Cảm nhận của em về hình ảnh người anh hùng Quang T...
Câu hỏi: Cảm nhận của em về hình ảnh người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ qua đoạn trích hồi thứ 14 (Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô Gia Văn Phái, Ngữ Văn lớp 9).
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Phân tích, tổng hợp.
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu chung
- “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, tác phẩm đã khái quát một giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố dữ dội từ khi Trịnh Sâm lên ngôi Chúa đến khi Gia Long chiếm Bắc Hà (1868- 1802) như: loạn kiêu binh, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Gia Long lật đổ triều đại Tây Sơn,…
- Sự sụp đổ của triều đại Lê – Trịnh và khí thế sấm sét của phong trào nông dân Tây Sơn là hai nội dung lớn được phản ánh qua “Hoàng Lê nhất thống chí”. Đặc biệt “Hồi thứ XIV” đã được thể hiện một cách hào hùng sức mạnh quật khởi của dân tộc trước thù trong giặc ngoài và khắc họa hình tượng Nguyễn Huệ, người anh hùng dân tộc đã làm nên chiến công Đống Đa bất tử.
- Hình tượng Quang Trung đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc, khó quên.
2. Cảm nhận
a. Vua Quang Trung là nhà lãnh đạo quyết đoán, có trí tuệ sáng suốt:
* Mạnh mẽ, quyết đoán, bản lĩnh phi thường:
- Khi nghe tin quân Thanh đến Thăng Long, vua Quang Trung đã nhanh chóng quyết định kéo đại quân ra Bắc => quyết đoán, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước.
- Hoàn thành rất nhiều việc lớn trong một thời gian ngắn:
+ Tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung để yên lòng dân rồi thân chinh cầm quân ra Bắc.
+ Trên đường tiến quân ra Bắc: gặp Nguyễn Thiếp – một trí thức lớn đương thời. Ông lắng nghe kế sách, thu hút sự ủng hộ của tầng lớp sĩ phu, củng cố khối đoàn kết toàn dân; tuyển hơn một vạn tinh binh, mở cuộc duyệt binh lớn.
- Lời phủ dụ binh lính: vạch trần âm mưu xâm lược của nhà Thanh, cho thấy bộ mặt tàn bạo của kẻ thù; giữ nghiêm kỉ luật; khích lệ tinh thần chiến đấu của binh lính.
* Có trí tuệ sáng suốt, có tầm nhìn xa, trông rộng:
- Ông đoán trước tình hình của giặc để lập kế sách tiến đánh và giành thắng lợi trong vòng mười ngày.
- Tiến hành một cuộc hành quân thần tốc.
- Hoạch định sẵn chính sách ngoại giao sau chiến tranh.
=> Thấu hiểu những gian nan, thử thách mà dân tộc ta phải đối mặt. Mang bản lĩnh của một bậc minh quân.
b. Tài dụng binh như thần của một thiên tài quân sự:
* Tài cầm quân, tài dùng tướng:
- Cầm quân:
+ Khi bắt đầu kéo đại quân ra Bắc ông chia quân thành 2 đạo: thủy, bộ -> tổ chức đạo quân tề chỉnh, nghiêm minh.
+ Khi hành binh: trong thời gian ngắn đã đưa đại quân vượt hàng ngàn cây số đường đèo dốc, núi non hiểm trở.
- Dùng tướng:
+ Thấu hiểu chỗ mạnh, chỗ yếu của các tướng lĩnh.
+ Khi hội quân ở Tam Điệp: khiển trách Sở, Lân rất nghiêm khắc -> cho họ thấy mức độ nghiêm trọng của lỗi lầm; rất công bằng khi khen họ biết nín nhịn đã bảo toàn lực lượng khiến giặc chủ quan; cho họ cơ hội lập công chuộc tội.
+ Ông đánh giá rất cao Ngô Thì Nhậm.
* Tài đánh trận:
- Biết cách khích lệ lòng quân: cho ăn tết trước (ở Tam Điệp), hẹn mùng bảy vào Thăng Long mở tiệc lớn.
=> Có tác dụng rất lớn đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ.
- Giữ được yếu tố bất ngờ: bắt sống hết quân do thám và tân binh của giặc.
- Thay đổi chiến thuật linh hoạt:
+ Đánh Hà Hồi: dùng nghi binh.
+ Đánh Ngọc Hồi: cho quân chế tạo những tấm lá chắn bằng ván ghép phủ rơm ướt, tránh được sự thương vong do súng hỏa công của giặc.
- Đặc biệt, vị hoàng đế quả cảm còn đích thân đốc xuất, chỉ huy đạo quân -> sự hiện diện của nhà vua ngay giữa chiến trường đủ làm nức lòng binh sĩ.
3. Đánh giá
- Đặc sắc nghệ thuật miêu tả nhân vật: chú ý miêu tả hành động, lời nói, miêu tả chiến trận, tạo sự tương phản giữa hai đội quân,…
- Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật và đóng góp quan trọng của nhân vật với lịch sử dân tộc.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Thi giữa kì_đề 5_Có lời giải chi tiết