Đăng ký

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình: Thấu hiểu con trẻ

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình: Thấu hiểu con trẻ

     Bài viết soạn bài Nói và nghe bài 2 trang 60 (thuộc chương trình giảng dạy trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) dưới đây sẽ hướng dẫn các bạn học sinh cách trình bày về một vấn đề trong đời sống gia đình. Đây sẽ là cơ hội để các bạn học sinh rèn luyện kỹ năng nói và lắng nghe trước lớp. Cùng tham khảo ngay tại đây nhé!

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình: Thấu hiểu con trẻ

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình: Thấu hiểu con trẻ

Đề: Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình

Bố mẹ nên học cách lắng nghe và thấu hiểu con trẻ

     Hiện nay, nhiều bạn nhỏ đang dần cảm thấy bị lạc lõng trong chính căn nhà của mình. Bởi vì việc giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên khó khăn. Bố mẹ không thể hiểu những tâm tư, nỗi niềm riêng của con trẻ, còn con trẻ thì lại chẳng thể thấu hết những lo toan bộn bề của bố mẹ. Hai bên cứ thế xa cách nhau, chỉ vì không biết lắng nghe và thấu hiểu.

     Bố mẹ thường đặt kỳ vọng rất nhiều kỳ vọng vào con trẻ, vì thế luôn đốc thúc chúng phải học tập với tần suất dày đặc. Điều đó khiến trẻ cảm thấy bức bối, buồn chán và không còn muốn tâm sự với bố mẹ nữa. Bởi vì mỗi lần cất lời, bố sẽ nói “Để sau nhé! Bố đang có việc”, còn mẹ lại loay hoay trong bếp “Con lo học hành đi, đừng quan tâm mấy chuyện tào lao”.

     Gần nhà mình có một bạn cùng tuổi, vì bố mẹ ép học, không cho giao lưu nên dần sinh ra căn bệnh trầm cảm. Giờ đây, bố mẹ của bạn ấy vô cùng hối hận vì đã không chịu lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của con. Bố mẹ bạn ấy - cũng như các bố mẹ của chúng ta - thường nghĩ rằng, họ đã vất vả làm việc chỉ vì lo cho chúng ta có cơm ăn áo mặc, được đi học đầy đủ, thì chúng ta cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ chăm chỉ học hành và trở thành một đứa con ngoan. Nhưng khoảng cách cũng vì thế mà ngày càng dài hơn, khi đứa trẻ cảm thấy mình đang bị chính bố mẹ mình bỏ rơi - về mặt cảm xúc.

     Bố mẹ mình cũng thường hay so sánh mình với các bạn học khác. Họ khiến mình cảm thấy vô cùng tủi thân, vì bản thân mình cũng có nhiều ưu điểm, nhưng luôn bị chính bố mẹ mình lờ đi. Điều đó đã tạo nên cho mình những cảm xúc tiêu cực.

     Rất nhiều cái kết thương tâm đã xảy ra cho các bạn nhỏ không được bố mẹ lắng nghe và thấu hiểu. Để trẻ nhỏ có một môi trường sống tốt nhất và lớn lên trong niềm vui, mong rằng bố mẹ sẽ thay đổi cách giao tiếp và dạy dỗ của mình. Bố mẹ nên học cách lắng nghe và thấu hiểu những nỗi niềm riêng của con trẻ. Và ngược lại, chúng ta - thế hệ tương lai của đất nước - cũng cần phải trân trọng sự hi sinh của bố mẹ và ra sức học hành để trở thành một phiên bản tốt nhất trong tương lai.

     Đó là cách soạn bài Nói và nghe bài  2 trang 60 bộ sách Kết nối tri thức mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích và đừng quên đón đọc các bài soạn khác tại CungHocVui bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe