(4,0 điểm)Cảm nhận của e...
Câu hỏi: (4,0 điểm)Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:Đêm nay rừng hoang sương muốiĐứng cạnh bên nhau chờ giặc tớiĐầu súng trăng treo(Trích Đồng chí – Chính Hữu, SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục)Không có kính, rồi xe không có đèn,Không có mui xe, thùng xe có xước,Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:Chỉ cần trong xe có một trái tim.(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật, SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung:
- Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Thơ ông mang cảm xúc chân thành, mãnh liệt, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng điệu phong phú.
+ Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, được in trong tập “Đầu súng trăng treo” và là một trong những thi phẩm thành công nhất của Chính Hữu, tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).
+ Đoạn trích là khổ cuối của bài thơ.
- Phạm Tiến Duật là nhà thơ khoác áo lính, là gương mặt tiêu biểu của thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông gắn liền với hình ảnh người lính trên chiến trường với vẻ đẹp hồn nhiên, tinh nghịch, trẻ trung mà sâu sắc.
+ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” viết năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang vô cùng ác liệt. Bài thơ in trong tập Vầng trăng - Quầng lửa, là một trong những bài thơ để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc về hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn nói riêng và những người lính cụ Hồ nói chung.
+ Đoạn trích là khổ cuối của bài thơ.
2/ Cảm nhận về 2 đoạn thơ:
a/ Đoạn thơ thứ nhất:
* Nội dung:
- Thời gian, không gian nghệ thuật: đêm tối, rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo, gợi hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, gian khổ.
- Hình ảnh con người:
+ "đứng cạnh bên nhau": tình đồng chí, đồng đội chân thành, đằm thắm, là động lực để họ vượt lên trên hoàn cảnh.
+ "chờ giặc tới": tư thế chủ động, sẵn sàng chiến đấu, toát lên sự dũng cảm.
- Hình ảnh trăng:
+ Trăng xuất hiện trong giờ khắc trước một trận chiến đấu mà mất mát, hi sinh là những điều không thể tránh khỏi.
+ "Đầu súng trăng treo": Hình ảnh trăng treo trên đầu súng vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có tính biểu trưng: biểu tượng đẹp của tình đồng chí gắn bó, keo sơn trong cuộc chiến đấu gian khổ ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp; là biểu tượng cho cuộc sống hòa bình, là hình ảnh tươi đẹp, thanh bình của quê hương đất nước; là vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ lạc quan, lãng mạn.
* Nghệ thuật:
- Thể thơ tự do, ngòi bút phóng khoáng, lãng mạn.
- Sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn.
- Hình ảnh giàu tính biểu trưng.
b/ Đoạn thơ thứ hai:
* Nội dung:
- Hai câu đầu dồn dập, những mất mát, khó khăn do quân địch gieo xuống : không kính, không đèn, không mui, thùng xe có xước. Điệp ngữ “không có” nhắc lại ba lần như nhân lên ba lần những thử thách khốc liệt.
- Nhưng đoàn xe đã chiến thắng, vượt lên bom đạn, hăm hở hướng ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì miền Nam”. Hình ảnh “trong xe có một trái tim” là cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rể phẩm chất anh hùng của người cầm lái tích tụ, đọng kết lại ở “trái tim” gan góc, kiên cường, giàu bản lĩnh và chan chứa tình yêu thương.
=> Hai câu cuối đã nêu lên chân lý của thời đại: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ… mà là con người - con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm, niềm lạc quan và niền tin vững chắc.
* Nghệ thuật:
- Sự tương phản giữa hiện thực tàn khốc và lí tưởng mạnh mẽ của con người.
- Sử ụng hình ảnh hoán dụ, điệp từ rất đặc sắc.
3/ So sánh:
* Giống nhau:
- Cả 2 đoạn thơ đều khắc họa thành công hình tượng người lính: giauwx khó khăn, gian khổ vẫn giữ vững tinh thần quả cảm, lòng yêu nước và niềm lạc quan, tin tưởng vào cách mạng.
- Đều có sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn.
* Khác nhau:
- Đoạn thứ nhất viết theo thể thơ tự do, viết về người lính trong kháng chiến chống Pháp.
- Đoạn thứ nhất viết theo thể thơ 8 chữ, viết về người lính trong kháng chiến chống Mĩ.
4/ Đánh giá:
- Hai đoạn thơ đều là những đoạn thành công nhất của hai bài thơ.
- Khẳng định sức hấp dẫn của hai bài thơ và 2 ngòi bút Chính Hữu, Phạm Tiến Duật.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - vòng 1 - Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển - Cà Mau - năm 2015