Đăng ký

[Kết nối tri thức] Soạn bài Cô bé bán diêm: ngữ văn 6 mới đầy đủ

[Kết nối tri thức] Soạn bài Cô bé bán diêm: ngữ văn 6 mới

      Cô bé bán diêm là một bài học có trong bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống - một bộ sách mới nằm trong chương trình đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với cách Soạn bài Cô bé bán diêm dưới đây, hi vọng học sinh sẽ nắm rõ bài học hơn trong chương trình học tập mới này!

Soạn bài cô bé bán diêm bộ Kết nối tri thức- CungHocVui

Soạn bài cô bé bán diêm bộ Kết nối tri thức

I. Trước khi đọc và soạn bài Cô bé bán Diêm bộ Kết nối tri thức

Câu 1 trang 60 sgk ngữ văn 6 Kết nối tri thức và cuộc sống

      Truyện Em bé thông minh

      Ngày xưa, có nhà vua nọ muốn tìm người tài giỏi nên đã sai một viên quan đi dò la khắp nơi. Trên đường đi, viên quan đã phát hiện một em bé con nhà nông dân có khả năng ứng xử nhanh nhạy và lối đối đáp thông minh. Viên quan liền lập tức về báo tin cho nhà vua. Nhà vua rất vui nhưng vẫn muốn thử tài cậu bé bằng cách tạo ra những tình huống oái oăm. Trong lần thử thách cuối cùng, em bé đã dùng trí thông minh và kinh nghiệm trong dân gian để thắng điều kiện thách đố của sứ thần. Sau đó, nhà vua đã phong em làm Trạng Nguyên và ban cho dinh thự bên cạnh để giúp vua trong việc triều chính.

Câu 2 sách ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức trang 60

      Cảm nhận của em về nhân vật em bé thông minh: Em bé thông minh tuy còn nhỏ, lại xuất thân từ một gia đình thường dân nhưng lại có trí thông minh hơn người cùng khả năng giải quyết tình huống linh hoạt, nhạy bén. Đồng thời, thông qua nhân vật này, em đã rút ra được một bài học đó là phải không ngừng học tập từ những kiến thức trong đời sống để trao dồi và rèn luyện bản thân.

II. Đọc văn bản Cô bé bán Diêm Sách Kết nối tri thức và cuộc sống chương trình ngữ văn 6 mới

Câu 1

      Trong đêm giao thừa giá rét, cô bé bán diêm phải ở ngoài đường để bán những que diêm và mong nhận được ít tiền bố thí từ những vị khách qua đường. Nhưng không ai quan tâm đến em và cô bé cũng không thể về nhà vì không có tiền đem về sẽ bị bố đánh.

Câu 2

      Sau khi bà mất, gia đình cô bé bán diêm rơi vào tình cảnh “gia sản tiêu tán và gia đình em phải rời ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân leo quanh”, “để chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc, chửi rủa”

Câu 3

      Mỗi lần quẹt diêm là những hình ảnh khác nhau do cô bé tự tưởng tượng:

-      Lần thứ nhất quẹt diêm: cô bé nhìn thấy lò sưởi bằng sắt.

-      Lần thứ hai quẹt diêm: cô bé nhìn thấy một bạn ăn thịt soạn và ngỗng quay đang tiến về phía mình.

-      Lần thứ ba quẹt diêm: cô bé thấy hình ảnh của một cây thông Noel.

-      Lần thứ tư quẹt diêm: Cô bé nhìn thấy người bà mà em yêu thương nhất.

-      Lần cuối cùng quẹt diêm: cô bé quẹt hết số diêm còn lại để được nhìn thấy bà và được đi cùng bà.

Soạn bài cô bé bán diêm bộ Kết nối tri thức- CungHocVui

Soạn bài cô bé bán diêm chương trình ngữ văn 6 mới

Câu 4

      Cô bé bán diêm đã qua đời trong đêm giao thừa giá rét, nhưng em đã được giải thoát khỏi hiện thực tăm tối chỉ có đòn roi, những lời mắng nhiếc, sự đói rét và nỗi buồn tủi, cô đơn. Em đã được đến một thế giới khác, một thế giới chỉ có sự hạnh phúc và tình yêu thương của bà.

Câu 5

      Có nhiều hình ảnh trái ngược nhau trong quang cảnh ngày năm mới: 

-      Khung cảnh mặt trời lên trong sáng, chói chang >< Em bé chết trong một xó tường tối tăm.

-      Mọi người vui vẻ ra ra khỏi >< Em bé chết vì rét trong đêm giao thừa.

-      Niềm vui đầu năm của người đi đường >< Số phận bất hạnh của em bé.

III. Sau khi đọc - Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 65 sgk văn 6 bộ Kết nối tri thức

      Cô Bé Bán Diêm là câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ở ngôi thứ ba.

Câu 2 sgk ngữ văn 6 mới

      Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong đêm giáng sinh - cái thời điểm đáng ra cô bé phải được ở nhà ăn bữa cơm sum vầy bên gia đình để đón chào năm - bởi vì cô bé sợ không mang được một đồng xu nào về sẽ bị cha em đánh đập, chửi bới.

Câu 3

Những chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm là:

-      “Một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối”

-      “Thế rồi em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét”

-      “Chiếc tạp dề cũ kĩ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao”

-      “Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em”

      Những chi tiết trên đã giúp em phần nào hình dung được cuộc sống của cô bé bán diêm:

      Cô bé bán diêm là một cô bé đáng thương với số phận bất hạnh. Ở lứa tuổi của em đáng ra phải được chăm sóc, yêu thương và bảo bọc từ gia đình, nhất là trong cái thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nhà nhà người người quây quần bên mâm cơm sum vầy như thế này. Nhưng em lại phải chịu đựng sự thờ ơ, vô tâm và lạnh lùng từ những người xung quanh và từ chính gia đình em. Hoàn cảnh đáng thương của cô bé khiến cho người đọc trào dâng một cảm giác xót xa và đồng cảm.

Câu 4

      Mỗi lần quẹt que diêm, cô bé bán diêm lại được sống trong thế giới mộng ảo đầy hạnh phúc, thoát khỏi hiện thực tăm tối khốc liệt. Đồng thời, từng hình ảnh mà cô bé tưởng tượng mỗi lần quẹt diêm đều ứng với những gì cô bé đang ao ước:

-      Lần thứ nhất quẹt diêm: cô bé nhìn thấy lò sưởi (khao khát được sưởi ấm trong đêm giao thừa giá lạnh)

-      Lần thứ hai quẹt diêm: cô bé nhìn thấy một bạn ăn thịt soạn (khao khát được ăn uống, sum vầy bên mâm cơm vì em đang đói lả đi giữa hiện thực tàn khốc).

-      Lần thứ ba quẹt diêm: cô bé tưởng tượng ra hình ảnh của một cây thông Noel (khao khát mái ấm gia đình hạnh phúc vì em đang lẻ loi một mình trên phố lạnh vào đêm giáng sinh)

-      Lần thứ tư quẹt diêm: Cô bé nhìn thấy người bà mà em yêu thương nhất (khao khát có tình thương và chỉ có bà là người yêu thương em nhất trên cuộc đời này)

-      Lần cuối cùng quẹt diêm: cô bé quẹt hết số diêm còn lại để được nhìn thấy bà và được đi cùng bà (khao khát được hạnh phúc, được giải thoát khỏi hiện thực tăm tối để đến một thế giới khác mà em mong muốn).

      Theo em thứ tự hình ảnh của các lần quẹt diêm trên là vô cùng phù hợp và không thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh đó. Nó thể hiện tâm hồn ngây thơ trong sáng của em bé. Đồng thời, sau mỗi lần quẹt diêm, ước mơ của em sẽ ngày càng hiện rõ và nâng cao theo cấp bậc từ nhu cầu vật chất (được ăn no, được sưởi ấm) đến nhu cầu về tinh thần (được sum vầy, được yêu thương). Mỗi lần que diêm tắt là mỗi lần thực tế khốc liệt lại trở về với em, làm nổi bật số phận bất hạnh, đáng thương của cô bé.

Soạn bài cô bé bán diêm bộ Kết nối tri thức- CungHocVui

Soạn bài cô bé bán diêm bộ Kết nối tri thức ngữ văn 6 mới

Câu 5

      Thái độ của người kể chuyện với cô bé bán diêm:

      Người kể chuyện thể hiện một tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc trước số phận bất hạnh của cô bé. Điều này được chứng minh qua một số chi tiết:

  • Tác giả đã tạo nên cái kết của câu chuyện cô bé được đi cùng bà, được đến thế giới mà cô mơ ước.

  • Khi tác giả miêu tả cái chết của cô bé, không hề có hình ảnh đau thương, xấu xí hay đáng sợ, mà đó là “một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”.

      Chỉ một người giàu lòng nhân ái và tình yêu thương trước số phận bất hạnh của cô bé mới có thể viết nên những dòng văn trên. Qua đó, nhà văn muốn truyền tải một thông điệp đầy ý nghĩa với giá trị nhân đạo sâu sắc, đó là hãy luôn yêu thương, trân trọng trẻ thơ và đem đến cho chúng một cuộc sống hạnh phúc trong tình yêu thương.

Câu 6

      Một số câu văn miêu tả lại cách ứng xử của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm:

  • “Khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em”.

  • “Mấy người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm”.

  • “Mọi người bảo nhau “chắc nó muốn sưởi ấm”.

      Đây là thái độ thờ ơ, vô tâm và cách ứng xử lạnh nhạt, thiếu sự đồng cảm cũng như tình yêu thương giữa người với người trong xã hội.

Câu 7 bài soạn Cô bé bán diêm bộ Kết nối tri thức

      Tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh chi tiết tương phản nhằm làm nổi bật sự bất hạnh của em bé, đồng thời thể hiện thái độ lãnh cảm, lạnh lùng và vô tâm của xã hội lúc bấy giờ. Không chỉ thế, những hình ảnh trên còn gieo rắc vào lòng người đọc những niềm đau thương vô hạn, sự cảnh tỉnh về tình người và lời khuyên hãy luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Câu 8

Cái chết của cô bé bán diêm có thể khiến người đọc ám ảnh và cảm thấy đau thương, Nhưng đối với em bé, nếu xét trên phương diện giải phóng số phận con người, đây là một cái kết có hậu. Cái chết của em không hề có cảnh máu me, đáng sợ, mà nó rất đẹp, đẹp cả hình hài lẫn linh hồn. Em ra đi với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Có thể nói, đây không phải là kết thúc, mà là một khởi đầu mới của cô bé bán diêm, khởi đầu cho cuộc sống hạnh phúc được sống bên bà trong tình yêu thương tại một thế giới khác, thế giới mà em mong ước.

Viết kết nối với đọc bài Cô bé bán diêm bộ Kết nối tri thức

      Gửi tác giả truyện “Cô bé bán diêm”

      Kính gửi: Han Cri-xti-an An-đéc-xen - tác giả truyện “Cô bé bán diêm”

      Cháu cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc khi vô tình được đọc truyện “Cô bé bán diêm” của ông. Câu chuyện mà ông viết thật buồn nhưng cũng thật đẹp. Nó giúp cháu có thêm được nhiều chiêm nghiệm mới trong cuộc sống. Cháu mong rằng sẽ không có trẻ em nào phải sống cuộc đời bất hạnh như cô bé bán diêm và cháu nhận ra mình thật may mắn khi được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình. Từ đó, câu chuyện giúp cháu thêm trân trọng những điều nhỏ bé nhưng đáng trân quý xung quanh mình. Cháu cảm ơn ông rất nhiều vì đã viết nên một câu chuyện có ý nghĩa như thế!

      Bên trên là cách soạn bài Cô bé bán diêm trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chương trình ngữ văn 6 mới mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích và giúp bạn chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe