Cảm nhận của em về hình tượng chiếc lược ngà (Tron...
Câu hỏi: Cảm nhận của em về hình tượng chiếc lược ngà (Trong truyện ngắn Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng, Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2008).
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, tổng hợp.
Giải chi tiết:
1. Giới thiệu chung
- Nguyễn Quang Sáng là nhà văn miền Nam, những tác phẩm của ông chủ yếu viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.
- Chiếc lược ngà được sáng tác năm 1966 khi tác giả tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ.
- Tác phẩm:
+ Ca ngợi tình cha con thắm thiết, sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Từ đó khẳng định tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc.
+ Gợi cho người đọc nghĩ tới và thấm thía những đau thương, mất mát mà chiến tranh đã gây ra với con người.
- Chiếc lược ngà là biểu tượng cao đẹp nhất của tình cha con sâu nặng, tình đồng chí, đồng đội gắn bó.
2. Phân tích
- Tóm tắt ngắn gọn câu chuyện và sự xuất hiện của chiếc lược ngà trong tác phẩm.
* Về nội dung
- Đối với bé Thu: chiếc lược ngà là vật báu thiêng liêng, cha để lại cho cô trước khi mất. Để rồi mỗi khi thấy chiếc lược bé Thu luôn nhớ về cha mình và nó trở thành biểu tượng thiêng liêng, bất diệt về tình cha con. Đồng thời chiếc lược cũng là động lực tiếp thêm sức mạnh cho Thu trở thành cô giao liên và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Đối với ông Sáu:
+ Chiếc lược thể hiện tình yêu thương con sâu nặng của ông với bé Thu trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt. Cây lược bé Thu dặn ba mua về trước khi chia tay. Đó là mong muốn giản dị, nhỏ bé của cô con gái, nó đã thúc giục ông cố công, tỉ mỉ làm chiếc lược ngà để thực hiện mơ ước giản dị của con.
Khi ở chiến khu ông vừa nhớ thương con vừa ân hận, day dứt. Nhớ lời Thu ông dồn hết tâm trí làm chiếc lược ngà tặng con. Khi tìm được chiếc ngà, ông cố công, tỉ mẩm mài từng chiếc răng lược. Chính tình yêu con đã biến ông từ một người chiến sĩ trở thành một người nghệ sĩ, người nghệ sĩ với một tác phẩm duy nhất, tác phẩm dạt dào tình yêu thương. Nó không chỉ là chiếc lược xinh xắn mà còn là kết tinh của tình cha con thắm thiết sâu nặng, biểu tượng của tình phụ tử bất diệt. Mỗi khi ngắm chiếc lược lòng ông dịu bớt nỗi ân hận, nỗi nhớ con và bừng lên khao khát trở về. Nhưng khao khát giản dị ấy mãi mãi không trở thành hiện thực. Trước lúc từ giã cõi đời ông chỉ đau đáu tâm nguyện phải đưa chiếc lược cho con. Không đủ sức nói điều gì, nhưng ánh mắt tha thiết cũng đủ để bác Ba hiểu được tâm nguyện ấy của ông. Đó đâu chỉ là hành động trao gửi chiếc lược mà còn là sự chuyển giao sự sống, ông Sáu mãi mãi ra đi nhưng tình yêu thương ông dành cho bé Thu thì sống mãi cùng chiếc lược ngà.
+ Không chỉ vậy, chiếc lược còn làm ông vơi bớt đi phần nào nỗi ân hận vì đã lỡ đánh con.
- Đối với bác Ba: chiếc lược ngà là biểu hiện của tình đồng chí đồng đội. Bác đã tận tay trao lại kỉ vật của ông Sáu cho bé Thu.
=> Hình ảnh chiếc lược đã góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm: ca ngợi tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh
* Về nghệ thuật: chiếc lược ngà giúp mạch truyện phát triển và ghép nối hai phần truyện với nhau.
3. Đánh giá chung
Chiếc lược ngà là biểu tượng nghệ thuật giàu giá trị, ý nghĩa, chứa đựng giá trị tư tưởng đẹp đẽ, giàu tinh thần nhân văn của tác giả.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Thi online_Đề thi vào 10 môn Văn Kiên Giang 2017 - 2018