(5,0 điểm) Phân tích hình tượng Đ...
Câu hỏi: (5,0 điểm) Phân tích hình tượng Đất Nước từ phương diện địa lí – lãnh thổ trong trích đoạn Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
Giới thiệu chung
- Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.
- “Đất Nước” được sáng tác năm 1971, tại chiến khu Bình Trị Thiên, nhằm cổ vũ tuổi trẻ miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ.
- Nguyễn Khoa Điềm có cách cảm nhận đất nước từ phương diện địa lí – lãnh thổ mang nhiều đặc sắc, thể hiện tư tưởng nhân dân hóa thân vào đất nước qua những câu thơ:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên. Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...
Phân tích
- Đoạn thơ thể hiện những phát hiện mới mẻ, độc đáo của nhà thơ về cảnh quan kì thú của non sông: núi Vọng phu, hòn Trống Mãi… không chỉ là tặng vật của thiên nhiên tạo hóa mà đã gắn với cuộc sống con người, với văn hóa lịch sử của dân tộc qua những áng ca dao, cổ tích, truyền thuyết, qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân.
+ Nếu như không có những người vợ mòn mỏi chờ chồng qua những cuộc chiến tranh li tán thì làm sao có được cảm nhận về đá Vọng Phu.
+ Nếu không có truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân thì làm sao có cảm nhận về những ao đầm để lại, chính là những gót ngựa của người anh hùng.
+ Nếu không có truyền thuyết Hùng Vương dựng nước thì làm sao có cảm nhận hùng vĩ của núi non quanh đất Phong Châu như 99 con voi chầu về đất tổ.
=>Nét đặc sắc ở đây là cái nhìn của nhà thơ thấm sâu ý thức về nhân dân. Nhân dân đã hóa thân vào đất nước.
- Hệ thống từ chỉ địa danh:
+ Mỗi dòng thơ cất lên là một địa danh của đất nước hiển hiện. Các địa danh trải dài từ địa đầu Tổ quốc (Lạng Sơn) đến mảnh đất cuối cùng của đất nước (Mũi Cà Mau). Các địa danh còn trải dài từ đồng bằng, miền núi, trung du, miền biển. Từ những địa danh cụ thể đến những ý nghĩa mang tầm khái quát. Các địa danh đã góp phần làm nên bức tranh hoàn chỉnh về không gian địa lí, địa bàn cư trú, môi trường sinh sống của các thế hệ người Việt qua các giai đoạn lịch sử.
+ Lần theo các địa danh, người đọc còn nhận thấy lịch sử hình thành của đất nước từ buổi bình minh dựng nước (Đất Tổ vua Hùng, Gióng) đến những năm tháng chống ngoại xâm của ngày hôm nay. Ta luôn có cảm giác, các địa danh lan tới đâu, một chặng đường của lịch sử đất nước được ghi lại ở đó, địa danh xuất hiện ở đâu, không gian địa lí được mở rộng tới đó. Đây là dấu hiệu cho thấy cái nhìn đất nước của Nguyễn Khoa Điềm luôn ở trạng thái động, biểu hiện đất nước luôn luôn phát triển, nghĩa là sự sống của đất nước được bảo tồn, được duy trì bền vững theo thời gian lịch sử. Nói cách khác, qua cảm nhận của nhà thơ, đất nước là một sinh thể luôn phát triển, sự phát triển ngày càng mở rộng, bền vững.
- Kết hợp với những từ chỉ địa danh là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo những chất liệu văn hóa dân gian. Ở đây, ta thấy có sự tái sinh kì diệu của những trang thần thoại, những câu chuyện cổ tích thấm đẫm chất nhân văn, cốt cách văn hóa Việt.
+ Đoạn thơ mở ra bằng những dòng thơ gợi nhớ về câu chuyện sự tích núi Vọng phu – một câu chuyện tình cảm động, biểu trưng cho tấm lòng thủy chung của người phụ nữ Việt Nam. Những cặp vợ chồng yêu nhau đã hóa thân thành hòn Trống Mái để muôn đời được đoàn tụ. Gót ngựa Thánh Gióng là biểu tượng đẹp cho lịch sử chống ngoại xâm anh hùng của người Việt cổ. Núi Bút, non Nghiên không chỉ là một công trình điêu khắc dân gian mà còn là biểu tượng làm sáng lên truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Mỗi câu chuyện gắn với một địa danh như gợi nhớ về một cuộc đời, một số phận chứa đựng một vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.
+ Điều đáng nói, khi sử dụng những chất liệu nghệ thuật này, tác giả kết hợp với số từ không xác định chỉ số nhiều “những’. Nó không đơn thuần đóng vai trò liệt kê những địa danh mà quan trọng nó biểu đạt những nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thấm thía của tác giả về ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa của những địa danh, là sự cô đọng, đúc kết một câu chuyện đời. Những câu chuyện ấy gắn với một số phận, một kiểu người mà chủ yếu là những người dân bé nhỏ. Khắp đất nước đâu đâu cũng có số phận bất hạnh và những con người thủy chung son sắt. Lời thơ chỉ nhắc đến những địa danh nhưng người đọc hiểu rằng đó là những địa danh chứa trong lòng nó sức khái quát rộng lớn cho phẩm chất, vẻ đẹp, truyền thống lịch sử của con người Việt Nam. Đất nước Việt Nam đã đang và sẽ được tạo nên bởi vô số những người dân vô danh. Những con người bình dị ấy đang bình lặng góp phần mở mang lãnh thổ, bồi đắp nên văn hóa, nối dài dòng lịch sử của dân tộc. Mỗi địa danh là sự hóa thân, hiện hữu của một cuộc đời con người. Đoạn thơ đã khép lại bằng những cảm nhận rất khái quát: “Ôi đất nước bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy / Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
Tổng kết
- Đoạn thơ có kết cấu chặt chẽ, tự nhiên và được viết theo thể tự do.
- Câu thơ mở rộng kéo dài nhưng không nặng nề mà biến hóa linh hoạt làm cho đoạn thơ giàu sức biểu hiện và có sức khái quát cao.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn trường THPT Quảng Xương IV - Thanh Hóa - Lần 1 - năm 2017 (có lời giải chi tiết)