( 5,0 điểm) Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cho rằ...
Câu hỏi: ( 5,0 điểm) Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng:“Hành trình viết văn của Nguyễn Tuân là hành trình đi tìm cái đẹp”.Qua những trang viết của "Người lái đò sông Đà", anh (chị) hãy nói về cái đẹp mà Nguyễn Tuân đã tìm thấy khi đến với mảnh đất và con người Tây Bắc.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận về một tác phẩm thơ ca, biết cách phân tích cảm nhận bình luận các ý kiến đánh giá khác nhau. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về nhà văn Nguyễn Tuân và tác phẩm “Người lái đò sông Đà", học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)
- "Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa" (Nguyễn Minh Châu). Toàn bộ cuộc đời cũng như gần 5000 trang viết của ông đã tạo nên một "huyền sử" - huyền sử của một người ưu lối chơi "độc tấu".
- "Người lái đò sông Đà" được coi là một trong những tác phẩm thành công xuất sắc nhất trong tùy bút "Sông Đà”.
2. Giải thích ý kiến (0,5 điểm)
- Hành trình viết văn: nói về quá trình cầm bút của người nghệ sĩ. Với Nguyễn Tuân, đó là một hành trình dài bắt đầu từ trước cách mạng đến sau cách mạng tháng 8.
Cái đẹp: là một trong ba phạm trù thẩm mĩ cơ bản của Mỹ học ( Chân- Thiện - Mỹ). Nói đến cái đẹp tức là nói đến cái cao cả, khơi gợi nên những rung động, những cảm xúc thẩm mĩ vừa cụ thể sinh động lại vừa có sức khái quát.
=> Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã đưa ra một nhận xét vô cùng chính xác: Cả đời văn của Nguyễn Tuân là hành trình đi tìm, săn đuổi và khao khát cái đẹp.
- Với tác phẩm "Người lái đò Sông Đà", Nguyễn Tuân đã khám phá ra cái đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc thông qua hình tượng con Sông Đà và ông lái đò.
3. Bình luận ý kiến (3,5 điểm)
a, Vẻ đẹp của thiên nhiên qua hình tượng Sông Đà: (1,5 điểm)
Vẻ đẹp hung bạo, dữ dằn của sông Đà:
- Đó là cảnh đá “dựng vách thành”, lòng sông bị thắt lại như cái yết hầu.
- Cảnh nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè
- Những “hút nước” sẵn sàng nhấn chìm, đập tan chiếc thuyền nào lọt vào; những thạch trận, phòng tuyến, luồng thác… sẵn sàng “ăn chết” con thuyền và người lái đò.
- Âm thanh thác nước sông Đà: Ban đầu tác giả mới để cất lên khúc như đang “oán trách”, “van xin”, “khiêu khích”, “giọng gằn mà chế nhạo”, “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa… rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…”
- Trùng vi đá:
+ Trùng vi thạch trận thứ nhất: Bọn đá đứa thì “hất hàm” đứa thì “thách thức”, “mặt nước hò la ùa vào bẻ gãy cán chèo”, sóng nước “đá trái, thúc gối vào bụng vào hông thuyền”…
+ Trùng vi thạch trận thứ hai: Sông nước bài binh bố trận ở khắp nơi, tăng nhiều cửa tử, cửa sinh nằm ở phía hữu ngạn…
+ Trùng vi thạch trận thứ ba: Sông Đà sắp đặt bên phải bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở ngay giữa.
=> Nhận xét: Với trí tưởng tượng phong phú, những câu văn tài hoa, uyên bác , vận dụng ngôn ngữ của nhiều ngành khác nhau như võ thuật, thể thao, quân sự,..., Nguyễn Tuân đã tái hiện trước mắt người đọc một Sông Đà hung bạo, độc ác không khác gì “kẻ thù số một của con người”.
Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà:
- Khái quát dòng sông:
+ Sông Đà là bức tranh thủy mặc vương vấn lòng người.
+ Từ trên tàu bay nhìn xuống “con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo …” - lối so sánh tài hoa, tạo mĩ cảm cảm đặc biệt.
- Màu sắc dòng sông thay đổi theo mùa:
+ “Mùa xuân xanh màu ngọc bích”, khác với sông Gâm, sông Lô “màu xanh canh hến”.
+ Mùa thu nước sông “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa …”
-> Sông Đà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, quyến rũ và tình tứ.
- Sông Đà gợi không khí huyền thoại thơ mộng - vẻ đẹp cổ thi:
+ Nguyễn Tuân nhìn sông Đà như một cố nhân với những cảnh quan hai bên bờ vô cùng gợi cảm, bình yên và mang đậm chất thơ: lá non nhú trên những nương ngô, những con hươu “ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương” …
+ Dòng sông Đà như gợi những nỗi niềm sâu thẳm trong lịch sử đất Việt: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa… lặng tờ “như từ Lí, đời Trần, đời Lê”.
=> Nhận xét: Cảnh sông Đà đẹp, thơ mộng, hữu tình và đầy sức sống, làm mê đắm lòng người.
b, Vẻ dẹp của con người trong lao động thông qua hình tượng người lái đò: (1,5 điểm)
Vẻ đẹp gần gũi, bình dị của một người lao động giữa đời thường:.
- Đó là một ông lão gần bảy mươi tuổi, “làm nghề chở đò dọc” suốt sông Đà đã mười năm liền và thôi làm đò cũng gần chục năm nay, quê ông ở “ngay chỗ ngã tư sông sát tỉnh” Lai Châu.
- Đó là một người lái đò lão luyện “trên dòng sông Đà, ông xuôi ngược hơn 100 lần rồi, chính tay giữ lái độ 60 lần” trong thời gian hơn mười năm sống trên sông nước.
Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ:
- Ông nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá như một nghệ sĩ điêu luyện, cao cường.
+ Vòng vây thứ nhất, sông Đà bày ra nhiều cạm bẫy. Ông lái đò bị sóng thác đánh miếng đòn độc hiểm. Nhưng bằng tinh thần dũng cảm, ông đã tỉnh táo chỉ huy sáu bơi chèo, chiến thắng trùng vi thạch trận đầy nguy hiểm.
+ Vòng vây thứ hai, sông Đà thay đổi chiến thuật. Ông lái đò đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, xác định đúng cửa sinh và chiến thắng thằng đá tướng đứng chiến ở cửa giữa.
+ Vòng vây thứ ba, sông Đà tiếp tục thay đổi chiến thuật, bên phải bên trái đều là cửa tử. Ông lái đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa. Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được. Thế là hết thác.
- Cách thưởng thức cuộc sống cũng thật tao nhà, như một người nghệ sĩ vậy: "đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, bàn tán chuyện cá anh vũ dầm xanh,..."
c, Vẻ đẹp của một áng văn chương tài hoa, uyên bác: (0,5 điểm)
- Ngôn ngữ phong phú độc đáo, sáng tạo; thể hiện sự hiểu biết, giàu trải nghiệm, ham tìm tòi sáng tạo, sự công phu, cầu kỳ và có phần "ngông" thể hiện những hiểu biết của mình về địa lý, lịch sử, hội hoạ, điện ảnh, quân sự, thể thao… để miêu tả con sông Đà.
+ Góc nhìn của nghệ thuật thứ bảy khi ông quay cái hút nước ghê rợn của sông Đà: "Cái th quay tít, những thước phim màu cũng quay tít".
+ Góc nhìn hội họa "mặt hòn đá nào cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó"…
+ Góc nhìn quân sự: Cuộc giao chiến giữa ông lái đò và thác nước
… Nhận xét về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, Anh Đức viết: "Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo, vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng”
4/ Đánh giá: (0,5 điểm)
- Khẳng định nhận định trên hoàn toàn đúng đắn. Trước cách mạng, Nguyễn Tuân quan niệm cái đẹp chỉ có trong quá khứ "Vang bóng một thời" và tài hoa nghệ sĩ chỉ có ở những con người xuất chúng của thời trước còn vương sót lại. Sau cách mạng, ông không đối lập quá khứ với hiện tại và cái đẹp có cả ở quá khứ, hiện tại, đặc biệt là phẩm chất tài hoa có thể có ở cả nhân dân đại chúng. Nguyễn Tuân gọi đó là "Cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí con người Tây Bắc".
- Khẳng định chất tài hoa trong ngòi bút Nguyễn Tuân và tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm trân trọng con người của nhà văn.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn - Trường THPT Trần Hưng Đạo - Nam Định - 2014.2015