưng được tác giả âm thầm lặng lẽ dâng cho đời. “Nho nhỏ”, “lặng lẽ” là cách nói chân thành, giản dị, khiêm tốn, là cách sống cao đẹp
- Điệp từ “dù” khiến âm điệu câu thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được nhấn mạnh làm cho người đọc không chỉ xúc động trước một giọng thơ ấm áp mà còn xúc động trước lời tâm sự thiết tha của một con người đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến, đã cống hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp cho cách mạng vẫn thiết tha được sống đẹp, sống có ích với tất cả sức sống tươi trẻ của mình cho cuộc đời chung.
b. Nghệ thuật đặc sắc
- Thể thơ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.
- Hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt một số hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại, nâng cao và gây ấn tượng đậm đà.
- Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, chủ yếu dựa trên sự phát triển của hình tượng mùa xuân: từ mừa xuân đất trời -> đất nước -> con người.
- Giọng điệu bài thơ phù hợp với cảm xúc của tác giả: đoạn đầu vui, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân, thiên nhiên, rồi phấn chấn, hối hả trước khí thế lao động của đất nước. Cuối cùng là trầm lắng, hơi trang nghiêm mà thiết tha bộc bạch, tâm niệm.
3. Tổng kết
- Bài thơ thể hiện tâm hồn thơ Thanh Hải tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.
- Nội dung và nghệ thuật hài hòa làm nên sức hấp dẫn của bài thơ.
- Có giá trị thức tỉnh lớn lao với tâm hồn người đọc.
3b.
1. Giới thiệu chung
-Tác giả: sinh năm 1949, quê huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Mĩ, bà tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu viết văn từ năm 1970 (thế kỉ XX). Là cây bút chuyên viết truyện ngắn với đề tài chiến tranh, Lê Minh Khuê cũng như nhiều tác giả khác viết về cuộc sống và chiến đấu của thế hệ trẻ ở Trường Sơn. Sau năm 1975, cây bút có sự chuyển hướng, bám sát những chuyến biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
- Tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi sáng tác năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt
- Nhân vật Phương Định: là nhân vật chính, cũng là người kể chuyện, để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.
2. Phân tích
a. Trong cuộc sống đời thường
- Phương Định là một cô gái đáng yêu và khá xinh đẹp, vốn là một nữ sinh Hà nội xung phong vào chiến trường. Cô có một thời áo trắng ngây thơ, hồn nhiên vô tư lự bên người mẹ và căn phòng nhỏ gác hai đầy ắp những kỉ niệm thương yêu.
- Phương Định luôn tự hào về mình. Trong lời kể thể hiện sự hồn nhiên, lạc quan, vui vẻ. Thích ngắm mình trong gương vì biết mình đẹp với “hai bím tóc dày, mềm mại, cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, đôi mắt dài, màu nâu, nhìn xa xăm”. Cô gái ấy mê ca hát từ nhỏ và đem cả niềm say mê ấy vào chiến trường. Phương Định thích hát hành khúc bộ đội, những làn điệu dân ca quan họ, dân ca Nga, Ý, ‘có những lúc bịa cả lời để hát”. Tất cả thể hiện tâm hồn của một cô gái trẻ trung, thông minh và tinh nghịch.
- Thích ngồi bó gối mơ màng, những kỉ niệm của tuổi thơ hồn nhiên, êm đềm luôn sống trong kí ức của cô: người mẹ, gian phòng có cửa sổ nhỏ như mở rộng ra cả một thế giới đêm đêm để cô biết được “cái bao la và trong lành của đêm thành phố”. Tất cả những hoài niệm đó như những thước phim quay chậm trước mắt cô trong những phút giây yên tĩnh hiếm hoi giữa những trận bom. Chúng đã làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường.
- Cô có tâm hồn nhạy cảm, tỏ ra tế nhị, kín đáo tưởng như kiêu kì trước đám đông, được mọi người chú ý và yêu mến.
b. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt
- Trong bối cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, những tình cảm mới mẻ được hình thành nhưu tình đồng đội, đồng chí, tình bạn bè được cảm nhận bằng những nỗi niềm riêng. Phương Định yêu quý những người đồng đôi trong tổ và cả đơn vị của mình. Đặc biệt, cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những chiến sĩ đã từng đi qua trọng điểm vì với cô “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người bộ đội có ngôi sao trên mũ”.
- Đã có ít nhiều kinh nghiệm trong công việc vì đã sống ba năm ở chiến trường, dũng cảm, năng động. Mặc dù bị thương, vết thương chưa lành, cô vẫn làm nhiệm vụ. Một ngày có thể phá bom tới 5 lần, phải đối mặt với bao nhiêu nguy hiểm “Có ở đâu như thế này không? Đất bốc khói, không khí bang hoàng, thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng xung quanh còn nhiều quả bom chưa nổ.”
- Trong vai người kể chuyện, Phương Định nói về công việc của mình giản dị. Với cô, dường như mỗi lần phá bom là một lần thử thách lòng dũng cảm. Sự khốc liệt của chiến tranh làm cho tâm hồn Phương Định lớn lên, mạnh mẽ hơn.
- Đặc biệt, diễn biến tâm trạng của Phương Định khi phá bom được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ là thoáng qua trong chốc lát. Đây là công việc rất quen thuộc với tổ nữ thanh niên xung phong trinh sát mặt đường. Hơn ai hết, họ biết “Thần Chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom”. Mỗi lần phá bom, Phương Định vẫn có cảm giác hồi hộp, lo lắng, căng thẳng, vẫn nghĩ đến cái chết dù chỉ là “khái niệm mờ nhạt, không cụ thể”.
- Những cảm xúc và suy nghĩ của Phương Định khi phá bom đã truyền sang cho người đọc sự đồng cảm và lòng kính phục đối với cô nữ sinh hồn nhiên, giàu mơ mộng nhưng cũng thật quả cảm.
- Cơn mưa đá xuất hiện ở cuối truyện ngay sau trận phá bom đầy nguy hiểm đã đem đến cho Phương Định và đồng đội của cô những niềm vui thơ trẻ và nỗi nhớ cũng đột ngột ùa về. Nỗi nhớ không cụ thể “Nhớ một cái gì đấy hình như là mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”. Nỗi nhớ ấy chính là sự kết hợp giữa hiện tại và quá khứ, giữa hôm nay và khát vọng mai sau.
c. Nhận xét
- Tác giả kết hợp bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn để khắc họa chân dung nhân vật . Nó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Phương Định, tạo nên một âm hưởng giàu chất thơ. Trong hoàn cảnh chiến tranh, hiện thực kết hợp lãng mạn trong tâm hồn con người sẽ là một sức mạnh kì diệu làm nên chiến thắng.
- Thế giới tâm hồn Phương Định phong phú, đa dạng nhưng không hề phức tạp. Ở đó không có những day dứt, băn khoăn, ân hận hay hối tiếc khi phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh.
- Phương hướng sáng tác chủ đạo của tác giả trong kháng chiến chống Mỹ là thể hiện con người thiên về cái tốt đẹp, cao cả.
3. Tổng kết
- Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật Phương Định.
- Tài năng của tác giả.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - Sở GD& ĐT Sóc Trăng - năm 2016 - 2017