(4 điểm) Nhận xét về bài thơ...
Câu hỏi: (4 điểm) Nhận xét về bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Hoàn cho rằng: Qua nỗi nhớ của nhân vật trữ tình, Quang Dũng đã khắc họa thành công vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến. Dựa vào những hiểu biết về tác phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, ông làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc,... nhưng thành công hơn cả là trong lĩnh vực thơ ca.
- "Tây Tiến" là bài thơ xuất sắc trong sự nghiệp văn chương của Quang Dũng, cũng là một trong những bài thơ hay nhất viết về đề tài người lính trong kháng chiến chống Pháp.
- Trích dẫn nhận định. Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến vừa hào hùng vừa hào hoa.
2/ Phân tích, chứng minh ý kiến:
a/ Vẻ đẹp hào hùng và sự hi sinh bi tráng:
* Được khắc họa tập trung trong tương quan với khung cảnh thiên nhiên miền Tây hiểm trở, dữ dội, hùng vĩ và hiện thực sống - chiến đấu rất khắc nghiệt.
* Những biểu hiện cụ thể:
- Những người lính có lí tưởng yêu nước cao cả. Câu thơ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” đã kết tinh được vẻ đẹp lí tưởng yêu nước của những chàng trai thanh niên Hà Nội. Họ là những chàng trai thời loạn tự nguyện xếp bút nghiên ra chiến trường, sẵn sàng dấn thân, xả thân cho đất nước với lí tưởng cao cả “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
- Những người lính có ý chí , nghị lực, đối mặt vượt lên mọi khó khăn thử thách. Biết bao khó khăn chồng chất: sự hiểm trở cả địa hình (“Dốc lên khúc khuỷu”, “heo hút cồn mây”…), sự oai linh của rừng thiêng nước độc (“Chiều chiều oai linh thác gầm thét”), sự rình mò của thú dữ (“đêm đêm…cọp trêu người”…)…, sự dãi dầu của thân xác trong một thời gian dằng dặc (“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”…), sự hoành hành của bệnh tật nơi “Lam Sơn chướng khí” (“không mọc tóc”, “xanh màu lá”…), sự ác nghiệt của chiến tranh (rải rác biên cương mồ viễn xứ…)…Vậy mà những người lính ấy không hề nản chí, chùn bước.
- Bài thơ hơn một lần nói đến cái chết nhưng đó không phải là cái chết bi lụy mà là cái chết hào hùng, lẫm liệt của người chiến sĩ đi vào cõi bất tử. Và đẹp nhất là cái chết sang trọng này:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Sang trọng vì được bọc trong những tấm chiến bào, được về tựu nghĩa cùng với Đất mẹ, và nhất là được thiên nhiên tấu lên khúc nhạc dữ dội và oai hùng để đưa tiễn hương hồn người chiến sĩ. Ở đây thủ pháp cường điệu đã đẩy chất bi tráng lên đến đỉnh cao diệu kì cùa nó.
=> Người lính Tây Tiến qua hồi tưởng của nhà thơ dù phải đối diện với những khó khăn mất mát nhưng vẫn hiện ra kì vĩ, oai phong, kiêu hùng và cũng thật hào hùng, bi mà không lụy.
b/ Vẻ đẹp hào hoa:
* Để khám phá và thể hiện chân thực vẻ đẹp hào hoa của người lính, nhà thơ đã đặt hình tượng này trong tương quan với khung cảnh nên thơ, thi vị, huyền ảo, duyên dáng của thiên nhiên miền Tây.
* Những biểu hiện cụ thể:
- Cảm nhận tài hoa, tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên miền Tây:
+ Họ ngỡ ngàng nhận ra “hoa về trong đêm hơi” ở Mường Lát.
+ Họ sảng khoái khi ngắm “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
+ Họ thực sự thấy ấm áp khi cảm nhận hương vị cơm lên khói, hương “thơm nếp xôi” ở Mai Châu.
+ Chỉ những người lính Tây Tiến mới nhìn những bó đuốc cháy sáng trong đêm hội liên hoan ở một vùng đất tưởng như bị lãng quên hoang vu thành “đuốc hoa”, mới thấy “hoa đong đưa” như làm duyên cùng dòng nước lũ.
+ Chất hào hoa đã gửi vào cái nhìn cảnh vật tạo nên những câu thơ đầy ám ảnh:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấyCó thấy hồn lau nẻo bến bờ”
Câu thơ chất thi sĩ trong sâu thẳm tâm hồn người lính Tây tiến, trong khoảnh khắc giao cảm bất ngờ với hồn tạo vật.
- Những câu thơ viết về nỗi nhớ làm cho tâm hồn người lính thăng hoa “Đêm mơ Hà Nôi dáng kiều thơm” vô cùng lãng mạn, bay bổng.. Chính nỗi nhớ, ước mơ hướng về một góc phố, một ngõ nhỏ, về những dáng kiều thơm ấy đã tiếp sức, nâng bước cho người lính trẻ Hà Nội thêm vững vàng, quyết tâm chiến đấu, xả thân vì tổ quốc.
c/ Nghệ thuật miêu tả:
- Quang Dũng đã chọn cách thể hiện vẻ đẹp của người lính Tây Tiến một cách độc đáo”
+ Sự hòa trộn giữa hiện thực và trữ tình, bi và tráng…
+ Bút pháp tương phản…
+ Ngôn từ thơ giàu chất họa và chất nhạc…
3/ Đánh giá:
- Khẳng định ý kiến trên là đúng.
- Qua bài thơ, Quang Dũng đã dựng nên bức tượng đài về người lính Tây Tiến - lãng mạn, hào hoa, hào hùng và bi tráng. Bài thơ xứng đáng là một trong những tác phẩm hay nhất, đẹp nhất trong nền thơ ca kháng chiến Việt Nam.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT Chí Linh - Hải Dương - lần 1