(5,0 điểm)Về nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ”, c...
Câu hỏi: (5,0 điểm)Về nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ”, có ý kiến cho rằng: “Mị là sự phản ánh số phận đau khổ bất hạnh của người nông dân nhất là người nông dân miền núi trước cách mạng tháng Tám”. Có ý kiến lại cho rằng: “Mị cho ta thấy vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi”.Suy nghĩ của anh/chị?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý chính dưới đây:
1. Giới thiệu chung: 0,5 điểm
- Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật.
- "Vợ chồng A Phủ" (1952) trích trong tập "Truyện Tây Bắc" là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung. Tác giả đã khắc họa thành công, đặc sắc hình tượng trung tâm - hình tượng Mị.
2. Giải thích ý kiến: 0,5 điểm
- “Mị là sự phản ánh số phận đau khổ bất hạnh của người nông dân nhất là người nông dân miền núi trước cách mạng tháng Tám”: đó là thân phận nô lệ, bị bóc lột sức lao động đế mức tàn tệ, bị đày đọa về thể xác, chà đạp về nhân phẩm, vùi dập về tinh thần.
- “Mị cho ta thấy vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi”: vẻ đẹp của tình người, của sức sống tiềm tàng và tinh thần phản kháng mãnh liệt.
=> Hai ý kiến hướng vào khẳng định giá trị nội dung của tác phẩm thông qua hình tượng nhân vật Mị: Ý kiến thứ nhất hướng vào giá trị hiện thực, khả năng tố cáo xã hội; ý kiến thứ hai hướng vào giá trị nhân đạo của tác phẩm ở khía cạnh phát hiện và trân trọng vẻ đẹp của con người. Cả 2 ý kiến đều đúng, không đối lập mà bổ sung cho nhau, làm hoàn thiện giá trị của truyện ngắn.
3. Phân tích, chứng minh: 3,5 điểm
a/ “Mị là sự phản ánh số phận đau khổ bất hạnh của người nông dân nhất là người nông dân miền núi trước cách mạng tháng Tám” - 1,0 điểm
- Thân phận của Mị: con dâu - gạt nợ, thực chất là một nô lệ của nhà thống lí Pá Tra.
- Bị bóc lột sức lao động dã man, tàn tệ: Mị chỉ như con trâu, con ngựa, chỉ biết đi làm, thậm chí con trâu con ngựa còn có lúc được nghỉ ngơi “đứng yên gãi chân, nhai cỏ” chứ những người đàn bà như Mị trong nhà thống lí thì “vùi mặt vào làm việc cả đêm cả ngày”, hết lên núi hái thuốc phiện lại giặt đay, xe đay, bẻ bắp, hái củi, bung ngô, tước sợi,... không lúc nào ngơi nghỉ.
- Bị hành hạ về thể xác và kìm kẹp về tinh thần:
+ Từ một cô gái trẻ trung , tràn đầy sức sống, Mị hóa thành người đàn bà âm thầm, lặng lẽ, lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi… Mị từng tìm đến cái chết nhưng không thể chết, vì thương cha thương mẹ Mị lại tiếp tục sống cuộc đời cực khổ "Có đến hàng tháng đêm nào Mị cũng khóc"
+ Căn buồng của Mị tăm tối như chính cuộc đời Mị vậy, chỉ "có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, trông ra chỉ thấy một màu trăng trắng, không biết là sương hay là nắng". Mị càng không nói, "cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa".
+ Đêm tình mùa xuân, khi Mị có mong muốn đi chơi như bao người phụ nữ khác, ước muốn ấy lập tức bị dập tắt bằng đòn roi của A Sử: A Sử "xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà", "quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi không nghiêng được đầu nữa".
+ Đêm ấy, A Sử đi chơi bị đánh vỡ đầu. Mị hái thuốc, xoa thuốc cho chồng, thỉnh thoảng mỏi quá, gục đầu nằm thiếp đi, lập tức bị A Sử đạp chân vào mặt.
+ Mị dần trở nên vô cảm, thờ ơ với mọi diễn biến xung quanh: bị A Sử đánh ngã ngay bên bếp lửa nhưng hôm sau Mị vẫn ngồi sưởi; thấy A Phủ bị trói đứng ở góc nhà, mắt trừng trừng, Mị cũng vẫn "thản nhiên thổi lửa, hơ tay" "nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi".
+ Về phần mình, Mị nghĩ "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi"
=> Sự cam chịu, nhẫn nhục khiến Mị dần bị tê liệt tinh thần phản kháng "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi".
- Nhận xét: Mị chính là nạn nhân đau khổ của cường quyền và thần quyền. Thân phận Mị tiêu biểu cho những đau khổ bất hạnh của người nông dân nhất là người nông dân miền núi trước cách mạng tháng Tám.
b/ “Mị cho ta thấy vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi” - 2,0 điểm
- Mị vốn là cô gái trẻ trung, xinh đẹp và giàu sức sống. Mị có tài thổi sáo, được nhiều chàng trai để ý.
- Cô sớm có ý thức về cuộc sống tự do nên sẵn sàng chịu vất vả làm nương ngô trả nợ thay cho bố chứ không muốn bị bán cho nhà giàu.
- Mị là người con hiếu thảo. Khi hiểu ra mình chết vẫn chưa hết nợ, Mị đã chấp nhận cuộc sống trâu ngựa để trả nợ cho cha.
- Sâu thẳm trong tâm hồn Mị vẫn tiềm tàng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc tha thiết. Tất cả đã trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài.
+ Không khí náo nức chuẩn bị ăn tết trong những bản Mông; nhất là tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha và hơi rượu đã gợi nhớ biết bao kỉ niệm. Trong khoảnh khắc Mị trở về sống trọn vẹn với quá khứ, với mùa xuân tươi đẹp nhất của đời mình "Ngày trước Mị thổi sáo giỏi, có biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Dòng hồi ức đó chứng tỏ khát vọng tình yêu, hạnh phúc vẫn âm thầm được ấp ủ, gìn giữ trong trái tim người phụ nữ này bất chấp những đau khổ, đắng cay, tủi nhục.
+ Cũng trong đêm tình mùa xuân đó, sau nhiều năm tháng, Mị lại cảm nhận được sự tồn tại của mình, ý thức về mình: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ”, lại khao khát sống: “Mị muốn đi chơi”. Mị lại đau đớn, phẫn uất: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa, nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Quyết định đi chơi Tết của Mị chính là hành động nổi loạn của một con người muốn dành lại quyền sống, quyền tự do.
- Nguồn sức sống tiềm tàng của Mị trào dâng mãnh liệt trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ:
+ Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ Mị nhớ lại tình cảnh của mình đêm năm trước. Mị cũng bị trói đứng như A Phủ lúc ấy => Mị đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ của người cùng cảnh ngộ và phẫn nộ trước tội ác của bọn thống lí: “Trời ơi…Chúng nó thật độc ác”. Nhìn A Phủ, Mị cảm nhận được tất cả nỗi đau đớn mà con người khốn khổ ấy phải gánh chịu: “Cơ chừng này chỉ đêm mai…chết rét, phải chết”. Cô chấp nhận số phận mình nhưng lại bất bình thay cho A Phủ: “Ta là thân đàn bà…Người kia có gì phải chết thế”
+ Mị đã vượt qua nỗi sợ hãi để cắt dây trói cứu A Phủ, chạy theo A Phủ, trốn khỏi Hồng Ngài => hành động tự phát nhưng xuất phát từ lòng ham sống mãnh liệt. Có thể nói Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng là giải thoát cho chính mình.
+ Sau đó, Mị cùng A Phủ tham gia cách mạng, bảo vệ quê hương.
=> Nhận xét: Ở Mị, nổi bật lên vẻ đẹp của lòng ham sống, khát vọng sống tiềm tàng nhưng mãnh liệt. Không những thế, tác giả còn nhìn thấy ở Mị khả năng cách mạng.
c/ Nghệ thuật miêu tả: 0,5 điểm
- Tác giả đã đi sâu miêu tả những diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật rất tinh tế, thành công.
- Giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.
4. Đánh giá: 0,5 điểm
- Hai ý kiến trên đều đúng nhưng chưa đủ. Phải hợp hai ý kiến ấy, bổ sung cho nhau mới khái quát đầy đủ về nhân vật Mị nói riêng và giá trị của tác phẩm nói chung.
- Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, thể hiện qua tiếng nói tố cáo đanh thép những tội ác của xã hội thực dân phong kiến; ngợi ca những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, đáng trọng của những người nghèo khổ. Qua đó, ta thấy được cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ Tô Hoài. Ông thực sự là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học nước nhà.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn - Trường THPT Chuyên Thái Bình - 2014.2015