Nhận xét về bài thơ Tây Tiến có ý kiến cho rằng: “...
Câu hỏi: Nhận xét về bài thơ Tây Tiến có ý kiến cho rằng: “Bài thơ là nỗi niềm hoài niệm của Quang Dũng về con đường hành quân giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng thật thơ mộng trữ tình”. Nhưng ý kiến khác lại khẳng định: “Bài thơ là những hồi ức của nhà thơ về hình ảnh người chiến binh những năm đầu kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng rất đỗi hào hoa, lãng mạn”.Bằng việc cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên và hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, hãy làm sáng tỏ hai nhận định trên.
Đáp án
- Hướng dẫn giải
Phương pháp giải:
phân tích, lí giải, tổng hợp
Giải chi tiết:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, ý kiến- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.
- Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô (1986).
- Nhận xét về bài thơ Tây Tiến có ý kiến cho rằng: “Bài thơ là nỗi niềm hoài niệm của Quang Dũng về con đường hành quân giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng thật thơ mộng trữ tình”. Nhưng ý kiến khác lại khẳng định: “Bài thơ là những hồi ức của nhà thơ về hình ảnh người chiến binh những năm đầu kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng rất đỗi hào hoa, lãng mạn”.
Phân tích bài thơThiên nhiên Tây Bắc là thiên nhiên vừa hùng vĩ, dữ dội vừa lãng mạn, trữ tình- Tác giả mở đầu bài thơ bằng nỗi nhớ - nhớ chơi vơi về một mảnh đất gắn bó một thời máu lửa, cả một vùng kí ức về một miền đất và những người đồng đội thân yêu thức dậy.
- Thiên nhiên miền Tây dữ dội, hiểm trở, hoang sơ, bí hiểm với núi cao heo hút, vực sâu thăm thẳm, thác gầm, thú dữ, dốc đèo hùng vĩ, cồn mây cao vút lạnh lẽo, sương lạnh dày đặc, mù mịt không gian; những địa danh xa xôi nghìn trùng, ẩn chứa nhiều hiểm nguy, thiếu vắng dấu chân người… Thiên nhiên mang một vẻ đẹp tươi mới đã hấp dẫn, thôi thúc những bước chân khám phá kiếm tìm, chinh phục của các anh lính Hà Thành.
- Thiên nhiên miền Tây còn mang vẻ đẹp thơ mộng, mĩ lệ, trữ tình đặc trưng của núi rừng nơi đây: đêm rừng miền Tây ngào ngạt hương hoa; không gian mịt mù trong làn hơi nước trắng xóa của những cơn mưa rừng xối xả, những nếp nhà sàn thoắt ẩn thoắt hiện. Khung cảnh bình yên hiếm hoi trong khói lửa chiến tranh với hình ảnh cơm lên khói; mùi hương nếp đầu mùa quấn quýt, để thương để nhớ mùa em thơm nếp xôi.
- Tây Tiến còn thơ mộng với khung cảnh sông nước trong chiều sương giăng mờ mờ, ảo ảo, thực hư trộn lẫn nhau. Sông nước, bến bờ lặng tờ, hoang dại như thời tiền sử, chỉ có màu lau trắng trải dài tít tắp, phất phơ theo chiều gió thổi, xôn xao ẩn chứa những nỗi niềm của con người. những bông hoa rừng cũng đong đưa làm duyên trên dòng nước xiết. “Hoa đong đưa” là một hình ảnh lạ, hoa lá vô tri như được thổi hồn vào, gợi ra ánh mắt lúng liếng tình tứ của những cô gái vùng núi xinh đẹp trẻ trung.
§ Hình ảnh người lính Tây Tiếna/ Ngoại hình (bi thương): được khắc hoạ bằng một nét vẽ rất gân guốc, lạ hoá nhưng lại được bắt nguồn từ hiện thực:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
- Không mọc tóc, quân xanh màu lá đều là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp mà người nào cũng phải trải qua. Trong hồi ức của những người lính Tây Tiến trở về, đoàn quân tử vong vì sốt rét rừng nhiều hơn là vì đánh trận bởi rừng thiêng nước độc mà thuốc men không có.
- Quang Dũng không hề che giấu những gian khổ, khó khăn…, chỉ có điều nhà thơ không miêu tả một cách trần trụi. Hiện thực ấy được khúc xạ qua bút pháp lãng mạn của Quang Dũng, trở thành cách nói mang khẩu khí của người lính Tây Tiến, cách nói rất chủ động: không mọc tóc chứ không phải tóc không thể mọc vì sốt rét tạo nên nét dữ dội, ngang tàng, cứng cỏi của người lính Tây Tiến; cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính qua ngòi bút Quang Dũng lại toát lên vẻ oai phong, dữ dằn của những con hổ nơi rừng thiêng “quân xanh màu lá dữ oai hùm”.
b/ Ẩn sau ngoại hình ấy là sức mạnh nội tâm (hào hùng):
- Đoàn binh gợi lên sự mạnh mẽ lạ thường của "Quân đi điệp điệp trùng trùng" (Tố Hữu), của "tam quân tì hổ khí thôn ngưu" (ba quân mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu) (Phạm Ngũ Lão).
- Dữ oai hùm là khí phách, tinh thần của đoàn quân ấy, như mang oai linh của chúa sơn lâm rừng thẳm
- Mắt trừng là chi tiết cực tả sự giận dữ, phẫn nộ, sôi sục hướng về nhiệm vụ chiến đấu
→ Thủ pháp đối lập được sử dụng đắc địa trong việc khắc hoạ sự tương phản giữa ngoại hình ốm yếu và nội tâm mãnh liệt, dữ dội, ngang tàng.
c/ Thế giới tâm hồn đầy mộng mơ thể hiện qua nỗi nhớ (lãng mạn):
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
- Những người lính Tây Tiến không phải là những người khổng lồ không tim, bên trong cái vẻ oai hùng, dữ dằn của họ là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Dáng kiều thơm gợi vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha thanh lịch của người thiếu nữ Hà thành, là cái đẹp hội tụ sắc nước hương trời. Những giấc mơ mang hình dáng kiều thơm đã trở thành động lực để giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; đã thúc giục họ tiến lên phía trước; và cũng là sợi dây thiêng liêng của niềm tin mang họ vượt qua bom đạn trở về.
- Sự lạc quan, yêu đời và bay bổng, lãng mạn của những người lính thể hiện trên cung đường hành quân “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”,…
d/ Lí tưởng, khát vọng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
- Câu thơ thứ nhất nếu tách ra khỏi đoạn thơ sẽ là một bức tranh hết sức ảm đạm:
+ Rải rác đây đó nơi biên cương của Tổ quốc, nơi rừng hoang lạnh lẽo xa xôi là những nấm mồ vô danh không một vòng hoa, không một nén hương tưởng niệm. Hai chữ “rải rác” gợi vẻ hiu hắt, quạnh quẽ thật ảm đạm và thê lương.
+ Trong một câu thơ mà tác giả sử dụng tới hai từ Hán Việt biên cương, viễn xứ mang màu sắc trang trọng cổ kính như để bao bọc cho những nấm mồ xa xứ ấy một bầu không khí thiêng liêng đượm vẻ ngậm ngùi, thành kính
- Mặc dù khung cảnh ấy hàng ngày vẫn trải ra trên các cung đường hành quân của người lính TT nhưng nó không đủ sức làm các anh nản chí sờn lòng, mà trái lại càng nung nấu quyết tâm “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
+ Đời xanh là tuổi trẻ, là bao mơ ước, khát vọng đang ở phía trước. Nhưng không gì quý hơn Tổ quốc, không có tình yêu nào cao hơn tình yêu Tổ quốc. Nên hai chữ “chẳng tiếc” vang lên thật quyết liệt, dứt khoát như một lời thề chém đá.
- Lời thề son sắt thể hiện tinh thần “nhất khứ bất phục phản” (một đi không trở lại) của những người lính Tây Tiến:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
d/ Sự hi sinh của những người lính Tây Tiến:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
- Trong bài thơ, QD không hề né tránh hiện thực khắc nghiệt, dữ dội. Trong chặng đường hành quân, nhiều người lính không thể vượt qua đã gục lên súng mũ bỏ quên đời. Dọc đường TT cũng là vô vàn những nấm mồ liệt sĩ mọc lên “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”… Và bây giờ, một lần nữa tác giả nhắc đến sự ra đi của họ Áo bào thay chiếu anh về đất. Người lính TT gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu để che thân, đồng đội phải đan cho họ những tấm nứa, tấm tranh…
- Thế nhưng tác giả đã cố gắng làm giảm đi tính chất bi thương của những mất mát:
+ Áo bào (áo mặc ngoài của các vị tướng thời xưa) đã khiến họ trở thành những chiến tướng sang trọng:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
+ Về đất là cách nói giảm nói tránh, cái chết lại là sự tựu nghĩa của những người anh hùng, thanh thản và vô tư sau khi đã làm tròn nhiệm vụ (liên hệ câu thơ của Tố Hữu: Thanh thản chết như cày xong thửa ruộng…)
+ Sông Mã gầm lên khúc độc hành vừa dữ dội vừa hào hùng, khiến cái chết, sự hi sinh của người lính TT không bi luỵ mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Sông Mã tấu lên bản nhạc dữ dội của núi rừng như loạt đại bác đưa tiễn những anh hùng của dân tộc về nơi vĩnh hằng.
- Những gian khổ, hy sinh của người lính Tây Tiến cũng được tác giả khắc họa qua những cung đường hành quân “gục lên súng mũ bỏ quên đời”.
=> Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn: hiện thực thiên nhiên khốc liệt, đầy gian khổ, thử thách nhưng cũng rất đỗi nên thơ, lãng mạn, với tình quân dân ấm áp. Không chỉ vậy bài thơ còn là bức tranh đầy chân thực về cuộc đời người lính với những khó khăn, gian khổ và hi sinh nhưng cũng đầy lãng mạn hào hoa về những người chiến sĩ dũng cảm, anh dũng.
Tổng kết-Ngôn ngữ độc đáo, giàu hình ảnh, giàu chất họa chất nhạc.
-Sử dụng thủ pháp tương phản, đối lập, cách nói uyển ngữ
-Giọng thơ tha thiết, sâu lắng, dễ đi vào lòng người.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm
Đề thi thử THPTQG môn Ngữ Văn -Sở GD ĐT Bắc Ninh - lần 1 - năm 2019(có lời giải chi tiết)