Anh (chị) hãy phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tư...
Câu hỏi: Anh (chị) hãy phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
+Vận dụng kiến thức đã học về tác giả, tác phẩm “Chữ người tử tù” để tạo lập văn bản nghị luận văn học.
+Sử dụng các phương pháp giải thích, phân tích, tổng hợp, so sánh,…
Giải chi tiết:
GIỚI THIỆU CHUNG
- Nguyễn Tuân là nhà văn có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, một người nghệ sĩ “suốt đời đi tìm cái đẹp”, phong cách nghệ thuật tài hoa độc đáo. Nhà văn có đóng góp đặc biệt ở thể loại tùy bút, bút kí.
- Tác phẩm “Chữ người tử tù” in trong tập “Vang bóng một thời” là kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước cánh mạng, một tác phẩm “đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ”. Nhân vật chính là Huấn Cao – một con người tài hoa, không chỉ có tài, Huấn Cao còn có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang bất khuất.
PHÂN TÍCH
Vẻ đẹp Huấn Cao là vẻ đẹp lãng mạn, được lí tưởng hóa, được thể hiện một cách khác thường trong hoàn cảnh tưởng như không thể nào xảy ra được. Huấn Cao hiện lên một cách rực rỡ, sáng chói nhờ được tô vẽ bằng hàng loạt sự tương phản gay gắt.
1. HUẤN CAO – MỘT NGHỆ SĨ THƯ PHÁP TÀI HOA
- Mở đầu tác phẩm, Huấn Cao chưa xuất hiện trực tiếp mà được thể hiện gián tiếp qua lời đồn đại, qua thái độ trầm trồ, ngưỡng mộ của thầy trò ngục quan: “tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, “văn võ đều có tài cả”, “chà chà!”.
- Qua sự khao khát của ngục quan: “có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”, bởi “chữ ông đẹp lắm, vuông lắm”.
- Được thể hiện trực tiếp qua lời Huấn Cao: “chữ thì quý thực”, “nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”.
-> Ca ngợi tài hoa của Huấn Cao, Nguyễn Tuân thể hiện sự kính trọng và ngưỡng mộ những con người tài hoa, sự trân trọng nghệ thuật thư pháp cổ truyền của dân tộc.
2. HUẤN CAO – KHÍ PHÁCH HIÊN NGANG, BẤT KHUẤT
- Huấn Cao không bị khất phục bởi quyền uy: Bước vào đề lao với thái độ ung dung tự tại, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, khinh bỉ bọn “tiểu nhân thị oai”, ngang nhiên “rỗ gông” đuổi rệp trước đám quân lính.
- Không thể mua chuộc được bằng vật chất: thản nhiên nhận rượu thịt và mắng đuổi ngục quan “ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt châ vào đây”.
- Giàu lòng tự trọng: không vì quyền lực hay tiền bạc mà ép mình cho chữ, chỉ cho chỗ tri kỉ “ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”, “tính ông vốn khoảnh”…
-> Nguyễn Tuân khẳng định khí phách, cốt cách một nhà nho, một người anh hùng “chọc trời khuấy nước”.
3. HUẤN CAO – THIÊN LƯƠNG TRONG SÁNG, KHÍ PHÁCH CAO CẢ
- Trước khi nhận ra tấm lòng ngục quan: ông có thái độ cao ngạo, coi thầy trò ngục quan chỉ là loại “tiểu nhân đắc chí”, “cặn bã”…
- Khi nhận ra tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của ngục quan: Huấn Cao ngạc nhiên, băn khoăn nghĩ ngợi, rồi ân hận vì đã vô tình: “thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”; quyết định cho chữ, coi quản ngục là người bạn tri kỉ.
- Nhân cách của Huấn Cao tỏa sáng chói lọi trong cảnh cho chữ - cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”, đó là sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện đối với cái ác, cái xấu; giữa bóng tối và ánh sáng; giữa những hôi hám bẩn thỉu với sự tinh khiết, thơm tho…
- Sau khi cho chữ, Huấn Cao còn khuyên bảo quản ngục những lời chân thành: “Tôi bảo thực đấy….hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ”, lời khuyên có giá trị cảm hóa sâu sắc.
ĐÁNH GIÁ CHUNG:
- Nguyễn Tuân xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao, vẻ đẹp toàn thiện, toàn mĩ.
- Qua đó nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và kín đáo bộc lộ tấm lòng yêu nước
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Học kì I_Đề 3 (có lời giải chi tiết)