(4,0 điểm) Về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô...
Câu hỏi: (4,0 điểm) Về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (sách Ngữ văn 12) có ý kiến cho rằng: Đó là một truyện ngắn thấm đẫm chất hiện thực. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là một tác phẩm giàu chất trữ tình. Từ cảm nhận của mình về tác phẩm, anh/chị hãy bình luận về các ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1. Khái quát: (0,5 điểm)
- Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật.
- "Vợ chồng A Phủ" (1952) trích trong tập "Truyện Tây Bắc" là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung
- “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn vừa có tính hiện thực, vừa là tác phẩm giàu chất trữ tình.
2. Cụ thể: (3,0 điểm)
a. Chất hiện thực: (1,5 điểm)
- Truyện phản ánh bộ mặt thật của xã hội phong kiến thực dân vùng Tây Bắc trước cách mạng tháng 8:
+ Thống lí là người đứng đầu bộ máy chính quyền ở các bản làng vùng dân tộc. Giàu có, lại dựa vào thế lực của Tây, cha con thống lí Pá Tra tha hồ tác oai tác quái ức hiếp dân lành. Bằng chính sách cho vay nặng lãi , chúng bóc lột người dân đến tận xương tủy.
+ Mị và A Phủ là nạn nhân trực tiếp của chính sách ấy. Chỉ vì món tiền cưới cha mẹ mà Mị đã phải bán mình làm dâu nhưng thân phận Mị không khác nào kẻ tôi đòi, làm việc không công đến suốt đời. Cái địa ngục khủng khiếp ấy đã biến Mị từ một cô gái trẻ trung, vui tươi, xinh đẹp, yêu đời thành “con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa”, thành “con trâu con ngựa trong chuồng”. Đối lập hoàn toàn với cuộc sống giàu sang phú quí ở nhà thống lí là hình ảnh Mị “ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa , cạnh tàu ngựa “ và “ lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, Mị cũng cúi mặt , mặt buồn rười rượi”.
Cường quyền và thần quyền nhà thống lí Pá Tra đã giết chết cô gái ấy cả thể xác lẫn tâm hồn. Cuộc sống câm lặng nhẫn nhục đã làm Mị chai sạn đi, trở thành cái xác không hồn vật vờ, thành một nữ cô chỉ biết làm việc không ngơi tay, thành kẻ hầu hạ cho chồng mình mà lúc nào cũng có thể bị đánh đập một cách tàn nhẫn không thương tiếc. Ý thức về cuộc sống trong Mị đã bị xóa sạch.
- Trong hoàn cảnh đó, người dân nghèo vẫn khao khát vươn lên cuộc sống tự do, bằng sức sống mãnh liệt của mình, bằng tình yêu thương những người cùng giai cấp, họ đã vượt thoát khỏi cuộc sống nô lệ, tìm đến cuộc sống tự do, đấu tranh cho hạnh phúc…: Mị có sức sống tiềm tàng, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt (cắt dây trói cứu A Phủ, hai người cùng chạy trốn, tham gia cách mạng…)
b. Chất trữ tình: (1,5 điểm)
- Tái dựng khung cảnh thiên nhiên và những phong tục tập quán đẹp ở vùng rẻo cao mỗi độ xuân về:
+ "Vợ chồng A Phủ" lấy bối cảnh là thiên nhiên rẻo cao Tây Bắc – 1 khung cảnh vô cùng nên họa nên thơ, được Tô Hoài triển khai 1 cách rất cá tính, rất sáng tạo. Nói đến thiên nhiên nơi đây là phải nói đến nơi có ngọn núi quanh năm ngập trong mây và sương mù; nơi có những cánh rừng bạt ngàn nương rẫy khi thì xanh mướt lúa ngô, khi thì sặc sỡ hoa thuốc phiện; nơi có những bản làng tụ quanh nguồn nước và dòng suối… Hàng ngày, từng đàn gia súc được lùa ra trên khắp bản làng.
+ Hình ảnh của người dân rẻo cao đi làm nương, đi hái củi, hái lá, trỉa bắp, chăn thả bò ngựa. Đời sống của họ lam lũ, vất vả nhưng nhịp sống của họ đều đặn, êm đềm trôi hết năm này sang năm khác.
+ Khung cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài: Năm ấy xuân về sớm hơn mọi năm. Hồng Ngài có tục lệ cứ gặt hái xong là ăn tết. Trên những bản của người Mèo Đỏ, trai gái mang váy áo ra phơi trên mỏm đá trông sặc sỡ như những cánh bướm khổng lồ. Ban ngày, từng đám thanh niên mặc váy áo mới xòe ô dắt ngựa đến đánh quay, ném pao, … Tối đến, trong không gian kia những tiếng khèn lá, khèn môi của trai gái gọi bạn tình lại réo rắt đi hết quả đồi này sang quả đồi khác…
- Tâm trạng đầy sức sống của Mị trong đêm tình mùa xuân khi nghe tiếng sáo:
+ Không khí náo nức chuẩn bị ăn tết trong những bản Mông; nhất là tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha và hơi rượu đã gợi nhớ biết bao kỉ niệm. Trong khoảnh khắc Mị trở về sống trọn vẹn với quá khứ, với mùa xuân tươi đẹp nhất của đời mình "Ngày trước Mị thổi sáo giỏi, có biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Dòng hồi ức đó chứng tỏ khát vọng tình yêu, hạnh phúc vẫn âm thầm được ấp ủ, gìn giữ trong trái tim người phụ nữ này bất chấp những đau khổ, đắng cay, tủi nhục.
+ Cũng trong đêm tình mùa xuân đó, sau nhiều năm tháng, Mị lại cảm nhận được sự tồn tại của mình, ý thức về mình: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ”, lại khao khát sống: “Mị muốn đi chơi”. Mị lại đau đớn, phẫn uất: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa, nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”.Quyết định đi chơi Tết của Mị chính là hành động nổi loạn của một con người muốn dành lại quyền sống, quyền tự do.
- Bộc lộ niềm tin vào tình người sâu sắc ở đoạn Mị cởi trói cho A Phủ:
+ Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ Mị nhớ lại tình cảnh của mình đêm năm trước. Mị cũng bị trói đứng như A Phủ lúc ấy => Mị đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ của người cùng cảnh ngộ và phẫn nộ trước tội ác của bọn thống lí. Nhìn A Phủ, Mị cảm nhận được tất cả nỗi đau đớn mà con người khốn khổ ấy phải gánh chịu
+ Mị đã vượt qua nỗi sợ hãi để cắt dây trói cứu A Phủ, chạy theo A Phủ, trốn khỏi Hồng Ngài
+ Sau đó, Mị cùng A Phủ tham gia cách mạng, bảo vệ quê hương.
3. Đánh giá: (0,5 điểm)
- Hai ý kiến trên đều đúng nhưng chưa đủ. Phải hợp hai ý kiến ấy, bổ sung cho nhau mới khái quát đầy đủ về giá trị của tác phẩm.
- Tác phẩm vừa có chất hiện thực, vừa có chất trữ tình. Qua đó, ta thấy được cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ Tô Hoài. Ông thực sự là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học nước nhà.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 3 môn Ngữ văn - Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội - 2014.2015