(4 điểm):Về bài thơ “Tây Tiến...
Câu hỏi: (4 điểm):Về bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng có ý kiến cho rằng: “Đó là bài thơ đậm chất lãng mạn. Ý kiến khác thì khẳng định: “Đó là một bài thơ đậm chất bi tráng”.Từ cảm nhận của mình về tác phẩm, anh/chị hãy bình luận về các ý kiến trên?
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Quang Dũng là một người nghệ sĩ đa tài song ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là một nhà thơ. Ông cũng là một trong những tác giả tiêu biểu cho nền thơ ca kháng chiến Việt Nam.
- Tây Tiến (1948) là thành tựu đặc sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp, là bài ca không thể nào quên về một thời gian khổ mà hào hùng, hào hoa của lịch sử dân tộc. Nhận xét về bài thơ Tây Tiến có ý kiến cho rằng: “Đó là bài thơ đậm chất lãng mạn, ý kiến khác thì khẳng định: “Đó là một bài thơ đậm chất bi tráng”.
2. Phân tích, chứng minh:
2.1. Giải thích:
- Ý kiến thứ nhất khẳng định "Tây Tiến" đậm chất lãng mạn tức là chưa những cảm xúc mãnh liệt có xu hướng vươn tới vẻ đẹp phi thường bằng việc sử dụng thủ pháp tương phản, xây dựng những hình tượng phi thường để thể hiện trí tưởng tượng phong phú, bay bổng của người nghệ sĩ.
- Ý kiến thứ hai khẳng định tác phẩm dậm chất bi tráng. Một tác phẩm có tinh thần bi tráng đề cập đến những mất mát đau khổ, gian khổ nhưng không gợi cho người đọc cảm giác bi quan. Cảm xúc, hình tượng trong tác phẩm khỏe khoắn, mạnh mẽ, khơi gợi cho người đọc đến niềm tin, khát vọng về cuộc sống.
2.2 Biểu hiện:
a/ Chất lãng mạn:
- Xuyên suốt cả bài thơ là nỗi nhớ tha thiết khắc khoải của tác giả, một nỗi nhớ dâng trào, tha thiết cho nên cảm xúc đã bùng thổi từ những câu đầu; nỗi nhớ của nhà thơ nhiều khi thổn thức; có lúc nhà thơ phân thân tự hỏi bản thân, hỏi vào nỗi nhớ khắc khoải trong tâm can: "Có nhớ...hoa đong đưa"; đến 4 câu cuối bài, nỗi nhớ đã vượt khỏi không gian.
- Nỗi nhớ của nhà thơ hướng đến nhiều đối tượng, cảnh sắc thiên nhiên, con người Tây Bắc dọc đường hành quân can trường và hào hoa. Nỗi nhớ ấy dâng trào, tràn đầy bài thơ vì thế kỷ niệm hiện lên rất sống động, tươi nguyên như vừa mới xảy ra.
- Cảm xúc lãng mạn còn thể hiện trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, hữu tình
=> Với một hồn thơ lãng mạn, Quang Dũng rất nhạy cảm với phương xa xứ lạ. bài thơ đã vẽ ra một bức tranh núi rừng Tây Bắc xa xôi với những cảnh tượng khó quên, khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc.
- Chất lãng mạn còn được đẩy cao hơn qua hình tượng người lính kiêu dũng, ngang tàn, đặc biệt là hào hoa, lãng mạn:
+ Say mê cái đẹp thiên nhiên
+ Giấc mơ tình yêu
+ Khát vọng lập công cao cả
+ Tư thế hi sinh trang trọng, mãnh liệt.
- Sử dụng bút pháp lãng mạn trong đó phát huy chất lãng mạn ở nhiều cấp độ: hình ảnh, thanh điệu bằng trắc giữa ngoại hình và ý chí, giữa hiện thực và tâm hồn. Cùng với thủ pháp phóng đại, tác giả xây dựng những hình tượng mạnh, dữ dội.
b/ Chất bi tráng:
- Tác phẩm khắc họa chặng đường gian nan để từ đó tô đậm tư thế ngang tàn, dũng cảm của người lính.
- Quang Dũng không hề che dấu sự gian khổ, khó khăn trên những chặng đường hành quân, những căn bệnh hiểm nghèo và cả những hi sinh mất mát của người lính.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
...
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
...
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
- Trong gian khổ, mất mát, đau thương, họ vẫn luôn giữ nét trẻ trung, hào hoa, lãng mạn của những chàng trai Hà thành "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
- Những câu thơ khẳng định mạnh mẽ khí phách của tuổi trẻ. Người lính Tây Tiến không chỉ tự nguyện chấp nhận mà còn vượt lên cái chết, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đó là dũng khí tinh thần và hành động cao đẹp. Tư thế ra trận, lý tưởng lên đường hào hùng mà bi tráng.
- Họ luôn giữ trọn lời thề chung thủy với cách mạng, với Tây Tiến:
"Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"
=> Tác giả không né tránh mất mát, hi sinh khơi gợi ở người đọc niềm xót xa, thương cảm nhưng điều đáng nói là nhà thơ không gợi cho người đọc cảm giác bi lụy mà vẫn ngưỡng mộ, đầy tự hào.
3. Đánh giá:
- Cả hai ý kiến đều đúng nhưng chưa đủ.
- Cảm hững lãng mạn và tinh thần bi tráng hòa quyện, xuyên thấu vào nhau để tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Cảm hứng lãng mạn đã nâng đỡ hiện thực gian khổ, mất mát tạo cho cảm xúc, hình tượng thơ vẻ đẹp bi tráng. Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng gợi vẻ đẹp một thời, thể hiện gian khổ mà lạc quan.
- Thể hiện tài năng của tác giả.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2016 Trường THPT Sầm Sơn - Thanh Hóa - lần 1