(6,0đ) Bàn về truyện Lão...
Câu hỏi: (6,0đ) Bàn về truyện Lão Hạc của Nam Cao, có ý kiến cho rằng: Con chó vàng mới là nhân vật độc đáo nhất của tác phẩm và cách ứng xử với con chó Vàng mới là vẻ đẹp sâu xa nhất của nhân vật lão Hạc. Từ những cảm nhận của riêng mình về các nhân vật ấy, em hãy bình luận ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
Câu này nhằm kiểm tra năng khiếu cảm thụ văn chương của thí sinh, cụ thể là cảm thụ nhân vật trong một tác phẩm văn học; đồng thời cũng kiểm tra kỹ năng viết một bài văn thuộc thể loại nghị luận văn học, kết hợp cả phân tích bình luận. Đề bài đòi hỏi thí sinh không chỉ hiểu kĩ các nhân vật trong tác phẩm mà còn phải biêt đối sánh giữa các nhân vật để nhận ra đâu là nhân vật độc đáo hơn; không chỉ nắm chắc các phẩm chất của nhân vật mà còn phải biết đối sánh giữa các phẩm chất để nhận ra vẻ đẹp sâu xa hơn.
1/ Cảm nhận:
a/ Con chó vàng là nhân vật độc đáo nhất:
- So với nhân vật chính như ông giáo và lão Hạc, con chó vàng là nhân vật phụ các nhân vật khác là con người thì con chó vàng là nhân vật thuộc loài vật.
- Nhưng, chính con chó vàng mới là mấu chốt của tác phẩm làm nẩy sinh tình huống đầy oái oăm của câu chuyện và làm bật lên những phẩm chất sâu kín, bền vững của nhân vật trung tâm là lão Hạc. Không có tiền để duy trì sự sống, lão Hạc buộc lòng phải bán chó rồi tự tử, coi đó như 1 cách giải thoát cho con Vàng khỏi phải chết theo lão.
b/ Ứng xử với con chó vàng là vẻ đẹp sâu xa nhất của nhân vật lão Hạc:
* Ứng xử của lão Hạc với con trai:
- Hết lòng yêu thương, luôn chờ đợi con trở về.
- Thà chết chứ không tiêu vào tiền để dành dụm cho con, không chịu bán vườn.
* Ứng xử của lão Hạc với ông giáo: luôn trân trọng, tin tưởng.
* Ứng xử với dân làng: Để lại tiền nhờ mọi người lo liệu đám tang của mình chứ nhất định không để phiền hà ai.
* Ứng xử với con chó Vàng:
- Coi nó là tri kỉ, gọi là "cậu Vàng như một bà gọi đứa con cầu tự"
- “Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm”.
- “Cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu (…)”. “Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ”.
- “Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với đứa cháu bé về bố nó”.
- Tình thế cùng đường khiến lão phải tính đến việc bán “cậu Vàng” thì trong lão diễn ra một sự dằn vặt đau khổ.
+ Lão kể lại cho ông giáo việc bán “cậu Vàng” với tâm trạng vô cùng đau đớn: “Lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước”. Đến nỗi ông giáo thương lão quá “muốn ôm chầm lấy lão mà òa lên khóc”.
+ Khi nhắc đến việc cậu Vàng bị lừa rồi bị bắt, lão Hạc không còn nén nỗi đau đớn cứ dội lên: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”.
Lão Hạc đau đớn đến không phải chỉ vì quá thương con chó, mà còn vì lão không thể tha thứ cho mình vì đã nỡ lừa con chó trung thành của lão. Ông lão quá lương thiện ấy "cảm thấy lương tâm đau nhói khi thấy trong đôi mắt con chó bất ngờ bị trói có cái nhìn trách móc…”. “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”.
Phải có trái tim vô cùng nhân hậu và trong sạch thì mới bị dày vò lương tâm đau đớn đến thế, mới cảm thấy có lỗi với một con chó như vậy.
2/ Bình luận ý kiến:
- Khẳng định kiến trên là đúng, bởi:
+ Qua tác phẩm, các vẻ đẹp của một người cha, người hàng xóm, người nông dân lương thiện đã tỏa sáng một cách bình dị, tự nhiên. Nhưng, cách ứng xử với con chó mới bộc lộ những nét đẹp sâu kín và bền vững nhất của lão Hạc: Đó là một nhân tính trong trẻo, hồn nhiên mặcdù cuộc sống có khốn khó đến đâu cũng không làm tha hóa được.
+ Bộc lộ tài năng của nhà văn Nam Cao trong việc tạo dựng tình huống và miêu tả nhân vật.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn vòng 1 - Trường THPT Chuyên - ĐH Sư phạm HN - năm 2013