(4,0 điểm)Trong bài thơ “Sóng” củ...
Câu hỏi: (4,0 điểm)Trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, nhân vật trữ tình thổ lộ:“Trước muôn trùng sóng bểEm nghĩ về anh, emEm nghĩ về biển lớnTừ nơi nào sóng lên?”Anh/ chị hãy trình bày cảm nhận của mình về những điều “em” đã “nghĩ” và những điều đã làm nên nội dung trữ tình của bài thơ.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
Giải chi tiết:
1/ Giới thiệu chung: (0,5 điểm)
- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.
- Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
2/ Trình bày cảm nhận: (3,0 điểm)
- “Em” trong bài thơ là nhân vật trữ tình – một người con gái đang yêu và tôn thờ tình yêu. Qua những điều “em” đã nghĩ “trước muôn trùng sóng bể”, người đọc nhận ra được nhiều điều về bản chất của tình yêu cũng như những nỗi niềm rất cụ thể của nhân vật trữ tình – sự hóa thân của chính tác giả.
- “Em” – nhân vật trữ tình đã thật tinh tế khi mượn “sóng” làm ẩn dụ tình yêu. Nhờ ẩn dụ này, bao nhiêu điều “em” khám phá về tình yêu được nói ra một cách đầy cảm xúc. Sóng có nhiều đối cực như tình yêu cũng có nhiều đối cực. Sóng luôn “tìm ra tận bể” như tình yêu chân chính hướng về những điều cao cả. Sóng có nguồn gốc bí ẩn cũng như sự bí ẩn vô tận của tình yêu. Sóng không bao giờ ngừng lặng như tình yêu luôn trăn trở, bồi hồi. Sóng luôn hướng về bờ như tình yêu luôn hướng đến sự gắn bó chung thủy. Sóng còn mãi giữa cuộc đời như tình yêu chân chính có sức sống vượt thời gian.
- Những điều “em” đã nghĩ cho thấy “em” vừa có khát vọng hiểu thấu tình yêu nói chung, vừa có mong muốn cháy bỏng được hiểu mình và bộc lộ mình trong tình yêu. Quả thật, “em” đã bộc lộ mình như một người con gái cả nghĩ, đầy lo toan, đầy trách nhiệm. Đặc biệt, em cũng là một con người táo bạo, muốn dâng hiến tất cả cho tình yêu dù trong lòng luôn có nỗi thao thức trước thời gian.
- Bài thơ Sóng bộc lộ khá rõ nữ tính của nhân vật trữ tình và phần nào của chính tác giả. Những điều “em” nghĩ về cơ bản cũng là những điều “em” đã trải nghiệm. Chính vì vậy, bài thơ có tính triết lý mà không hề khô khan. Nó là triết lý của trái tim, triết lý được chưng cất từ những dữ kiện cuộc đời của một người đã sống hết mình cho tình yêu.
- Bên cạnh những điều “em” đã “nghĩ”, cách “em” bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình cũng gây cho người đọc những ấn tượng đặc biệt. Câu thơ 5 chữ được sử dụng rất phù hợp để tạo nên giọng điệu tự sự nồng nàn. Ân dụ “sóng” vừa kín đáo vừa phơi mở tự nhiên hé lộ một nội tâm vừa già dặn, sâu sắc, vừa trẻ trung, bồng bột. Sự xuất hiện luân phiên của hai hình tượng là “sóng” và “em” cũng góp phần tạo cho bài thơ một nhịp sóng đầy sức gợi…
3/ Đánh giá: (0,5 điểm)
- Qua "Sóng", Xuân Quỳnh đã nói hộ đầy đủ nỗi lòng của người phụ nữ đang yêu một cách chân thành, sâu sắc và sinh động. Bởi vậy, "Sóng" được xếp vào một trong những bài thơ tình hay nhất của nền thơ hiện đại Việt Nam.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPT QG lần 3 môn Ngữ văn - Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh - 2014.2015