(4,0 điểm)“những tiếng đàn bọt nướcTây Ban Nha áo...
Câu hỏi: (4,0 điểm)“những tiếng đàn bọt nướcTây Ban Nha áo choàng đỏ gắtli-la li-la li-lađi lang thang về miền đơn độcvới vầng trăng chếnh choángtrên yên ngựa mỏi mòn”(“Đàn ghi ta của Lorca”- Thanh Thảo, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2014)Thanh Thảo là nhà thơ luôn khao khát cách tân và có cảm hứng đặc biệt với những con người có nhân cách cao quý, vĩ đại. Anh/chị có thấy đặc điểm đó thể hiện trong đoạn thơ trên không? Hãy phân tích và lí giải.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Bài làm của học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý chính sau:
1. KHÁI QUÁT: (0,5 điểm)
- Thanh Thảo là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca thời kì kháng chiến chống Mĩ, cũng là một cây bút luôn nỗ lực cách tân trong nghệ thuật, nổi bật là sự tìm kiếm cách biểu đạt mới cho thơ. Thơ ông giàu nhạc tính, hàm súc, đa nghĩa.
- “Đàn ghi ta của Lorca” là một trong những sáng tác tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Thanh Thảo.
- Sáu dòng thơ đầu đã thể hiện khao khát cách tân và cảm hứng đặc biệt với những con người có nhân cách cao quý, vĩ đại của Thanh Thảo.
2. CỤ THỂ: (3,0 điểm)
2.1. Những cách tân nghệ thuật của Thanh Thảo: (2,0 điểm)
a/ Thể thơ: (0,5 điểm)
- Đoạn thơ cũng như cả bài thơ được viết theo thể thơ tự do. Tất cả các dòng thơ nối tiếp nhau, không viết hoa ở những chữ đầu dòng. Đây là một dụng ý nghệ thuật của Thanh Thảo. Nó tạo ra sự liền mạch, liên tiếp của hình ảnh, cảm xúc. Dường như Thanh Thảo đã đưa âm nhạc vào thơ.
b/ Từ ngữ, hình ảnh thơ: (1,5 điểm)
Các hình ảnh xuất hiện trong khổ thơ này lúc đầu tưởng như rời rạc, phi lí (đây cũng là biểu hiện của thơ tượng trưng siêu thực) nhưng mạch ngầm liên kết giữa chúng lại tạo ra một trường nghĩa sâu sắc:
- Hình ảnh “Những tiếng đàn bọt nước” đã thể hiện rất rõ dấu ấn của thơ tượng trưng siêu thực trong cảm nhận, liên tưởng của nhà thơ. Âm thanh đã mang một hình hài cụ thể hay Thanh Thảo đã nhìn ra hình ảnh trong âm thanh? Tiếng đàn chính là linh hồn, sinh mệnh, của Lorca. Khi đọc câu thơ này cả thính giác và vị giác của ta đều được huy động. “Tiếng đàn bọt nước” là biểu hiện cho cái đẹp mong manh mà bất tử.
- Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” gợi nhắc đến môn thể thao lừng danh của đất nước Tây Ban Nha, vừa mạo hiểm, vừa hấp dẫn: đấu bò tót. Đồng thời nó còn làm hiện lên hình ảnh một đấu trường đẫm máu giữa Lorca và nền chính trị độc tài.
- Hình ảnh “tiếng đàn bọt nước”, “áo choàng đỏ gắt”, “vầng trăng chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn” kết hợp với nhau tạo thành vẻ đẹp riêng của nền văn hóa Tây Ban Nha. Đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp với những trận đấu bò tót rực lửa, với tiếng ghi ta say đắm lòng người đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Hình ảnh người nghệ sĩ Lorca – một nghệ sĩ được coi là vĩ đại nhất của Tây ban Nha thế kỉ XX đã được khắc họa trên phông nền văn hóa của dân tộc mình như thế.
- Chuỗi âm thanh “li-la li-la li-la” đã mô phỏng khúc dạo đầu của một bản ghi ta.Nhưng li-la còn là tên một loài hoa mang sắc tím rất dịu dàng mà phương Tây yêu thích – hoa tử đinh hương. Cách diễn đạt của lời thơ làm cho âm thanh mang màu sắc, hình khối, thậm chí cả hương thơm. Cái đẹp hiện hữu một cách đa chiều, đa diện.
- Những từ ngữ “lang thang”, “đơn độc”, “mỏi mòn” kết hợp với những câu thơ dài ngắn đan xen gợi ra hình ảnh bước chân người lãng tử phiêu bồng trên hành trình đơn độc để ca ngợi tự do và khao khát sáng tạo nghệ thuật.
2.2 Cảm hứng với những con người có nhân cách ca quý, vĩ đại: (1,0 điểm)
- Trong đoạn thơ này, Thanh Thảo đã khắc họa thành công hình ảnh Lorca - một con người tài năng và có những khát vọng vĩ đại.
+ Lorca dùng tiếng đàn của mình để hát lên khát vọng tự do, khát vọng yêu thương, hoàn toàn đối lập với nền chính trị độc tài tàn bạo của chế độ Phát xít Phrăng-cô.
+ Tiếng đàn của Lorca còn thể hiện những khát vọng cách tân trước nền nghệ thuât già nua, bảo thủ của Tây Ban Nha.
- Đoạn thơ còn bộc lộ niềm trân trọng và nỗi xót thương sâu sắc của nhà thơ trước một Lorca tài hoa nhưng đơn độc và bạc mệnh.
III, ĐÁNH GIÁ: (0,5 điểm)
- Đoạn thơ đã chứng tỏ Thanh Thảo là nhà thơ luôn khao khát cách tân và có cảm hứng đặc biệt với những con người có nhân cách cao quý, vĩ đại. Bằng lối tư duy tượng trưng siêu thực, nghệ thuật tương phản, ngôn ngữ mới mẻ, giàu nhạc tính, Thanh Thảo đã khắc họa chân thực hình ảnh Lorca trong không khí chính trị và văn hóa đậm đà bản sắc Tây Ban Nha. Từ đó, người đọc hình dung ra cuộc đời, thân phận và tính cách của Lorca. Đó là một nghệ sĩ du ca lãng tử, hào hoa, có tâm hồn tự do, phóng khoáng, khao khát chế độ dân chủ song rất cô đơn.
- Những cách tân độc đáo của nhà thơ xuất phát từ chính niềm ngưỡng mộ trước Lorca. Đoạn thơ và cả bài thơ có nét tương đồng với “Đôc tiểu thanh kí” của Nguyễn Du. “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu vì những bài thơ này đều cất lên tiếng nói tri ân giữa con người với con người, giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ dù ở bất kì không gian, thời gian nào.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 1 môn Ngữ văn - Trường THPT Cẩm Lý Bắc Giang 2014.2015