(5,0 điểm)Nêu cảm nhận của anh( chị) về nhân vật T...
Câu hỏi: (5,0 điểm)Nêu cảm nhận của anh( chị) về nhân vật Tnú ( “ Rừng xà nu”- Nguyễn Trung Thành) trong mối quan hệ với gia đình, với dân làng Xô Man và với quê hương, đất nước.Từ việc cảm nhận nhân vật Tnú ( như nêu ở trên) anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về vấn đề “ mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng”
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần làm rõ những ý chính sau đây:
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)
- Nguyễn Trung Thành là một trong những nhà văn tiêu biểu trong nền văn học kháng chiến; là người có những trang viết rất hay về mảnh đất và con người Tây Nguyên bởi ông đã sống và gắn bó với nơi đây trong suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Chống Mĩ. Tây Nguyên đã thổi hồn vào những trang viết của ông để làm nên những tác phẩm xuất sắc như “ Đất nước đứng lên”, “ Rừng xà nu”.
- Tác phẩm "Rừng xà nu" được xem là bản hịch thời đánh Mĩ. Truyện ngắn đã khắc họa thành công hình tượng anh hùng Tnú trong mối quan hệ với gia đình, cộng đồng, quê hương- dân tộc.
2. Cảm nhận về nhân vật Tnú (3,0 điểm)
* Tnú trong mối quan hệ với gia đình: là người chồng luôn yêu thương vợ con hết mực (0,5 điểm)
- Giặc về làng, tra tấn vợ con anh, Tnú tận mắt chứng kiến cảnh kẻ thù đánh đập vợ con: “ Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai… Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập…”.
- Tnú quay lại “Ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Anh bứt đứt hàng chục quả vả, mắt anh thành ngọn lửa, lửa căm thù bừng cháy dữ dội, anh lao ra xông vào giặc. ôm lấy mẹ con Mai che chở cho chị nhưng chỉ với hai bàn tay không, Tnú không cứu được vợ con.
- Nỗi đau ấy, mối thù sâu nặng ấy Tnú khắc ghi mãi trong lòng, trở thành động lực cách mạng của anh. Tnú đã chiến đấu dũng cảm để trả thù cho vợ con anh, cho mảnh đất quê hương yêu dấu đang quằn quại đau thương dưới gót giày kẻ xâm lược.
* Tnú trong mối quan hệ với quê hương (buôn làng Xô Man): yêu làng da diết (1,0 điểm)
- Lớn lên bằng tình yêu thương của buôn làng Xô- Man, anh yêu dân làng, yêu cánh rừng xà nu bạt ngàn hương thơm và mỡ màng.
- Ba năm đi lực lượng, ngự trị trong trái tim, hành trình anh mang theo chính là nỗi nhớ, tình yêu buôn làng.
- Về đến đầu làng, nghe tiếng giã gạo của người phụ nữ Strá, Tnú vấp ngã mấy lần bởi tiếng giã gạo ấy gợi lại cho anh những kỉ niệm gắn liền với cuộc đời người mẹ, của người phụ nữ Xô- Man như Mai.
- Khi bộ đội về thăm làng, Tnú xúc động “ để cho vòi nước của làng mình giội lên khắp người như ngày trước”.
- Với người dân làng Xô-man, từ người già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng đều yêu mến, cảm phục Tnú: bé Heng dẫn đường đưa Tnú về làng, cái xiết tay chắc nịch của cụ Mết, tất cả chăm chú lắng nghe câu chuyện cuộc đời anh,...
* Tnú trong mối quan hệ với dân tộc, đất nước: tình yêu nước gắn liền với tình yêu cách mạng, với kháng chiến, với cụ Hồ (1,0 điểm)
- Khi còn nhỏ: Tnú tham gia tiếp tế, nuôi giấu cán bộ là anh Quyết. Học chữ thì Tnú hay quên nhưng đi rừng thì nó rất sáng dạ. Tnú “ xé rừng mà đi”, “ lựa chỗ thác mạnh mà bơi vào”. Khi bị giặc bắt, Tnú nuốt thư vào trong bụng. Khi bị giặc tra tấn, Tnú nhất định không khai, giặc hỏi cộng sản ở đâu, Tnú chỉ tay vào bụng.
- Làm liên lạc, Tnú thông minh, nhanh nhẹn và dung cảm. Anh hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một chú bé liên lạc với quyết tâm lớn lên sẽ thay thế anh Quyết làm cách mạng.
- Vẻ đẹp của Tnú được tập trung miêu tả nhất thông qua hình tượng đôi bàn tay Tnú. Đôi bàn tay Tnú khi bị giặc đốt, mỗi ngón còn hai đốt là biểu tượng của tội ác man rợ, là đôi bàn tay rực lửa căm thù, kêu gọi quyết tâm đánh giặc. Đôi bàn tay ấy tàn nhưng không phế, vẫn quyết tâm cầm súng đánh bại kẻ thù.
* Đánh giá: (0,5 điểm)
- Trong mối quan hệ với gia đình, buôn làng, đất nước, Tnú hiện lên là người hội tụ những phẩm chất tốt đẹp và khát vọng của cộng đồng. Ba mối thù lớn: thù của bản thân, thù của gia đình, thù của buôn làng đã hun đúc nên một Tnú trung thành, dũng cảm, gan góc trước kẻ thù, quyết tâm đánh bại kẻ thù. Bút pháp sử thi với lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh, lựa chọn chi tiết tiêu biểu đã góp phần làm nên sức hấp dẫn và ám ảnh của nhân vật này.
- Cuộc đời Tnú là cuộc đời bi thương tiêu biểu cho cuộc đời con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Vẻ đẹp Tnú cũng là vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu.
3. Bàn về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng: (1,5 điểm)
- Giải thích:
+ Cá nhân: 1 người, tức là số ít.
+ Cộng đồng: là tập hợp của nhiều cá nhân, cá thể, sức mạnh to lớn hơn.
- Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng qua hình tượng Tnú trong tác phẩm:
+ Số phận mỗi cá nhân gắn bó chặt chẽ với số phận của cộng đồng.
+ Mỗi cá nhân góp phần làm nên sức mạnh của cộng đồng; ngược lại, cộng đồng là nguồn sức mạnh vô giá, là động lực cho mỗi cá nhân.
- Bài học: Mỗi con người cần nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng nói chung; thống nhất quyền lợi của cá nhân với tập thể và phát huy sức mạnh của toàn cộng đồng để đạt được những mục tiêu to lớn.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 2 môn Ngữ văn Trường THPT Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi - 2014.2015