Thực hành tiếng Việt
Dưới đây là hướng dẫn soạn văn lớp 6 Thực hành tiếng Việt trang 47 trong bộ sách Chân trời sáng tạo mà các bạn học sinh có thể tham khảo để chuẩn bị bài tốt hơn tại nhà. Hi vọng các bạn học sinh sẽ nắm rõ bài học hơn trong chương trình học tập mới này!
1. Trong các từ sau, đâu là từ mượn tiếng Hán, đâu là từ mượn các ngôn ngữ khác?
Nhân loại, thế giới, video, nhận thức, cộng đồng, xích lô, cô đơn, nghịch lí, mê cung, a-xít, ba-zơ
Trả lời:
-
Từ mượn tiếng Hán: Nhân loại, thế giới, nhận thức, cộng đồng, cô đơn, nghịch lý, mê cung
-
Từ mượn các ngôn ngữ khác: video, xích lô, a-xít, ba-zơ
2. Theo em, vì sao chúng ta mượn những từ như email, video, Internet?
Trả lời:
Theo em, chúng ta mượn những từ như email, video, Internet vì trong tiếng Việt, chúng ta chưa có những từ ngữ thay thể để diễn đạt đúng ý nghĩa của các từ trên và với việc mượn từ ngữ như vậy có thể giúp tiếng Việt thêm phong phú.
3. Em hãy đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Một cán bộ hưu trí ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bực bội kế lại: "Do có công việc tại Thành phố Hồ Chí Minh một tuần nên tôi đã gọi điện tới một khách sạn trong đó để đặt phòng. Trong khi tôi đang hỏi về giá cả, dịch vụ thì cô lễ tân nghe điện thoại tuôn ra một tràng: “Anh book (đặt) phòng ạ? Anh chọn single hay double room (phòng đơn hay phòng đôi). “Anh sure (chắc chắn) rồi chứ?.Anh có thể fix (cố định) lịch chính xác ngày đến được không? Trong trường hợp máy bay delay (hoãn chuyến) hoặc thay đổi kế hoạch anh phải confirm (xác nhận) lại cho em”. Tôi nghe mà không thể hiểu cô ta đang nói gì. ”
(Bảo Linh, Sanh điệu hay tự đánh mất mình? Báo An ninh thủ đó, số ra ngày 28-4-2012)
Trong câu chuyện trên, vì sao người cán bộ hưu trí không hiểu được những điều nhân viên lễ tân nói? Từ đó, em rút ra bài học gì về việc sử dụng từ mượn trong giao tiếp?
Trả lời:
-
Trong câu chuyện trên, người cán bộ hưu trí không hiểu được những điều nhân viên lễ tân nói vì người lễ tân đã sử dụng nhiều từ ngữ mượn từ ngôn ngữ khác khiến người nghe không hiểu, đặc biệt là những người đã lớn tuổi như người cán bộ hưu trí trên.
-
Từ đó, em rút ra bài học về việc sử dụng về từ mượn trong giao tiếp như sau: Trong giao tiếp, chúng ta không nên lạm dùng từ mượn ngôn ngữ khác để tránh gây khó hiểu, hiểu lầm đối với người nghe và tránh làm mất giá trị của tiếng mẹ đẻ.
4. Giải thích nghĩa của từ in đậm trong các câu sau:
a. Thấy con mình có tài năng thiên bẩm vệ hội hoạ, người cha đã cho cậu theo học thầy Ve-rốc-chi-ô, một họa sĩ nổi tiếng.
b. Hai câu tục ngữ trên mới đọc qua có vẻ mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau, nhưng suy nghĩ kĩ thì thấy chúng bổ sung cho nhau, làm cho nhận thức về việc học thêm toàn diện.
c. Lực lượng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc bình thường tiềm ẩn trong nhân dân, tương tự như chú bé làng Gióng nằm im không nói, không cười.
d. Quá trình phát triển của nhân vật Thánh Gióng dồi dào ý nghĩa nhân sinh và nên thơ, nên hoạ biết bao!
Trả lời:
a. Tài năng: Năng lực xuất sắc, khả năng làm giỏi.
Hội họa: Một ngành nghệ thuật trong đó con người sử dụng màu vẽ để tô lên một bề mặt như là giấy, hoặc vải, để thể hiện các ý tưởng nghệ thuật.
Họa sĩ: người có khả năng và thực hiện sáng tác ra các tác phẩm hội họa.
b. Phủ định: Không đồng ý, phản đối hoặc bác bỏ.
Bổ sung: Thêm vào cho đầy đủ.
Nhận thức: Hiểu được, biết được.
c. Dân tộc: một cộng đồng người có cùng một lãnh thổ, chính quyền, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử.
Nhân dân: toàn thể những con người sinh sống trong một quốc gia.
d. Phát triển: Biến đổi theo chiều hướng đi lên, từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp
Nhân sinh: Sự sống của con người
5. Tìm những từ ghép có yếu tố Hán Việt trong bảng sau và giải thích nghĩa của những từ đó.
STT | Yếu tố Hán Việt | Từ ghép Hán Việt |
1 | bình (bằng phẳng, đều nhau) | bình đẳng,... |
2 | đối (đáp lại, ứng với) | đối thoại,.. |
3 | tư (riêng, việc riêng, của riêng) | tư chất,... |
4 | quan (xem) | quan điểm,... |
5 | tuyệt (cắt đứt, hết, dứt) | tuyệt chủng,... |
1. Bình đẳng: ngang hàng, cùng cấp bậc, quyền lợi với nhauTrả lời:
Bình quân: Chia đều, số trung bình
2. Đối thoại: Cuộc nói chuyện qua lại giữa hai người
Đối xử: hành vi ứng xử giữa người với người
3. Tư chất: Tính chất có sẵn của con người, thường là về mặt trí tuệ.
Tư trang: Đồ vật của một cá nhân
4. Quan điểm: Cách nhìn nhận, suy nghĩ về một vấn đề
Quan sát: Nhìn rõ về hiểu thêm về sự vật
5. Tuyệt chủng: Sự biến mất hoàn toàn của một giống loài sinh vật
Tuyệt giao: Cắt đứt quan hệ
6. Đặt ba câu sử dụng một số từ Hán Việt tìm được ở trên.
-
Vì hiểu lầm nên hai nhà đã tuyệt giao với nhau
-
Cô ấy đối xử với mọi người rất tận tình và chu đáo.
-
Anh ấy luôn quan sát cẩn thận trước khi sang đường.
7. Phân biệt nghĩa của những yếu tố Hán Việt đồng âm sau đây:
a. Thiên trong thiên vị, thiên trong thiên văn, thiên trong thiên niên kỉ.
b. Họa trong tai họa với họa trong hội họa, họa trong xướng họa.
c. Đạo trong lãnh đạo, đạo trong đạo tặc, đạo trong địa đạo.
Trả lời:
a. Thiên trong thiên vị: Nghiêng về một bên hơn
Thiên trong thiên văn: Trời
Thiên trong thiên niên kỷ: Một nghìn
b. Họa trong tai họa: Điềm xấu, không tốt
Họa trong hội họa: Vẽ
Họa trong xướng họa: Đối đáp
c. Đạo trong lãnh đạo: Chỉ bảo, dẫn dắt
Đạo trong đạo tặc: Trộm cướp
Đạo trong địa đạo: Đường (hầm)
*Viết ngắn:
Việc nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ sẽ mang đến cho chúng ta những lợi ích gì? Em hãy viết đoạn văn khoảng 150 chữ trình bày ý kiến của mình về vấn đề trên, trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai từ Hán Việt.
Trả lời:
Nhà văn Johann Wolfgang von Goethe đã từng nói: “Không có gì tầm thường trên thế giới. Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn”. Cuộc sống này như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận nó. Thay đổi góc nhìn sẽ giúp ta thấy được nhiều cơ hội mới mà trước đó ta không làm sao thấy được. Việc nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau như vậy còn giúp ta tránh được lối suy nghĩ thiển cận, phiến diện và từ đó, có thể mở mang nhận thức và sự sáng tạo hơn trong tư duy của bản thân về sự vật, sự việc để có thể đưa ra những quan điểm, quyết định đúng đắn và phù hợp trong cuộc sống, công việc và các mối quan hệ xung quanh. Như vậy, chúng ta cần tích cực lắng nghe, nhìn nhận vấn đề trên nhiều phương diện khác nhau để bản thân ngày một trở nên mới mẻ hơn, gặt hái nhiều thành công hơn.
Đó là cách soạn văn lớp 6 Thực hành tiếng Việt trang 47 trong chương trình sách mới Chân trời sáng tạo mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bài học này!