Soạn bài kể lại một truyện cổ tích văn 6 mới Chân trời sáng tạo
Soạn bài kể lại một truyện cổ tích văn 6 mới Chân trời sáng tạo
Phần soạn bài kể lại một truyện cổ tích dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh biết cách kể lại một câu chuyện cổ tích sao cho hấp dẫn và đầy đủ nhất. Mời bạn cùng đón đọc tại đây!
Đề: Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích
Lập dàn ý (Truyện cổ tích Em bé thông minh)
Phần I: Mở bài
- Giới thiệu truyện và lý do muốn kể lại truyện
+ Mỗi câu chuyện cổ tích đều mang lại một bài học hay, mở ra một thế giới muôn màu.
+ Em bé thông minh là một trong số những câu chuyện cổ tích hay mà em được nghe nói về trí thông minh của con người.
Phần II: Thân bài
- Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh của câu chuyện:
+ Truyện kể về một cậu bé có trí thông minh hơn người.
+ Lúc bấy giờ, nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi để tìm người tài giỏi.
+ Viên quan đi khắp nơi nhưng vẫn không tìm được người thật lỗi lạc.
- Chi tiết các sự việc xảy ra theo trình tự:
+ Ngày nọ, viên quan ra câu đố với hai cha con đang làm ruộng thì được cậu bé trả lời khiến ông phải sửng sốt.
+ Biết đã tìm được người tài, viên quan liền về tâu với nhà vua.
+ Nhà vua biết tin rất vui mừng, nhưng vẫn thử lại để biết chính xác.
+ Sau đó, nhà vua thử cậu bé thêm hai lần nữa, cậu vẫn giải được hết các câu đố của nhà vua.
+ Một lần sứ thần sang nước ta và ra câu đố hóc búa khiến ai cũng bó tay. Nhưng cậu bé lại một lần nữa dùng trí thông minh của mình giúp nhà vua giải được câu đố.
+ Từ đó, vua phong cậu bé làm trạng nguyên và thưởng cho dinh thự.
Phần III: Kết bài
- Nêu cảm nghĩ về câu chuyện:
+ Câu chuyện là lời ca ngợi trí thông minh của con người.
+ Bên cạnh đó, câu chuyện còn là lời khuyên chúng ta nên học hỏi kiến thức từ dân gian và kinh nghiệm thực tế.
Bài văn mẫu kể lại một truyện cổ tích văn 6 Chân trời sáng tạo
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có vô vàn những câu chuyện cổ tích hay ho và thú vị. Mỗi câu chuyện cổ tích đều mở ra một thế giới muôn màu và mang lại cho chúng ta những bài học bổ ích. Trong số đó, Em bé thông minh là câu chuyện cổ tích đề cao trí thông minh của con người mà em thích nhất.
Truyện kể rằng, có một ông vua muốn tìm người tài nên đã sai viên quan đi dò la khắp nơi. Viên quan dù đã tìm kiếm tại nhiều nơi, nhưng vẫn không tìm được người lỗi lạc. Một hôm nọ, viên quan đã đặt câu hỏi cho hai cha con đang làm ruộng rằng, trâu của họ một ngày cày mấy đường. Thấy thế, đứa con chỉ với bảy, tám tuổi đã hỏi ngược lại ngựa của ông ngày đi mấy bước khiến viên quan vô cùng sửng sốt. Biết đã tìm thấy người tài, viên quan liền về tâu với vua.
Nhà vua biết chuyện thì vô cùng vui mừng, nhưng vẫn muốn thử thêm cậu bé. Vua liền cho làng của cậu bé ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực và ra lệnh phải khiến ba con trâu ấy đẻ được chín con. Dân làng nghe tin vô cùng sợ hãi, chỉ có cậu bé là bình tĩnh nhờ cha bảo với làng giết thịt trâu ăn, còn cậu và cha sẽ cùng lên kinh lo liệu lệnh vua. Đến hoàng cung, cậu bé bỗng gào khóc đòi vua phán cha sinh em bé cho mình. Vua nghe thế thì cười bảo rằng giống đực không thể đẻ được. Cậu bé nghe thế thì tươi tỉnh hỏi ngược lại vua vì sao lệnh cho làng cậu nuôi trâu đực đẻ thành chín con nộp vua.
Sau chuyện ấy, nhà vua đã chịu rằng cậu bé thông minh lỗi lạc, nhưng vẫn muốn tiếp tục thử cậu. Vua sai người mang đến con chim sẻ và lệnh cậu dọn ba cỗ thức ăn. Cậu bé liền đưa cho sứ giả một cây kim, nhờ tâu với nhà vua rèn cho cậu một con dao xẻ thịt. Từ đó, nhà vua mới phục hẳn và ban thưởng rất hậu cho hai cha con.
Một lần, có sứ thần láng giềng sang dò xem bên nước ta có nhân tài hay không. Sứ thần đặt ra cho mọi người một câu đố, đó là làm sao xâu chỉ mảnh xuyên qua vỏ con ốc vặn dài. Một lần nữa, cậu bé đã giải câu đố bằng cách buộc chỉ ngang lưng con kiến càng và bôi mỡ phía bên kia của vỏ ốc để kiến bò sang bên kia và xâu được sợi chỉ xuyên ruột vỏ ốc. Về sau, nhà vua ban cho cậu bé làm trạng nguyên và xây dinh thự ở bên hoàng cung cho cậu bé.
Qua câu chuyện trên, em đã học được một bài học rất bổ ích. Đó là phải không ngừng trau dồi, tích lũy kiến thức không chỉ từ sách vở mà còn từ thực tiễn, từ kinh nghiệm trong dân gian. Từ đó, em sẽ có được sự nhạy bén và trí thông minh để mai sau giúp đỡ đất nước.
Bên trên là hướng dẫn soạn bài kể lại một truyện cổ tích mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung cách kể một câu chuyện cổ và thực hành một cách tốt nhất!