(6 điểm)Có ý kiến cho rằng: Tình...
Câu hỏi: (6 điểm)Có ý kiến cho rằng: Tình huống truyện trong truyện Lặng lẽ Sa Pa là cuộc gặp gỡ tình cờ của những người dưng mà thiết tha nồng hậu như những người thân và nhân vật anh thanh niên là một người cô độc nhưng không cô đơn.Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
giải thích, phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu chung:
- Tác giả: Nguyễn Thành Long là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, một cây bút khá tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam 1945-1975.
- Tác phẩm: là một truyện ngắn nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn, mang ý nghĩa về con người và cuộc đời sâu sắc.
- Khi nói về tác phẩm này, có ý kiến cho rằng: Tình huống truyện trong truyện Lặng lẽ Sa Pa là cuộc gặp gỡ tình cờ của những người dưng mà thiết tha nồng hậu như những người thân và nhân vật anh thanh niên là một người cô độc nhưng không cô đơn.
2. Giải thích ý kiến:
- Vế 1: Khẳng định cuộc gặp gỡ của các nhân vật là tình cờ, không hẹn trước , họ cũng không hề biết nhau nhưng giữa họ có sự gặp gỡ về lí tưởng, tinh thần. Điều đó đã kéo họ từ xa lạ trở nên gần gũi. Nhận định này đã phần nào hé mở vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật.
- Vế 2: Nói anh thanh niên là người cô độc là dựa vào hoàn cảnh sống và làm việc của anh nhưng anh không cô đơn vì tâm hồn anh luôn giao hòa, tấm lòng luôn hướng về con ngườ và lí tưởng sống của anh được nhiều người đồng cảm, chia sẻ, trân trọng. Nhận định đem đến cho người đọc những suy ngẫm mới, cách nhìn mới về cuộc sống và sự cống hiến.
3. Phân tích, chứng minh:
a. Tình huống truyện trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là cuộc gặp gỡ tình cờ của những người dưng mà thiết tha nồng hậu:
* Tình huống trong tác phẩm truyện ngắn nói chung:
- Tình huống truyện là sự kiện đặc biệt trong cốt truyện, nó xâu chuỗi tất cả các sự kiện khác. Qua đó, thể hiện tính cách nhân vật, nội dung tư tưởng tác phẩm và tài năng của tác giả.
- Nếu thơ quan trọng nhất phải có tứ thơ thì tác phẩm tự sự cần thiết nhất là tình huống. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng ví tình huống truyện như một lát cắt mà trên đó hiện ra cả trăm năm của một đời thảo mộc.
* Tình huống trong "Lặng lẽ Sa Pa":
- Truyện kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe với anh thanh niên làm công tác khí tượng ở đỉnh Yên Sơn – Sa Pa trong chuyến đi nghỉ trước khi về hưu của ông họa sĩ.
- Tình huống đầy bất ngờ, là cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, không hẹn trước giữa ba con người không quen biết nhưng hợp nhau về tư tưởng, suy nghĩ.
- Thiết tha nồng hậu vì tình cảm của con người dành cho nhau chân thành. Họ cở mở trao đổi với nhau về công việc, cuộc sống, về lí tưởng và ra về mà vẫn còn vấn vương.
+ Anh thanh niên nồng nhiệt tiếp đón ông họa sĩ già và cô gái trẻ bằng bó hoa rất đẹp và ấm trà nóng hổi.
+ Anh say sưa kể về công việc của mình, ông họa sĩ và cô gái đều chăm chú lắng nghe. Ông còn hứa mươi ngày sau sẽ quay trở lại kể chuyện dưới xuôi cho anh nghe.
+ Ngay lập tức, ông họa sĩ đã vẽ chân dung chàng thanh niên ấy bằng tất cả niềm yêu quý, trân trọng, cảm phục anh.
+ Họ chia tay nhau bằng những cái nắm tay thật chặt. Anh thanh niên còn chuẩn bị cho họ một giỏ quà.
=> Nổi bật lên trên khung cảnh Sa Pa bao la bát ngát là tình cảm của con người dù học chỉ gặp nhau trong thoáng chốc. Qua đó ca ngợi tình người, những con người hết lòng hi sinh vì lí tưởng, biết sống vì con người, vì cuộc đời.
b. Nhân vật anh thanh niên là một người cô độc nhưng không cô đơn:
* Con người cô độc:
- Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn, quanh năm giữa cỏ cây, mây mù lạnh lẽo. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cụ thể là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết. Xung quanh anh chỉ là máy móc và cây rừng. Anh có bốn ca: 4 giờ, 11 giờ, 7 giờ tối, 1 giờ sáng. Tính chất công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác, đặc biệt là làm việc lúc 1 giờ sáng, có mưa gió, bão tuyết.
=> Hoàn cảnh sống đặc biệt. Cái khó khăn lớn nhất là nỗi cô đơn vắng vẻ, quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi cao. Anh thèm người đến độ có khi phải tự lăn cây ra chắn giữa đường để xe dừng lại, để được gặp mọi người một lát rồi lại tiếp tục công việc.
* Nhưng không cô đơn:
- Vì có công việc “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi. Cất nó đi, cháu buồn chết mất”. Đó là lời tâm sự của anh thanh niên khi nói chuyện với ông họa sĩ. Anh thấy công việc của mình có ích. Niềm say mê, tự giác, yêu nghề thể hiện trong cuộc sống thường ngày, qua lời kể say mê của anh với cô kĩ sư và ông họa sĩ.
- Vì tâm hồn còn có sách làm bạn. Anh rất ham đọc sách, bác lái xe đọc sách, anh mừng quýnh. Lúc nào anh cũng có người trò chuyện, đó là sách. Sách không chỉ là niềm vui, là người thân mà còn là một người thầy.
- Vì anh tự biết nuôi dưỡng tinh thần bằng việc trồng hoa, nuôi gà. Nhà của anh gọn gàng, ngăn nắp.
- Tuy không được sống trong không gian hòa hợp, giao lưu với nhiều người nhưng anh luôn quan tâm tới mọi người. Anh lên rừng đào của tam thất biếu bác lái xe gửi bác gái. Gặp người họa sĩ, anh hồ hởi mời lên chơi, mời ông ở lại, tặng trứng. Tâm hồn người thanh niên ấy còn rất lãng mạn, tặng hoa cho cô gái. Người thanh niên ấy tuy một mình sống trên đỉnh núi cao cô quạnh nhưng luôn cởi mở, chân thành, quan tâm đến mọi người.
- Anh không thấy mình cô đơn vì còn rất nhiều khác sống và làm việc lặng lẽ như mình: anh kĩ sư vườn rau dưới Sa Pa, đồng chí khoa học lúc nào cũng trong tư thế chờ sét.
- Lí tưởng sáng ngời, anh nói với cô kĩ sư “Cũng đoàn viên phỏng” chứng tỏ sự đồng cảm về lí tưởng sống giữa hai người, những thanh niên ba sẵn sang trong kháng chiến chống Mỹ vào những năm 70 của thế kỉ XX.
- Lí tưởng của đã gây xúc động mạnh mẽ trong tâm hồn người họa sĩ “Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá”. Nhọc là vì ông không biết làm thế nào để vẽ hết cái hồn của người thanh niên vào bức chân dung của mình. Còn cô kĩ sư cảm thấy bàng hoàng, làm cô hiểu thêm về cuộc sống một mình dung cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới của những người mà anh kể, và về cả con đường cô đang đi tới.
=> Quả thực, anh thanh niên cô độc nhưng không hề cô đơn. Ở anh, toát lên vẻ đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa, có lí tưởng đẹp, nghị lực, tinh thần trách nhiệm với công việc, tình yêu lao động, yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước.
4. Tổng kết:
- Khẳng định ý kiến trên thật đúng đắn và sâu sắc.
- Khẳng định tài năng của tác giả khi xây dựng tình huống truyện và khắc họa hình tượng nhân vật.
- Truyện ngắn như một bài ca ca ngợi những con người sống và cống hiến âm thầm trong cuộc sống, đặc biệt khi hoàn cảnh lịch sử đất nước phải làm cả hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - Trường THPT Chuyên - ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN - năm 2015