(4 điểm)Cảm nhận của anh chị về h...
Câu hỏi: (4 điểm)Cảm nhận của anh chị về hành động Mị chay theo A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và hành động thị theo Tràng về làm vợ trong “Vợ Nhặt” của Kim Lân.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Giới thiệu tác giả Tô Hoài với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Kim Lân với truyện ngắn “Vợ nhặt”.
+ Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật. "Vợ chồng A Phủ" là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung.
+ Kim Lân - người "một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy nông thôn". Có ý kiến cho rằng nếu chọn ra 10 cây bút tiêu biểu nhất của văn học hiện đại Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám thì không có ông nhưng nếu chọn ra 10 truyện ngắn hay nhất thì Kim Lân có đến 2 tác phẩm là "Làng" và "Vợ nhặt". Trong đó, "Vợ nhặt" là một câu chuyện đầy ám ảnh.
- Cả 2 tác phẩm đã gửi đến người đọc thông điệp về lòng ham sống, khát vọng sống qua hành động Mị chay theo A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ” và hành động thị theo Tràng về làm vợ trong “Vợ Nhặt”.
2/ Phân tích:
a/ Về hành động Mỵ chạy theo A Phủ:
* Vài nét về nhân vật Mị :
- Là cô gái xinh đẹp, con dâu gạt nợ, bị bóc lột, đày đọa về thể xác và tâm hồn.
- Cô sống vật vờ y một cái bóng “lùi lũi như 1 con rùa nuôi xó cửa”…
* Về hành động Mị chạy theo A Phủ:
- Bối cánh:
+ Những đêm đông lạnh giá, nhiều ngày Mị chứng kiến A Phủ bị trói ở cột nhà nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay.
+ Cho đến khi trông thấy giọt nước mắt trên hõm má đã xám đen lại của A Phủ, Mị đã bất ngờ quyết định cắt dây trói cho A Phủ. Đây là hành động tự phát, xuất phát từ tình thương, sự đồng cảm. Nó cho thấy sự hồi sinh trong tâm hồn Mị.
- Sau đó, Mị “hốt hoảng”, “vụt chạy” đuổi theo A Phủ, nói “A Phủ cho tôi đi!... Ở đây thì chết mất!”. Hành động đó xuất phát từ khao khát sống đã và đang trỗi dậy mãnh liệt trong Mị. Mị đã giải cứu được cho A Phủ thì cũng có thể giải thoát được cho chính mình. Vì vậy, "Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi" để bắt đầu hành trình từ “thung lũng đau thương” đến “cánh đồng vui” ở mảnh đất Phiềng Sa.
=> Những hành động của Mị có ý nghĩa to lớn vì nó là sự hồi sinh, là biểu tượng của tinh thần phản kháng quyết liệt với cái ác, cái xấu.
* Qua việc xây dựng tình huống đặc sắc và miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật Mị, Tô Hoài đã đặt vấn đề khát vọng tự do, hạnh phúc chân chính của người phụ nữ miền núi và con đường giải phóng họ phải đi từ tự phát đến tự giác, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
b/ Về hành động thị theo Tràng về làm vợ trong “Vợ Nhặt”:
* Người vợ nhặt hiện lên như một nạn nhân tiêu biểu của nạn đói khủng khiếp năm 1945:
- Nhân vật không có tên riêng, không có lai lịch… chỉ là một thân phận bọt bèo trôi dạt giữa dòng đời.
- Cái đói đã hủy hoại cả vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp nữ tính của một người phụ nữ, khiến thị trở nên liều lĩnh, trơ trẽn đến mức sẵn sàng theo không người ta về.
* Song đằng sau hành động liều lĩnh đó là một khát vọng sống mãnh liệt:
- Người vợ nhặt theo Tràng về nhà không chỉ vì cái đói dồn đuổi mà còn xuất phát từ ước mơ được sống trong một gia đình ấm cúng, từ sự cảm động trước một tấm lòng hào hiệp hiếm có trong nạn đói. Vì vậy trên đường về nhà cùng Tràng thị tỏ ra e thẹn, ngượng ngập và ý tứ hơn. Khi nhìn thấy ngôi nhà lụp xụp rách nát, người phụ nữ ấy vẫn ở lại để cùng chia sẻ cuộc đời đói khổ với Tràng chứ không bỏ đi.
- Hôm sau, thị dậy rất sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, thu vén nhà cửa. Sự thay đổi ấy người đọc cũng dễ nhận ra: nếu hôm qua thị chua ngoa, đanh đá, chỏng lỏn bao nhiêu thì hôm nay thị lại hiền lành bấy nhiêu.: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”.
- Trong bữa cơm đầu tiên tại gia đình chồng, dù bữa ăn chỉ có “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được lưng hai bát đã hết nhẵn”, lại phải ăn cháo cám nhưng thị vẫn vui vẻ, bằng lòng.
- Thị đã đem sinh khí, thông tin mới mẻ về thời cuộc cho mẹ con Tràng. Nghe tiếng trống thúc thuế, thị nói với mẹ chồng: "Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy". Sự hiểu biết này của thị như đã giúp Tràng giác ngộ về con đường phía trước mà anh sẽ lựa chọn “trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói ầm ầm đi trên đê Sộp, phía trước có lá cờ đỏ to lắm".
* Đặt thị vào một tình huống đặc biệt éo le, đi sâu khai thác tâm lí nhân vật cùng với khắc họa nhân vật bằng lời nói, cử chỉ, hành động, nhà văn Kim Lân đã cho ta thấy lòng ham sống, khát vọng sống và ý thức vươn lên giành lấy sự sống vô cùng mãnh liệt của thị.
3/ So sánh :
- Sự tương đồng:
+ Cả hai hành động đều bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước.
+ Đều thể hiện sự vận động đi lên trong số phận các nhân vật. Họ đã đi từ bóng tối đến ánh sáng, “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”.
+ Thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của các nhân vật.
+ Cả 2 tác giả đều có tài năng xây dựng tình huống và miêu tả tâm lí nhân vật.
- Sự khác biệt: hành động của Mị là sự vùng thoát khỏi cường quyền, thần quyền; hành động của người vợ nhặt là để thoát khỏi cái đói, cái chết để níu lấy sự sống. Có sự khác nhau đó là do bối cảnh lịch sử, xã hội mà các tác giả lựa chọn.
4/ Đánh giá:
Tô Hoài và Kim Lân xứng đáng là những cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam, đặc biệt trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật và khám phá những vẻ đẹp trong tâm hồn họ. Ở hai cây bút ấy cũng luôn dạt dào tấm lòng nhân ái, yêu thương, trân trọng con người.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT An Lão - lần 1