(6,0 điểm)Nêu cảm nhận c...
Câu hỏi: (6,0 điểm)Nêu cảm nhận của em về đoạn thơ sau:“Ngửa mặt lên nhìn mặtcó cái gì rưng rưngnhư là đồng là bểnhư là sông là rừng Trăng cứ tròn vành vạnhkể chi người vô tìnhánh trăng im phăng phắcđủ cho ta giật mình”(Nguyễn Duy, Ánh trăng – Ngữ văn 9, tập 1, NXB GD)
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp
Giải chi tiết:
(6,0 điểm)
I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Duy thuộc thế hệ các nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu.
- “Ánh trăng” là một trong những tác phẩm thành công của Nguyễn Duy, được ông viết năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Bài thơ diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa.
II. Phân tích:
1. Khổ 1:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”
- “Ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế đối mặt: “mặt” ở đây chính là vầng trăng tròn. Con người thấy mặt trăng là thấy được người bạn tri kỉ ngày nào.
- Cảm xúc “rưng rưng” là biểu thị của một tâm hồn đang rung động, xao xuyến, gợi nhớ gợi thương khi gặp lại bạn tri kỉ.
- Cuộc gặp gỡ không tay bắt mặt mừng này đã lắng xuống ở độ sâu của cảm nghĩ. Trăng thì vẫn phóng khoáng, vô tư, độ lượng biết bao, như “bể”, như “rừng” mà con người thì phụ tình, phụ nghĩa.
- Trước cái nhìn sám hối của nhà thơ, vầng trăng một lần nữa như gợi lên bao cái “còn” mà con người tưởng chừng như đã mất. Đó là kỉ niệm quá khứ tốt đẹp khi cuộc sống còn nghèo nàn, gian lao - lúc ấy con người với thiên nhiên , vầng trăng là bạn tri kỉ.
2. Khổ 2:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
- Đối lập giữa “tròn vành vạnh” và “kẻ vô tình”, giữa cái im lặng của ánh trăng với sự “giật mình” thức tỉnh của con người.
+ Trăng tròn vành vạnh, im phăng phắc không giận hờn trách móc mà chỉ nhìn, một cái nhìn thật sâu như soi tận đáy tim người lính đủ để giật mình nghĩ về cuộc sống hòa bình hôm nay. Họ đã quên mất đi chính mình, quên những gì đẹp đẽ, thiêng liêng nhất của quá khứ để chìm đắm trong một cuộc sống xô bồ, phồn hoa mà ít nhiều sẽ mất đi những gì tốt đẹp nhất của chính mình.
+ Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta: Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy bất diệt.
- Sự không vui, sự trách móc trong lặng im của vầng trăng là sự tự vấn lương tâm dẫn đến cái “giật mình” ở câu thơ cuối:
+ Cái “giật mình” là cảm giác và phản xạ tâm lí có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nong nổi trong cách sống của mình.
+ Cái “giật mình” của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải đổi thay trong cách sống.
+ Cái “giật mình” tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sung bái hiện tại mà coi rẻ thiên nhiên.
-> Câu thơ thầm nhắc nhở chính mình và cũng đồng thời nhắc nhở chính ta – những người đang sống trong hòa bình, hưởng những tiện nghi hiện đại đừng bao giờ quên công sức đấu tranh cách mạng của biết bao người đi trước.
III. Đánh giá:
- Đoạn thơ gợi cho ta nhiều suy ngẫm sâu sắc về cách sống, cách làm người, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
- Thể hiện đặc trưng phong cách của Nguyễn Duy – rất giản dị nhưng mang triết lí sâu xa.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi vào 10 môn Ngữ văn - Sở GD&ĐT Bình Phước năm 2015